Nhiều năm qua, nhiều công ty lớn nhỏ khác nhau đều phải cố gắng thuyết phục người dùng về một chiếc máy tính đeo trên cổ tay. Và không làm chúng ta thất vọng, những nỗ lực của họ đã cho được những sản phẩm đáng chú ý.

Từ Pebble cho đến Galaxy Gear (và mọi biến thể liên quan), chưa có chiếc đồng hồ thông minh nào có thể có được một nền tảng phần mềm hoàn thiện, vừa tốt, vừa đẹp và lại vừa đơn giản khi vận hành.

Cho đến khi Google nhảy vào cuộc với nền tảng Android Wear cùng hi vọng đồng hồ thông minh sẽ làm được giống như điện thoại thông minh: tạo ra một nền tảng lớn, có thể mở rộng, thu hút được nhiều nhà sản xuất, nhà phát triển và cuối cùng là người sử dụng.

Vậy nên Wear làm gì để có thể ứng dụng được cho đời thực, và có thể thành công khi mà nhiều nền tảng khác đều thất bại? Bài viết sẽ đánh giá chi tiết về mặt trải nghiệm phần mềm qua một số đồng hồ thông minh đầu tiên chạy Android Wear.

Android Wear là gì?

Khi bạn đi lòng vòng thành phố với chiếc đồng hồ Wear đeo trên tay, có thể bạn sẽ nhận được ngay vài cái nhìn tò mò của người khác, thắc mắc xem đó là thứ gì. Cách tốt nhất để mô tả một đồng hồ Wear là xem nó như một thiết bị giúp bạn dễ dàng nắm được nhiều thông tin bạn cần. Và nhờ vào mọi dữ liệu mà Google thu thập được về cá nhân bạn và thế giới, Wear là thiết bị duy nhất hiện thời có thể cung cấp loại dịch vụ đó.

Trái tim và linh hồn của Android Wear là Google Now, đóng vai trò như trợ lí ảo thông minh, nhúng vào Android và Chrome trong vài năm qua. Google Now kết hợp khả năng tìm kiếm dữ liệu từ tài khoản Google của bạn, dữ liệu về vị trí địa lí từ thiết bị di động của bạn và lái mọi thứ liên quan như Gmail để tạo ra những mẫu tin nhỏ dạng thẻ, còn gọi là “thẻ” (card), xuất hiện dựa theo ngữ cảnh, rải ra trong suốt một ngày của bạn.

Bạn có thể nhận được một thẻ vào buổi sáng, thông báo về giao thông trên tuyến đường đi làm hàng ngày, hoặc một thẻ chỉ đường đến công ty nào đó mà hôm trước bạn tìm địa chỉ trên mạng. Vài thẻ chỉ đơn giản là liệt kê số bước chân bạn đi trong ngày hoặc báo thời tiết nơi bạn ở, hoặc một khu vực mà bạn dự định sẽ đi du lịch đến đó. Vài thẻ khác có thể khiến bạn ngạc nhiên, như xuất hiện vào chiều thứ 6, báo cho bạn thời gian phải bỏ ra nếu bạn muốn đến một quán cafe hay nhà hàng nào đó quen thuộc.

Điều làm cho những thông tin này trở nên đặc sắc là những yếu tố mà chúng hiển thị ngay thời điểm mà bạn cần chúng, trước cả khi bạn nghĩ mình nên tìm kiếm thông tin đó. Và trong khi với điện thoại thông minh, bạn phải thực hiện vài thao tác mới xem được thì với đồng hồ thông minh, bạn không cần làm gì cả, thay đổi cách trải nghiệm của người dùng.

Đó là vì Wear đặt thông tin ngữ cảnh lên trước, do vậy khiến chúng giống như một phản ứng tự nhiên của cơ thể, khác với cách can thiệp chủ ý của người dùng như trước nay. Đồng hồ Wear kết nối với điện thoại Android qua Bluetooth; điện thoại chạy một ứng dụng Android Wear riêng, cho phép nó luôn kết nối và chuyển dữ liệu khi cần. Nhưng với đồng hồ thông minh, nó không có được kết nối liên tục nên chỉ có những chức năng cơ bản nhất, như giữ giờ và cho phép bạn sử dụng vài tính năng ít phụ thuộc đến dữ liệu. Còn khi có kết nối, đồng hồ thông minh cũng còn khá hạn chế về tính năng, những gì nó làm được.

