V được cho là biểu tượng của “chiến thắng” hoặc “hạnh phúc”.

Chỉ cần dành một vài phút “ngắm nghía” các bức hình được đăng tải trên mạng xã hội, không khó để nhận ra một điểm chung trong phong cách chụp hình của người Việt Nam nói riêng và người Châu Á nói chung: giơ tay hình chữ V. Bạn đã bao giờ tự đặt ra câu hỏi đâu là nguồn gốc của phong cách chụp hình này chưa?

Một giả thuyết cho rằng kiểu giơ tay hình chữ V khi chụp hình bắt nguồn từ vận động viên trượt băng nghệ thuật người Mỹ có tên Janet Lynn. Kì Olympics năm 1972 được tổ chức tại Nhật Bản, cô là niềm hi vọng vàng của thể thao Mỹ. Thế nhưng, mọi thứ diễn ra không suôn sẻ khi trong bài dự thi của mình Janet đã bị ngã và để tuột chiếc huy chương vàng khỏi tay. Thay vì buồn bã và ủ rũ, Janet nở nụ cười và chính nụ cười này đã "đốn tim" rất nhiều người hâm mộ Nhật Bản lúc bấy giờ đồng thời khiến Janet Lynn đã trở thành một hiện tượng tại đất nước mặt trời mọc. Cô cho biết mình nhận được cả nghìn lá thư tại đây. Trong chuyến đi tour vòng quanh Nhật Bản vài năm sau kì Olympics năm ấy, Janet thường xuyên chụp hình và giơ tay thành biểu tượng chữ V và nó bắt đầu thịnh hành ở Nhật Bản.

Ảnh
Cú ngã đã lấy đi tấm huy chương vàng của Janet Lynn vào kì thế vận hội mùa đông 1972 diễn ra tại Sapporo, Nhật Bản nhưng lại mang đến cho cô hàng nghìn người hâm mộ khắp đất nước này.

Tuy nhiên, một giả thuyết khác lại khẳng định “biểu tượng chữ V” xuất hiện từ trước hiện tượng Janet Lynn khá lâu và nó bắt đầu phổ biến nhờ manga. Cụ thể, trong bộ truyện tranh bóng rổ mang tên Kyojin no Hoshi (1986), nhân vật chính mặc dù vừa cãi nhau với bố trước đó vẫn được ông ngầm động viên trước trận đấu lớn bằng “biểu tượng chữ V”. Sau đó, một bộ truyện tranh khác về bóng chuyền thậm chí còn lấy “biểu tượng chữ V” để đặt tên. Bộ truyện này có tên "Sain wa V!" (tạm dịch: V là một biểu tượng). "Sain wa V!" còn được chuyển thể thành một bộ phim truyền hình với phần nhạc phim rất được giới trẻ Nhật yêu thích.

Ảnh
Poster phim "Sain was V!"

Mặc dù tất cả các giả thuyết trên đều có thể đúng, quảng cáo nhiều khả năng chính là công cụ đưa “biểu tượng chữ V” đi xa nhất. Vào những năm 80 của thế kỉ trước, Jun Inoue (thành viên nhóm nhạc Nhật Bản Spiders) trở thành người đại diện cho mẫu máy ảnh của Konica. Không rõ vì lí do gì, khi quay phim hoặc chụp hình quảng cáo cho hãng này, Inoue luôn giơ tay hình chữ V. Sự xuất hiện ồ ạt trên thị trường của máy ảnh và sức mạnh của truyền thông cộng hưởng từ TV cùng tạp chí dành cho giới trẻ đã làm “biểu tượng chữ V” trở nên phổ biến hơn bao giờ hết.

Ảnh
Vào những năm 1980, văn hóa Nhật Bản có ảnh hưởng khá lớn. “Biểu tượng chữ V”, do đó, lần lượt được "xuất khẩu" sang các quốc gia, vùng miền lãnh thổ khác của Châu Á như Trung Quốc, Hong Kong, Hàn Quốc, Đài Loan... và dần dần lan ra toàn Châu Á.

Ngày nay, “biểu tượng chữ V” vẫn còn là một trong những phong cách chụp ảnh thường thấy nhất. Nhiều em nhỏ thậm chí tự động làm điều này mà không cần được dạy khi chụp hình thông qua bắt chước bởi nó quá phổ biến.

Theo Trí Thức Trẻ.




Bình luận

  • TTCN (1)
Diệu Anh  3392

mình cứ nghĩ rằng chữ V là bắt đầu của từ "Victoria" - chiến thắng Smile