Thiết bị lưu trữ dùng ổ cứng truyền thống có ưu thế về khả năng lưu trữ lượng lớn dữ liệu cùng mức giá phù hợp với phần lớn người dùng.

Câu trả lời tổng quát trong trường hợp này là tùy thuộc nhu cầu sử dụng của bạn đọc để chọn thiết bị phụ hợp. Cụ thể trong trường hợp cần không gian để lưu trữ dữ liệu dung lượng lớn, chia sẻ phim ảnh giữa các máy tính cá nhân thì thiết bị lưu trữ dùng ổ cứng truyền thống (HDD) là lựa chọn phù hợp.

Tuy nhiên với người dùng thường xuyên di chuyển, cần thiết bị có khả năng chống sốc cao thì Flash drive hoặc SSD (ổ thể rắn) sẽ có ưu thế hơn.

Về cơ bản, cấu trúc bên trong HDD gồm các phiến đĩa xếp chồng lên nhau theo trục đứng. Mỗi phiến đĩa chia thành nhiều vòng tròn đồng tâm gọi là track. Mỗi track cũng được chia thành nhiều đoạn nhỏ gọi là sector. Các sector trên cùng track kết hợp với nhau thành cluster và dữ liệu được lưu trên từng cluster. Khi có yêu cầu truy xuất dữ liệu, đầu đọc/ghi sẽ di chuyển qua bề mặt đĩa (theo phương ngang) để đọc hoặc ghi dữ liệu trên mỗi cluster.

Hiện tại, tốc độ truy xuất cao nhất của ổ cứng có thể đạt 200 MB/giây và thời gian truy cập ngẫu nhiên từ 5 – 8ms. Tính theo dung lượng và chi phí (tính trên mỗi gigabyte) thì ổ cứng truyền thống vẫn là lựa chọn hàng đầu. Hầu hết thiết bị lưu trữ dùng ổ cứng truyền thống hiện nay sử dụng giao tiếp USB 3.0 và dung lượng từ 2 TB (tương đương 4.000 GB) trở xuống.

Flash drive và SSD có ưu thế vượt trội về tốc độ truy xuất (đọc/ghi) dữ liệu, độ bền và khả năng chống sốc tốt hơn, hoạt động mát hơn vì không có bộ phận chuyển động. Như vậy dữ liệu của bạn sẽ được bảo vệ tốt hơn khi máy tính bị rơi hay va chạm. Tốc độ truy xuất và khả năng chống sốc tốt sẽ thích hợp cho người dùng thường làm việc di động.

Do chi phí sản xuất bộ nhớ flash khá cao nên các hãng thường giới hạn dung lượng SSD để có giá thành hợp lí. Chẳng hạn SSD dung lượng 128 GB có giá trung bình khoảng 2,2 triệu đồng, tương đương mức giá HDD 3,5 inch dung lượng 2 TB cho desktop hoặc HDD 2,5 inch dung lượng 1 TB cho laptop.

Ảnh
Flash drive có tính di động linh hoạt với thiết kế nhỏ gọn, khả năng lưu trữ đến 32 GB dữ liệu và thậm chí có thể kết nối với smartphone và tablet hỗ trợ USB OTG.

Về mặt công nghệ, Flash drive và SSD không có nhiều khác biệt do cùng sử dụng flash NAND để lưu trữ dữ liệu và kết nối với máy tính qua giao tiếp USB. Sự khác biệt duy nhất giữa Flash drive và thiết bị lưu trữ di động dùng SSD là kích cỡ và trọng lượng.

SSD có kích cỡ tương đương HDD vì cùng thiết kế theo chuẩn (form factor) 2,5 inch. Dù vậy khi sử dụng trong thiết bị lưu trữ gắn ngoài thì hình dạng, kích thước sản phẩm sẽ do nhà sản xuất quyết định và điều này cũng không ảnh hưởng đáng kể đến sự chọn lựa của người dùng.

Về tốc độ truy xuất dữ liệu, SSD gắn ngoài nhanh hơn đáng kể so với Flash drive, kể cả khi cùng sử dụng giao tiếp USB 3.0. Cũng cần lưu ý chuẩn USB 3.0 có băng thông lên tới 5 Gb/giây, gấp 10 lần chuẩn USB 2.0. Vì vậy bạn đọc chỉ có thể khai thác tối đa hiệu năng SSD gắn ngoài trong trường hợp máy tính có hỗ trợ cổng USB 3.0. Ngược lại với những máy tính cũ chỉ có cổng USB 2.0, bạn nên chọn thiết bị lưu trữ gắn ngoài dùng HDD với chi phí thấp hơn.

Theo PC World VN.




Bình luận

  • TTCN (0)