Android Wear còn gì khác?

Một điều quan trọng cần biết về Wear là không như các phiên bản Android thông thường (là các nhà sản xuất điện thoại và máy tính bảng rất thích chỉnh sửa giao diện cho Android), phần mềm này hầu như giống nhau trên mọi đồng hồ thông minh. Google quản lí chặt chẽ giao diện cốt lõi để tạo được tính nhất quán về trải nghiệm (và cũng tiện cho quá trình nâng cấp, cập nhật) cho nền tảng này về sau.

Khi nhìn vào đồng hồ Wear, thứ đầu tiên bạn thấy là thiết kế bề mặt theo ý bạn chọn, cùng với đó là một thẻ trong một thời điểm được Wear chọn để hiển thị. Wear liên tục xem xét chồng thẻ và cố gắng xếp hạng chúng để hiển thị những thẻ có liên quan nhiều nhất, dựa trên ngữ cảnh hiện thời. Hệ thống này không phải luôn luôn hợp lí. Đôi khi nó hiển thị thẻ đếm số bước chân trong khi bạn đang ở sân bay, nhưng phần lớn nó hiển thị khá chính xác.

Mặc định, thiết bị Wear thường ở chế độ tiết kiệm, nghĩa là màn hình ở trạng thái trắng - đen. Bạn có thể kích hoạt đồng hồ và chuyển nó sang hiển thị màu bằng cách gõ lên màn hình hoặc nâng cánh tay lên (với một đồng hồ Wear chuẩn, luôn có một cảm biến gia tốc nhận biết điều này). Và khi bạn úp lòng bàn tay kia lên mặt đồng hồ, nó lại chuyển sang chế độ tiết kiệm.

Một khi ở chế độ kích hoạt, cách dùng Android Wear rất đơn giản, chỉ việc quét ngón tay qua màn hình. Quét lên để xem đầy đủ thông tin của 1 thẻ; quét lên 1 lần nữa để chuyển sang thẻ tiếp theo. Hầu như mọi thứ bạn điều khiển Wear là vài thao tác rất cơ bản. Đó là hệ thống dễ học, dễ nắm bắt và sử dụng, là kiểu tương tác đơn giản nhất có trên một màn hình tương đương với mặt đồng hồ đeo tay thông thường, nhưng màn hình này có đồ họa và các hiệu ứng chuyển động mượt mà, bóng bẩy.

Ngoài việc quét lên và xuống, bạn cũng có thể quét ngang phải trên bất kì thẻ nào để đóng nó lại hoặc qua trái để đọc thêm thông tin và tùy chọn khác. Ví dụ ở thẻ thời tiết, quét sang trái để hiển thị dự báo cho nhiều ngày sắp tới. Ở thẻ tin nhắn, quét sang trái 1 lần hiển thị đầy đủ tin nhắn với khả năng cuộn màn hình để cho bạn đọc hết được những tin nhắn trước đây; quét sang trái 1 lần nữa, đồng hồ hiển thị một biểu tượng lớn để cho bạn trả lời tin nhắn bằng giọng nói.

Điều thú vị về cách ra lệnh trên thẻ Android Wear là phần lớn chúng đều được tích hợp cho các ứng dụng Android phổ biến, nghĩa là bất kì thông báo nào chạy được trên điện thoại cũng sẽ chạy được trên đồng hồ. Wear chỉ việc đem cảnh báo trên điện thoại, dịch và chuyển chúng sang giao diện thẻ của đồng hồ.

Ví dụ tiêu biểu cho tính năng này là Gmail. Khi bạn nhận được 1 thông báo email mới trên điện thoại, tính năng thông báo Gmail có 2 nút, tương ứng 2 lệnh Archive (lưu lại) hoặc Reply (trả lời). Trên đồng hồ Android Wear, 2 nút tương tự cũng xuất hiện khi bạn quét tay sang trái trên thẻ email. Bạn không cần hỗ trợ đặc biệt nào cho vấn đề tương thích ứng dụng vì mọi thứ tự động ăn khớp với nhau ngay khi bạn mua đồng hồ Android Wear.

