Chiếc máy bị thất lạc

Theo Thanh Niên, ngày 17/9, Công an quận Tân Bình (TP HCM) đang truy tìm một máy chứa phóng xạ bị thất lạc vào ngày 11/9 tại nhà ở hẻm 521 Nguyễn Đình Khơi, P.4, Q.Tân Bình. Đây là máy chuyên dụng phải được bảo quản theo quy trình đặc biệt của Bộ KH-CN. Lượng phóng xạ bên trong máy có tác dụng đặc biệt nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe con người và động vật khi tiếp cận ở cự li gần.

“Thông tin ban đầu từ cơ quan công an, khoảng 10 giờ ngày 15/9, Công ty A.C.A - T.B.D trên đường Cách Mạng Tháng Tám (Q.3) đã đến trụ sở Công an P.4 (Q.Tân Bình) trình báo thiết bị chụp ảnh phóng xạ công nghiệp Model 880Delta, series: D3068 (do hãng Sentinel, Mỹ sản xuất), bên trong có 1 nguồn kín Model: IRS100, series: N120588, Hojin Industrial Co., Ltd (do Hàn Quốc sản xuất) bị thất lạc vào ngày 11/9”, báo Thanh Niên đăng tải.

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Người đưa tin, PGS-TS Nguyễn Nhị Điền, Phó viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho biết, loại thiết bị chứa phóng xạ nếu rơi vào tay người không biết sử dụng, mang ra chụp linh tinh thì sẽ rất nguy hiểm với người sử dụng mà môi trường xung quanh. Tuy nhiên, việc xác định mức độ nguy hiểm phụ thuộc vào thời gian sử dụng của thiết bị để xác định lượng phóng xạ chứa bên trong và các yếu tố: thời gian, khoảng cách và điều kiện tiếp xúc.

“Thứ nhất, Lượng phóng xạ trong các thiết bị này thường giảm rất nhanh, khoảng 3 tháng giảm một nửa. Nếu thiết bị đã được sử dụng vài năm thì lượng phóng xạ bên trong coi như gần hết.

Thứ hai, nếu máy đó mới tinh nhưng để trong hộp, không sử dụng gì cả thì không ảnh hưởng gì, trừ khi đưa ra ngoài sử dụng không đúng cách thì mới gây hại.

Trong trường hợp máy mới và được sử dụng thì nó còn phụ thuộc vào việc tiếp xúc nhiều hay ít, tiếp xúc ngắn hay dài, có sát người hay không. Thời gian tiếp xúc, khoảng cách tiếp xúc, tiếp xúc trong điều kiện như thế nào?

Ảnh
PGS-TS Nguyễn Nhị Điền, Phó viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam.

Thế nên không thể kết luận được ngay là có ảnh hưởng đến môi trường bên ngoài hay không khi chưa đầy đủ thông tin. Chỉ sợ lấy về không biết sử dụng, chụp linh tinh thì rất nguy hiểm”, ông Điền phân tích.

Tuy nhiên, ông Điền cũng cho biết, những vụ mất thiết bị chứa phóng xạ ở trong nước trước đây và ở nước ngoài không gây ảnh hưởng gì đến môi trường, sức khỏe con người. Bởi, trên các thiết bị loại này thường có kí hiệu phóng xạ nguy hiểm nên khi mất người nhặt được hoặc người cố tình ăn trộm thì cũng không dám sử dụng vì nghe đến đã sợ, không dám đụng đến.

“Chưa rõ nguyên nhân thất lạc thiết bị này là gì nhưng thực tế chiếc máy này chẳng dùng được gì, bán cũng không bán được vì không ai dám mua, dám sử dụng. Loại thiết bị này, người dùng cũng phải được cấp phép nên người có chuyên môn cũng không sử dụng được. Chả ai ăn trộm, đem phóng xạ về làm gì”, ông Điền nói.

Theo Người Đưa Tin.




Bình luận

  • TTCN (0)