Quá ít thiết bị đầu cuối hỗ trợ dịch vụ truyền hình di động.

Sau gần 2 năm cung cấp dịch vụ từ tháng 1/2007, đến nay cả 2 nhà cung cấp dịch vụ truyền hình di động (Mobile TV) ở Việt Nam bước tiến khá chật vật. Cước cao, “khan” thiết bị đầu cuối, giá đắt, vùng phủ sóng hẹp,... là những lý do chính đang cầm chân dịch vụ này.

Từ cuối năm 2006, có 2 doanh nghiệp chính thức thương mại hoá Mobile TV là Công ty cổ phần dịch vụ Bưu chính viễn thông Sài Gòn (SPT) và Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC. 

Ngày mới ra mắt dịch vụ, cả 2 đều dự báo Mobile TV nhanh chóng bùng nổ về tốc độ phát triển thuê bao. Song thực tế dịch vụ này đang phát triển rất cầm chừng và có nguy cơ chết yểu nếu các nhà cung cấp ngừng cung cấp thiết bị đầu cuối. 

3 lý do "níu chân" dịch vụ 

S-Fone mạng điện thoại di động CDMA đi tiên phong cung cấp Mobile TV vào tháng 12/2006. Ban đầu mới chỉ có 1 loại máy Samsung F363 hỗ trợ xem phim, xem truyền hình, nghe các kênh phát thanh trực tiếp bằng 3 hình thức: Tải về, xem theo yêu cầu và xem trực tiếp. Thực tế, không nhiều thuê bao S-Fone sử dụng dịch vụ Mobile TV bởi mức cước phí còn quá cao và cách tính cước phức tạp. 

Hiện tại khách hàng xem Mobile TV S-Fone trả 2 loại cước. Với gói cước 400.000 đồng/tháng được xem truyền hình với dung lượng tối đa là 4Gb, gói cước 250.000 đồng/tháng được xem truyền hình với dung lượng tối đa 2Gb, vượt quá hạn mức dung lượng này khách hàng trả thêm 0,5 đồng/kb truy cập. 

Nếu khách hàng sử dụng các dịch vụ nội dung khác thì phải trả phí riêng. Ví dụ, cước tải nhạc theo yêu cầu (MOD - Music on demand) là 2.000 đồng/bài, nghe trực tuyến 500 đồng/bài, cước xem phim (VOD - video on demand) tải về 2.500 đồng/nội dung, xem trực tuyến 1.000 đồng/nội dung. Với cách tính này, thuê bao S-Fone phải chi phí tối thiểu 250.000 đồng/tháng riêng cho dịch vụ Mobile TV. 

Ông Đỗ Văn Quất phụ trách phòng kinh doanh của S-Fone khi được hỏi có bao nhiêu thuê bao S-Fone đang sử dụng Mobile TV, chỉ cung cấp vỏn vẹn thông tin 3 chữ: “Chưa nhiều lắm!”. 

VTC ra mắt dịch vụ Mobile TV theo chuẩn DVB-H từ tháng 1/2007, vào thời điểm đó VTC kỳ vọng phát triển được ít nhất 80.000 thuê bao trong năm đầu tiên, song sau 18 tháng thì con số này mới chỉ dừng lại khoảng 10.000 thuê bao. So với Mobile TV của S-Fone, Mobile TV của VTC có lợi thế hơn vì thuê bao của 3 mạng GSM là MobiFone, Vinaphone, Viettel có thể sử dụng dịch vụ. Mobile TV của VTC có giá cước “mềm” hơn rất nhiều, cước tính trọn gói theo tháng, khách hàng không bị hạn chế thời gian và dung lượng xem. 

Hiện VTC Mobile cung cấp 1 gói cước xem được 12 kênh với mức phí đăng ký ban đầu là 500.000 đồng và thuê bao 120.000 đồng/tháng. VTC cũng đang khuyến mãi tặng 1 tháng thuê bao cho khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ mới và tặng tiền nạp thẻ cho những khách hàng đang sử dụng dịch vụ. Ngoài ra VTC còn phát miễn phí kênh VTC cho những khách hàng đang muốn sử dụng dịch vụ.

Giá máy cao là hạn chế lớn nhất khiến Mobile TV khó thương mại hoá. Máy xem Mobile TV của S-Fone có giá trên 4 triệu đồng. Còn hãng Nokia giờ chỉ có mỗi sản phẩm N77 đang còn hàng với giá 5,7 triệu, còn N92 thì chỉ còn máy cũ trên thị trường. 

Bên cạnh đó, vùng phủ sóng còn quá hẹp cũng là nguyên nhân khiến dịch vụ Mobile TV bị cầm chân. Hiện VTC Mobile mới chỉ phủ sóng ở Hà Nội, TPHCM và Hải Phòng, tại 3 địa phương này chất lượng âm thanh và hình ảnh khá tốt. Một số khu vực lân cận với 3 tỉnh này cũng có thể bắt được sóng nhưng chất lượng còn chập chờn. Tương tự S-Fone cũng mới chỉ phủ sóng 3G ở khoảng 4, 5 tỉnh, thành phố lớn. 

VTC Mobile sẽ “chết” nếu Nokia ngừng cung cấp thiết bị 

Bước sang năm 2008, cả VTC Mobile và S-Fone đều đặt ra mục tiêu sẽ phát triển các dịch vụ nội dung để kích cầu dịch vụ Mobile TV, nhưng đến nay họ cũng chưa mấy thành công, vì thiếu thiết bị đầu cuối. 