Điều khiển bằng giọng nói

Với tính năng ra lệnh bằng giọng nói và nhập văn bản bằng giọng nói, Android Wear dựa rất nhiều vào chính giọng nói của bạn, vì nó không có bàn phím trên màn hình hay bất cứ tính năng nhập liệu tương tự nào khác. Điều may mắn là khả năng nhận diện giọng nói của nó khá tốt.

Ngoài những lệnh cơ bản, bạn có thể hỏi Wear mọi loại thông tin trên đời và hệ thống sẽ cung cấp cho bạn câu trả lời ngay trên màn hình. Bạn có thể hỏi về điểm số một trận đấu thể thao, tính toán, chuyển đổi hoặc thậm chí hỏi về những sự kiện chung chung như ai điều hành công ty đó, lượng calories trong món ăn này như thế nào, ngôi sao điện ảnh đó bao nhiêu tuổi… Nếu Google có được dữ liệu trong Knowledge Graph thì nó sẽ cho bạn biết ngay được thông tin trong một thẻ rõ ràng, chính xác; nếu không, nó sẽ đưa bạn tới trang kết quả tìm kiếm trên web với tùy chọn tham khảo chi tiết trên điện thoại.

Dĩ nhiên công nghệ nhận diện giọng nói của Google không phải hoàn toàn hoàn hảo, nên bạn phải chấp nhận sự thật là đôi khi Wear nhận diện giọng nói nhầm lẫn và nó chỉ nhận diện tiếng Anh là tốt hơn cả so với các ngôn ngữ khác, nhưng chắc cần một thời gian nữa Wear mới hỗ trợ tiếng Việt.

Android Wear và ứng dụng

Nhân hệ điều hành và các dịch vụ Google có thể là những ngôi sao sáng thực sự của Android Wear, nhưng các ứng dụng đóng vai trò hỗ trợ quan trọng cho nền tảng này. Giống như chính bản thân Wear, các ứng dụng thường được thiết kế để chạy như một loại phần mềm mở rộng cho điện thoại thông minh, giúp bạn dễ dàng hoàn thành một công việc nào đó, nay thì hoàn thành công việc trên cổ tay.

Lưu ý là Google không tạo một cửa hàng riêng, độc lập cho các thiết bị Wear. Thực tế, bạn sẽ không bao giờ cài đặt một ứng dụng trực tiếp lên đồng hồ Wear. Thay vào đó, những ứng dụng Android nào đó sẽ được cài vào cho từng loại đồng hồ Wear, và khi bạn cài bất kì ứng dụng nào lên điện thoại thì thành phần ứng dụng đó tự động xuất hiện trên đồng hồ.

Và cần nhớ rằng bất kì ứng dụng Android nào cũng đều có thể chạy với Wear được thông qua tính năng thông báo thông thường của nó. Điều mà chúng ta băn khoăn ở đây là những ứng dụng có nhiều tính năng phức tạp hơn, được thiết kế riêng để chạy trên đồng hồ. Ví dụ, Google Maps cho bạn kích hoạt tính năng định vị và xem chỉ dẫn đi đường từ đồng hồ. Lyft cho bạn giám sát tình trạng của tài xế. Runtastic và RunKeeper cho bạn theo dõi đường chạy bộ với thông tin chi tiết về thời gian, quãng đường và lượng calories tiêu tốn. Và một ứng dụng tên là Allthecooks cho bạn xem hướng dẫn từng bước để nấu ăn. Mọi thứ bạn cần làm là chỉ việc quét ngón tay trên đồng hồ để xem bước kế tiếp phải làm như thế nào.

Xa hơn nữa, Google Keep và Evernote cho bạn khả năng duyệt những ghi chú hiện có và tạo ghi chú mới bằng cách nói vào đồng hồ. Một dịch vụ khác tên là Eat24 cho bạn gọi thức ăn bằng giọng nói thông qua thiết bị Wear. Còn cả hai hãng Delta và American Airlines có ứng dụng cho bạn check-in sân bay và hiển thị thông tin du lịch lên màn hình của Wear.

