Trang CRI (Trung Quốc) dẫn lời Zhang Haiqi, người đứng đầu Cục Khảo sát Địa chất cho hay, Trung Quốc là một trong số ít quốc gia trên thế giới có triển vọng khai thác nguồn tài nguyên băng cháy. Nguồn băng cháy trên cả đất liền và trên biển có thể quy đổi thành khoảng 10 tỉ tấn dầu, tương đương với tổng số nguồn năng lượng dầu và khí gas tự nhiên của Trung Quốc.

Ảnh
Băng cháy.

Băng cháy là một chất rắn có tên khoa học là hydrat tự nhiên hoặc khí hydrat, là nguồn nhiên liệu siêu sạch, không gây ô nhiễm môi trường. Ban đầu các nhà khoa học cho rằng dạng năng lượng này chỉ tồn tại bên ngoài hệ Mặt Trời. Các nhà khoa học sau đó phát hiện nguồn băng cháy đáng kể dưới đáy biển sâu. 1 m3 của băng cháy có năng lượng tương đương hơn 160 m3 khí tự nhiên.

Trước đó, ngày 11/7, trang web en.ccchina.gov.cn (Trung Quốc) cũng đã cho đăng tải bản tóm tắt báo cáo của Viện Nghiên cứu Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển, Cục Khảo sát Địa chất của Trung Quốc, trong đó nêu rõ tầm quan trọng của băng cháy đối với Trung Quốc.

Theo bản báo cáo, việc khai thác và sử dụng băng cháy có thể làm giảm bớt áp lực duy trì an ninh năng lượng của Trung Quốc, đồng thời thúc đẩy việc bảo vệ môi trường và giảm lượng khí thải.

Bản báo cáo nhấn mạnh, băng cháy nên trở thành nguồn năng lượng mới cho việc “cải cách năng lượng ở Trung Quốc” và là một sự lựa chọn quan trọng đối với chiến lược phát triển năng lượng dài hạn.

Bản báo cáo đề xuất Trung Quốc nên lập ra các kế hoạch trung và dài hạn đối với việc khai thác và sử dụng băng cháy.

Năm 2009, Bộ Đất đai và Tài nguyên Trung Quốc từng thông báo cơ quan địa chất nước này đã phát hiện băng cháy ở cao nguyên Thanh Tạng. Phát hiện này theo các chuyên gia Trung Quốc, đã đưa Trung Quốc trở thành nước thứ 3 trên thế giới, sau Canada và Mỹ, khoan thăm dò được băng cháy trên đất liền. Băng cháy được thế giới công nhận là nguồn nhiên liệu sạch mới khổng lồ hiện vẫn chưa được đưa vào khai thác.

Theo VOV.



Bình luận

  • TTCN (0)