Năm 2008, S-Fone dự định sẽ đẩy mạnh việc phát triển dịch vụ giá trị gia tăng trên nền công nghệ CDMA EV - DO, trong đó có dịch vụ xem truyền hình trực tuyến trên điện thoại di động. Đến nay ngoài Samsung F363, còn có thêm máy Samsung F603 có thể xem được 6 kênh truyền hình trực tuyến của VTV, HTV, HTCV,... Song dịch vụ này cũng không mấy khả quan. 

Ông Lê Đoàn Quân - Giám đốc Công ty Truyền hình di động VTC Mobile - cho biết, trong năm 2008, VTC Mobile đưa ra 3 chiến lược kinh doanh mới, đó là: Phát triển các dịch vụ gia tăng, các dịch vụ quảng cáo và bán các dịch vụ nội dung số. Trong đó giải pháp bán dịch vụ nội dung và phát triển các dịch vụ gia tăng là được xem là chiến lược sống còn. 

Và sự ra đời của kênh truyền hình tương tác VTC10 (iTV) được coi kênh chủ lực để mua bán các dịch vụ nội dung, kích cầu dịch vụ Mobile TV.

Trong năm nay, VTC Mobile kỳ vọng về sự tăng vọt về thuê bao VTC Mobile, vì đối tác cung cấp máy đầu cuối Nokia hứa trong năm 2008 sẽ cho ra mắt thêm 3 sản phẩm xem truyền hình di động nữa, có sản phẩm giá khoảng 4 triệu đồng. Nhưng thực tế, đến thời điểm tháng 6/2008, trên thị trường không những chưa có thêm loại máy nào mới, mà chỉ có rất ít máy N77 còn bán trên thị trường và N92 thì chỉ còn máy cũ.

Shopmobile Nhật Cường - công ty chuyên bán lẻ điện thoại nổi tiếng ở Hà Nội cho biết: Từ nhiều tháng nay không còn điện thoại N92 và cũng chưa biết đến khi nào mới có máy. 

Tìm kiếm ở các cửa hàng chuyên bán lẻ điện thoại di động ở Hà Nội và TPHCM cũng không có cửa hàng nào đề giá máy mới. Ngay cả siêu thị Thế giới di động cũng cho biết loại máy N92 hãng Nokia cũng đã không sản xuất nữa, còn máy N77 cũng chỉ tồn một vài cái. Ngay cả trang chủ Nokia cũng không còn đưa vào danh mục sản phẩm hai loại máy này. 

Thực tế đã cho thấy Mobile TV ở Việt Nam mới chỉ dừng lại ở mức độ thử nghiệm công nghệ mới mang tính hội tụ giữa viễn thông, Internet và phát thanh truyền hình mà chưa thể thương mại hoá. 

Ông Long Vũ phụ trách kênh thể thao VCTV3 : “Tôi đang dùng chiếc Nokia N92 có tích hợp thêm dịch vụ truyền hình di động của VTC, với gói cước thuê bao là 9 kênh, đường truyền đôi lúc còn chậm hơn so với tivi, nhiều khi xem trên màn hình máy điện thoại đôi khi rất mỏi mắt”. 

Ông còn cho biết thêm “Xem truyền hình qua điện thoại chủ yếu chỉ dành cho những người yêu thích công nghệ và bóng đá, nhưng đó chỉ là những giải pháp bất đắc dĩ khi không xem được TV”. 

Theo Tạp chí Xã hội Thông tin



Bình luận

  • TTCN (4)
mptu  325

Miễn phí còn chẳng mấy ai xem nói chi đến phí cao, không chết hơi phí.

Nguyễn Hoàng Hoan  563

“Xem truyền hình qua điện thoại chủ yếu chỉ dành cho những người yêu thích công nghệ và bóng đá, nhưng đó chỉ là những giải pháp bất đắc dĩ khi không xem được TV”.
---
Xem BĐ mà trên màn hình 128x128 thì còn gì bằng nữa nhỉ!
Có khi nhìn bóng rõ nhất ấy chứ (vì chỉ nhìn thấy mỗi bóng;)
Xách Đt vào Toilet xem Euro. Tha hồ gào thét!

Toàn

Chẳng có gì hấp dẫn

Kể cả khi miễn phí thì tôi cũng không tin mobileTV sẽ có tương lai sáng sủa.Người ta chẳng rỗi hơi mà xem TV trên cái màn hình be bé con con của điện thoại.

Cà chớn

DMB - Lạm bàn

Ở Việt Nam khi người dân còn đi các phương tiện cá nhân là chủ yếu (đi xe máy thì xem DMB bằng niềm tin) hay các phương tiện giao thông công cộng (xe buyt, tàu, oto tuyến với dịch vụ và an ninh quá í ẹ =( ...) thì đúng là thị trường của DMB sẽ không phải là một bài toán dễ đối với nhà sản xuất và cung cấp

Nhưng chẳng nói đâu quá xa xôi phương trời nào mà ngay các nước bạn, khi giao thông công cộng là phương tiện chủ yếu (bus, MRT, BTS...) người già, trẻ nhỏ và nhất là các bạn trẻ di chuyển đến chỗ làm, hay đi học, đi chơi đều là các phương tiện công cộng thì một thiết bị truyền hình di động để giải trí trong mấy chục phút di chuyển không còn là điều gì quá xa vời.

Ai ôm được TV đi chơi phải không? Nhưng DMB thì có thể - kích thước chỉ như 1 máy chơi game mà có thể xem được TV, giúp định vị hay kết nối Internet (tuỳ theo nhà mạng) ... nhưng những tiện ích trên trong tương lai "gần" với thực tế giao thông như ở VN thì chắc vẫn chỉ là tiện ích "xa" ... ở tận nước bạn "láng giềng" mà thôi