Nhóm nghiên cứu đến từ Columbia Engineering (ĐH Columbia) và Viện Công nghệ Georgia cho biết vật liệu cấu tạo bởi molybdenum disulfide (MoS2) có thể được sử dụng trong công nghệ đeo. Molybdenum disulfide là vật liệu hai chiều, trong suốt, rất nhẹ, dễ uốn cong và co giãn. Nó sản sinh điện khi bị uốn cong hoặc kéo dài, do đó có thể được khâu vào quần áo và thậm chí được sử dụng trong cấy ghép y tế.

James Hone - GS kĩ thuật cơ khí tại Columbia - cho biết, molybdenum disulfide chỉ có một lớp nguyên tử duy nhất, có thể được tích hợp vào quần áo để chuyển đổi năng lượng từ chuyển động cơ thể thành điện năng, từ đó cung cấp năng lượng cho thiết bị đeo, thiết bị y tế, hoặc có thể sạc điện thoại di động đặt trong túi.

Vật liệu này làm việc dựa trên hiệu ứng áp điện, đây là hiệu ứng khi kéo giãn hay nén một vật liệu thì nó sẽ tạo ra một điện áp (và ngược lại). Nhưng trước đây đối với nguyên liệu có độ dày chỉ gồm một vài lớp nguyên tử không thể quan sát thực nghiệm được hiệu ứng này.

Nghiên cứu mới cho thấy hiệu ứng áp điện xảy ra trong vật liệu hai chiều lần đầu tiên, cho phép mở rộng ứng dụng vật liệu lớp cho con người, robot, MEMS ( hệ vi cơ điện) và thiết bị điện tử uốn dẻo.

Ngoài ra, các quan sát cung cấp thêm thuộc tính mới về vật liệu hai chiều như molybdenum disulfide đã mở ra tiềm năng cho các loại hình cơ học mới điều khiển thiết bị điện tử. Nghiên cứu cũng dẫn đến sự hoàn thiện hệ thống nano cấp độ nguyên tử, có thể tự cấp nguồn bằng cách thu năng lượng cơ học từ môi trường.

Nguồn Dailymail.



Bình luận

  • TTCN (0)