Ranh giới giữa hữu dụng và phiền toái

Câu hỏi trị giá hàng triệu đô la đặt ra cho một thiết bị như đồng hồ Wear là: thực sự việc truy cập thông tin từ ngay cổ tay như vậy có hữu ích? hoặc nó chỉ là một loại phiền phức khác nữa mà chúng ta phải đeo vào?

Câu trả lời tùy thuộc hoàn toàn vào bạn. Nhưng sau 2 tuần trải nghiệm với Wear, tác giả bài viết này có thể xác nhận: với ai thích kết nối, đây là cách rất thuận tiện, thực tế và mới mẻ để giao tiếp, giúp chúng ta luôn cập nhật mọi thông tin.

Còn về mặt phiền toái, may mắn là Wear có vài công cụ tích hợp, giúp bạn quản lí cách mà đồng hồ thông báo mọi thứ cho bạn. Đầu tiên, thẻ và thông báo chỉ rung và sáng lên nếu điện thoại bạn reo. Điều này có nghĩa là hầu hết thẻ Google Now xuất hiện và sẵn có trên đồng hồ, nhưng không liên tục thông báo rằng chúng hiện diện ở đó. Và đương nhiên nếu bạn đã thiết lập "Silent" thông báo trên điện thoại thì thì đồng hồ cũng đồng bộ theo, nó sẽ “lặng như tờ", hoặc bạn có thể thiết lập thiết bị này báo, thiết bị kia không.

Ứng dụng điện thoại Android Wear cũng đưa ra một tùy chọn để đưa những ứng dụng cụ thể nào đó vào "sổ đen", kể cả tính năng thông báo cho đồng hồ. Và nếu bạn không muốn bất kì điều gì phiền nhiễu bạn trong khoảng thời gian nào đó, bạn có thể kích hoạt chế độ "Mute" bằng cách quét xuống, nghĩa là không có thông báo nào xuất hiện và đồng hồ sẽ chuyển sang chế độ đen-trắng.

Nhưng những điều đề cập trên chưa phải hoàn hảo và còn nhiều chỗ cần cải thiện. Wear vẫn còn nhiều chức năng "có cũng như không". Bởi vì hầu hết thẻ Google Now không bao giờ phát âm thông báo nên đôi khi bạn sẽ bỏ lỡ những thông báo quan trọng, như thông tin dời chuyến bay. Tương tự vậy, không phải email nào cũng quan trọng , nhưng email khi lọt vào Inbox của bạn, Wear đều đối xử với chúng bình đẳng như nhau.

Kết luận

Với Android Wear, Google tạo ra được một nền tảng cho đồng hồ thông minh, và điều ấy thực sự có ý nghĩa. Nó không có những câu lệnh phức tạp hoặc những tính năng rắc rối, nhưng nó là công cụ bổ sung cho điện thoại, giúp cuộc sống công nghệ của bạn đi theo một hướng nhẹ nhàng, dễ dàng và thuận tiện hơn.

Và một điểm quan trọng: mua một chiếc đồng hồ Wear không giống như mua chiếc điện thoại thông minh đầu tiên trong đời. Wear không mang lại tính năng nào mới mẻ vào cuộc sống, nó chỉ mang tới một phương thức thuận tiện hơn để làm những chức năng ấy. Nhưng để làm được vậy, đó là cả một quá trình cải tiến về khả năng tương tác.

Chắc chắn một điều là Wear còn ở giai đoạn đầu phát triển, còn nhiều thứ chưa hoàn hảo. Nó cần nhiều ứng dụng hơn nữa, giao diện thông báo cần thay đổi nhiều và Google vẫn phải làm việc nhiều để gia cố hệ điều hành cho đồng hồ thông minh. Nhưng nhiêu đó cũng giúp người tiêu dùng chúng ta có được một điều gì đó để mong ngóng, mong ngóng một tương lai thú vị hơn.

Theo PC World VN.




Bình luận

  • TTCN (0)