Những phablet như Xperia Z Ultra đều có cấu hình cao, thiết kế đẹp nhưng không dành cho số đông người dùng.

Cầm trong tay số tiền 8 triệu đồng vừa bán chiếc Lumia 1520 sau 5 tháng sử dụng, Nguyễn Hữu Tuấn – nhân viên bán hàng tại một hệ thống siêu thị nội thất ở Hà Nội ra ngay cửa hàng để sắm một chiếc iPhone 5 (được quảng cáo mới 99%) với giá tương đương.

“Đến bây giờ, mình vẫn hài lòng về khả năng chụp ảnh, chất lượng màn hình, cả thời lượng pin của Lumia 1520 nhưng nhược điểm lớn nhất là máy lớn quá, sử dụng càng lâu càng thấy nhiều bất tiện. Máy không nhét được vào túi quần, đi đâu cũng phải mang theo một cái túi đeo khá bất tiện", Tuấn chia sẻ. “Dùng qua dùng lại nhiều dòng sản phẩm, cuối cùng mình vẫn thấy một chiếc máy tầm 4 inch là hợp lí nhất, đảm bảo tốt mọi tính năng, lại gọn nhẹ, dễ sử dụng trong mọi hoàn cảnh", anh vừa nói, vừa lướt nhẹ trên màn hình của chiếc iPhone 5 mới mua.

Trên thực tế thị trường Việt Nam hiện nay, ngoài Samsung Galaxy Note 3 vẫn bán tốt, tất cả các dòng smartphone màn hình siêu lớn (cỡ xấp xỉ 6 inch) đều đối diện với thực tế doanh số kém, phải giảm giá mạnh. Các sản phẩm như Sony Xperia Z Ultra, Nokia Lumia 1520 hiện có giá chỉ 9 triệu đồng, so với mức 16-18 triệu đồng khi mới ra mắt (khoảng một năm về trước).

HTC One Max gần như không ghi được dấu ấn nào khi ra mắt cuối năm ngoái với giá 18 triệu đồng. Model này liên tục giảm giá xuống mức 13 triệu thời điểm đầu năm 2014 và dừng bán tại nhiều đại lí. Mới đây, HTC bất ngờ công bố cho bán trở lại One Max với giá 8,99 triệu đồng.

Tính đến tháng 9 năm nay, người dùng Việt Nam chỉ chứng kiến sự xuất hiện của 2 mẫu phablet màn hình siêu lớn ở phân khúc cao cấp là LG G Pro 2 và Sony Xperia T2 Ultra, trong đó G Pro 2 liên tục giảm giá còn T2 Ultra đã bị coi là một sản phẩm thất bại.

Đáng lưu ý là, đã bước vào đợt ra mắt sản phẩm lớn cuối cùng trong năm (tháng 9), vẫn chưa có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy Sony, Nokia hay HTC sẽ cho ra mắt các sản phẩm kế nhiệm Z Ultra, Lumia 1520 hay One Max.

“Khi mới ra mắt, phablet màn hình siêu lớn là một phân khúc hứa hẹn. Tuy nhiên, nó chỉ phục vụ cho một nhóm đối tượng người dùng nhỏ, không dành cho số đông, phần vì màn hình quá khổ, phần vì giá bán không hề rẻ. Sau sự hưng phấn ban đầu, phân khúc này lập tức chững lại. Máy không bán được buộc hãng và đại lí liên tục giảm giá, thậm chí chịu bán cắt lỗ để xả hàng nhưng doanh số vẫn ở mức thấp", một chủ đại lí tại Hà Nội chia sẻ. “Số người mua máy, sử dụng một thời gian sau đó bán đi vì bất tiện cũng không phải là ít”.

Ảnh
HTC One Max vừa được bán trở lại tại thị trường Việt Nam.

Ngoài nhược điểm lớn nhất nói trên, các mẫu phablet nói trên cũng bị chỉ trích về việc chưa tối ưu hóa tốt để tận dụng tối đa màn hình của máy: “phần lớn các phablet hiện nay chỉ phóng lớn các icon, text trên màn hình cho lớn hơn chứ chưa có các ứng dụng riêng biệt hoặc tính năng độc đáo so với sản phẩm màn hình nhỏ. Chẳng hạn, trải nghiệm gõ phím trên các mẫu máy nói trên vẫn dở tệ", anh Quang Minh, một tín đồ công nghệ chia sẻ.

“Hãy nhìn cách Apple làm trên chiếc iPhone 6 Plus: màn hình có thể xoay ngang, khi đó, mail hay các phần cài đặt sẽ hiển thị 2 cửa sổ hay việc nó sử dụng giao diện của iPad cho thấy Apple rất chú trọng đến trải nghiệm người dùng. Galaxy Note 3 cùng có màn hình lớn nhưng lại thành công nhờ các tính năng đa nhiệm mạnh mẽ với bút cảm ứng . Rõ ràng, người dùng cần một sản phẩm màn hình lớn với khả năng tối ưu hóa cao, hơn là chỉ đơn giản phóng lớn một chiếc smartphone màn hình nhỏ và bán cho người dùng với giá cao ngất ngưởng", anh này cho biết thêm.

Theo Zing.




Bình luận

  • TTCN (0)