Lỡ tay xoá file trong khi đang dọn dẹp ổ cứng, hoặc sự cố điện khiến ổ cứng trục trặc và file... “biến mất”? Bạn có thể tự tay cứu chữa bằng vài phương thuốc đơn giản sau mà không cần “cầu viện” tới bác sĩ chuyên môn.

A. Ba bước "cấp cứu" cơ bản

1. Dừng mọi công việc đang làm ngay lập tức

Khi bạn lỡ tay xoá một file, trên thực tế file đó vẫn nằm trên ổ cứng như bình thường, chỉ có thông tin “địa chỉ” bị xoá trong hệ điều hành, sẵn sàng ghi đè dữ liệu mới lên. Do đó, ngay  khi phát hiện sai lầm, bạn phải dừng mọi công việc ngay lập tức & chuẩn bị cho công tác cứu hộ. Càng cố tiếp tục sử dụng máy, tỉ lệ file bị ghi đè càng lớn, và càng khó cứu chữa.

2. Tìm đúng phần mềm thoả mãn nhu cầu

Có rất nhiều phần mềm giúp bạn cứu được file mà lại hoàn toàn miễn phí, từ Undele Plus, PC Inspector File Recovery, tới Restoration. Trong số này, Undeleted Plus là sản phẩm tốt nhất, với các chức năng “lọc” khiến bạn dễ “điểm mặt chỉ tên” vài file “nhỏ xíu” giữa một đống rác bị xoá thật sự trong ổ cứng. Mặc dù xếp hạng thấp hơn, nhưng Restoration và PC Inspector Recovery không thua kém quá nhiều, nếu không muốn nói là vượt trội trong một số trường hợp – đặc biệt do Restoration là phần mềm portable, sử dụng được ngay trên USB và không cần cài đặt khi sử dụng.

Nếu là người dùng có trình độ, bạn có thể thử qua PhotoRec, sản phẩm tuyệt hảo “cứu” ảnh trên mọi hệ điều hành khác nhau, từ Windows tới Linux và thậm chí .. Mac. PhotoRec không chỉ giới hạn ở “cứu” ảnh – mà còn có thể cứu chữa được gần như mọi loại file khác.

3. Cứu chữa

 Sau khi đã tìm được đúng công cụ mình cần, bạn cần quét ổ cứng để tìm “hàng thất lạc”. Quá trình này khác nhau đôi chút với mỗi phần mềm, nhưng về cơ bản, bạn cần chỉ cho phần mềm biết ổ cứng/phân vùng chứa file bị mất, và bắt đầu quét. Sau khi quét , bạn sẽ thấy một dãy dài dằng dặc các file đã bị xoá, cả vô tình hay hữu ý, với những cái tên bị mã hoá khó hiểu. Mỗi phần mềm sẽ có cách giúp đỡ bạn khác nhau, từ “lọc” đuôi file, “lọc” kích cỡ file, hoặc xấu nhất bạn sẽ phải .. lọc bằng tay. Sau khi tìm được “hàng thất lạc”, vấn đề chỉ còn là lưu file ra ổ cứng khác/phân vùng khác.

Đôi khi bạn làm đủ cách mà vẫn không tìm được file - nên đổi sang phần mềm khác để quét lại từ đầu. Nếu vẫn không tìm được, có lẽ bạn nên tìm đến những giải pháp khác, ví dụ như đem tới các dịch vụ cứu dữ liệu chuyên dụng.

Tuyệt đối không “làm liều” nếu bạn không nắm rõ phần mềm mình đang sử dụng. Quá trình quét-cứu file làm không đúng cách có thể vô tình ghi đè lên chính file đang cần cứu, khiến mọi sự trở nên “vô phương cứu chữa”. 

B. Phương án cứu file cho một số trường hợp cụ thể thường gặp

1. Toàn bộ ổ cứng bị xoá hoặc không thể boot.

 Không nên quá lo lắng: về cơ bản, mất ổ cứng hoặc mất file đều như nhau, miễn ổ cứng đó hoạt động được & thực thi các tác vụ đọc/ghi bình thường. Các phần mềm đề cập  ở phần trước của bài vẫn dùng tốt trong trường hợp này.  Nếu điều kiện không cho phép gắn ổ cứng vào PC khác, bạn có thể thử qua vài bộ công cụ cứu chữa không cần hệ điều hành, hoặc dùng thử bộ đĩa khởi động PartPE “Mini Windows”, hoặc “chuyên nghiệp” hơn, Linux live CD – chạy hệ điều hành ngay trên ổ CD.

Nếu đã thực sự tuyệt vọng, vài mẹo nhỏ đôi khi có tác dụng bất ngờ, như .. nhét ổ cứng vào tủ lạnh. Cách này sẽ "phá nát" ổ cứng ngay sau lần đọc đầu tiên khi lấy ra khỏi tủ lạnh, nhưng vừa đủ để cứu dữ liệu nếu  bạn có sẵn ổ cứng thay thế.

2. Tìm và cứu ảnh

Tất cả các phần mềm đề cập ở phần 1 đều cứu được ảnh bị xoá trên  ổ cứng hoặc thẻ nhớ của máy ảnh số. Nhưng có một số phần mềm miễn phí khác như Zero Assumtion Digital Image Recovery “chuyên nghiệp” hướng vào tìm và cứu ảnh bị xoá.

3. Cứu file .doc của Word

Ngoài sử dụng phương pháp quét-tìm cứu truyền thống, bạn có thể thử tìm file sao lưu tự động của Word theo các bước sau đây:

Mở Word, tìm menu Tools > Options > đúp chuột vào Auto Recover files trong mục File Location và ghi nhớ đường dẫn. Tắt Word, mở folder theo đường dẫn vừa tìm được, tìm tất cả các file có đuôi .ASD còn sót lại. Đây là các file tự động sao lưu được Microsoft Word tạo ra trong quá trình làm việc.

Bạn cũng  có thể thiết lập sao lưu tự động trong mục Tools > Options > Saves, đánh dấu chọn “Always create backup copy”, và chọn thời gian “Save automatically every x seconds” xuống mức thấp nhất.

4. Cứu file từ đĩa CD hoặc DVD

Đĩa quang lưu trữ thuận tiện, nhưng lại dễ hỏng nếu bảo quản không

đúng cách. Các sản phẩm ở phần 1 khó dùng với đĩa quang, do đó bạn nên thử qua CD Recovery Toolbox. Đây là phần mềm chuyên dùng đọc đĩa CD/DVD hỏng, cố gắng đọc và cứu được tất cả những phần còn đọc được. Nếu vẫn không ăn thua, bạn cũng có thể thử CDCheck, bản dùng thử 30 ngày.

Đôi khi vài mẹo nhỏ đơn giản đến bất ngờ cũng giúp được, như lau bề mặt đĩa bằng vải mềm. Nếu không hiệu quả, thử bôi thêm một ít … thuốc đánh răng và lau lại lần nữa. Nếu may mắn lấy lại được dữ liệu, hãy sao lưu ngay ra một bản khác trước khi quá muộn!

C. Phòng bệnh hơn chữa bệnh

 Bất kể vì lý do gì, cách phòng ngừa mất dữ liệu tốt nhất chính là sao lưu đều đặn. Đơn giản như thường xuyên lưu file ra đĩa CD/DVD và bảo quản cẩn thận, hay “chuyên nghiệp” như dùng các công cụ sao lưu của Windows để sao lưu toàn bộ ổ cứng.

(Theo Dantri)



Bình luận

  • TTCN (1)
tran van hong

bài viết cớ vẩn không có chút gì hữu ích cả.toan nhưng điều không cần nói vì nhưng điề đó khong cần nói ai cũng biết