Đại tá Hoàng Sơn, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel.

Ngày 15/10 vừa qua, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) khai trương dịch vụ di động tại Peru, thị trường nước ngoài thứ 7 của Viettel. Mạng di động của Viettel tại Peru mang thương hiệu Bitel là mạng di động duy nhất phủ sóng 3G toàn quốc gia này với hạ tầng “3G Only”, không dùng mạng 2G. Tại thời điểm khai trương, Bitel đã lắp đặt và phát sóng 3G phủ tới gần 80% lãnh thổ Peru.

Peru là thị trường nước ngoài đầu tiên của Viettel có thu nhập GDP cao gấp 3 lần so với Việt Nam. Vì thế, việc khai trương mạng di động tại đây thể hiện một bước phát triển mới, đồng thời tạo ra nhiều thách thức trong công cuộc toàn cầu hoá của Viettel. Phóng viên Báo QĐND Online đã có cuộc trao đổi với Đại tá Hoàng Sơn, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel xung quanh vấn đề trên.

PV: Xin đồng chí cho biết, việc đầu tư mạng 3G phủ sóng Peru - quốc gia có điều kiện kinh tế tốt hơn Việt Nam, điều này là cơ hội mang lại hay đây là bước đi có sẵn trong lộ trình của Viettel?

Đại tá Hoàng Sơn: Đầu tư ra nước ngoài là chiến lược từ lâu của Ban lãnh đạo Tập đoàn. Viettel định hướng trở thành một công ty toàn cầu trong 10 năm tới. Peru là một trong những nước đầu tiên Viettel thử nghiệm những phương án, cách thức kinh doanh ở một thị trường có trình độ phát triển cao hơn ViệtNam. Chúng tôi cho rằng phải đầu tư và rèn luyện mình ở những thử thách khó hơn thì mới có thể phát triển được. Với bài học từ Peru, Viettel có thể tự tin hơn khi bước vào các nước phát triển với mức cạnh tranh khốc liệt.

PV: Lộ trình cụ thể của Viettel trong việc đầu tư ra nước ngoài là gì thưa đồng chí?

Đại tá Hoàng Sơn: Hiện nay, Viettel đã được cấp 9 giấy phép đầu tư ở nước ngoài. Viettel đặt mục tiêu đến 2020 sẽ lọt vào top 10 tập đoàn viễn thông lớn nhất thế giới về đầu tư ra nước ngoài với một số mục tiêu cụ thể như sẽ nhận được từ 20 đến 25 giấy phép đầu tư mạng viễn thông ở nước ngoài với tổng số dân từ 500 đến 600 triệu dân, trong đó, có những nước kinh tế phát triển hơn hẳn Việt Nam như một số quốc gia ở châu Âu và Mỹ.

PV: Tốc độ triển khai dự án của Viettel tại Peru kéo dài hơn nhiều so với thị trường khác, phải chăng nguyên nhân là do thị trường này phát triển hơn hẳn so với các thị trường Viettel đã làm?

Đại tá Hoàng Sơn: Khi mới bước chân vào Peru, Viettel đã được cơ quan chức năng nước sở tại cấp phép cho băng tần 1900 MHz. Sau đó, kế hoạch thay đổi khi phía Peru cho biết có thể cung cấp thêm băng tần 900 MHz - vốn rất có giá trị với các doanh nghiệp viễn thông. Chúng tôi nhận định, nếu thay đổi thiết kế sang sử dụng băng tần 900 MHz có thể tiết kiệm được 30% vốn đầu tư. Chúng tôi quyết định thiết kế lại và chỉ cung cấp dịch vụ 3G vì có hướng đi phù hợp với xu thế và thực tế hiện nay. Người dân Peruđang rất “khát” Mobile Internet. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc dự án Peru có chậm hơn so với các dự án ở nước ngoài của Viettel.

PV: Tại Peru có nhiều ông lớn viễn thông sừng sỏ, cộng với nguồn lực dồi dào, cạnh tranh với họ liệu Viettel có rơi vào tình cảnh “trứng chọi đá”?

Đại tá Hoàng Sơn: Khi nghiên cứu thị trường này chúng tôi thấy, hai đại gia viễn thông ở Peru (Mobistar của hãng Telefonica và Claro của tỉ phú Carlos Slim) có cạnh tranh với nhau, nhưng họ duy trì giá dịch vụ tương đối cao. Họ tổ chức, vận hành và kinh doanh rất chuyên nghiệp. Tại Peru, chúng tôi chỉ cung cấp 3G vì đây là cơ hội tập trung vào kinh doanh dịch vụ mobile internet, đồng thời để đánh vào điểm yếu nhất của thị trường vì thoại và tin nhắn ở Peru đã bão hòa.

Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy họ gặp bài toán chi phí lớn vì chủ yếu thuê bên ngoài. Trong khi đó, Viettel có lợi thế về tự chủ được hệ sinh thái nội dung số và một số lợi thế khác. Vì vậy, chúng tôi tập trung vào sự khác biệt của mình so với đối thủ đó là sản phẩm và hệ sinh thái dịch vụ mà Bitel mang lại cho khách hàng. Thực tế cho thấy, lĩnh vực ứng dụng cho thiết bị cầm tay ở Peru kém hẳn so với ViệtNam trong khi cước phí rất cao. Chẳng hạn, tiếp xúc với khách hàng, chúng tôi thấy, người dân Peru rất thích âm nhạc, nhưng ứng dụng dịch vụ nghe và tải nhạc ở đây rất kém, phí lại cao trong khi người dân rất tiết kiệm. Bởi vậy chúng tôi sẽ tập trung cung cấp các sản phẩm, dịch vụ này để bổ trợ cho khách hàng, thu hút thêm thuê bao.

PV: Mỗi phó tổng giám đốc được giao phụ trách một số thị trường nước ngoài để điều hành, việc này có tác dụng như thế nào thưa đồng chí?

Đại tá Hoàng Sơn: Tập đoàn xác định năm 2014 là năm chuyển dịch và đề ra 5 hướng trong đó có việc củng cố lại đầu tư nước ngoài. Chúng tôi đã rất thành công ở Campuchia, Lào và Mozambique, nếu xét ở góc độ đầu tư nước ngoài như vậy có thể gọi là thành công, nhưng tập đoàn vẫn muốn nhìn nhận, đánh giá lại và muốn chuyển mình sang một giai đoạn mới. Đầu tư nước ngoài dưới một góc độ khác và theo một trình độ khác.

Anh em làm việc tại các thị trường nước ngoài tuy nhiệt huyết, nhưng kinh nghiệm thương trường nhiều khi chưa đủ nên đánh giá chưa đúng hoặc do đã quá quen với thị trường nên chưa nhìn ra cái mới. Muốn nhảy vọt cần phải có những quyết sách kịp thời, mạnh tay và phù hợp với thực tế. Bởi vậy, cá nhân tôi và các lãnh đạo khác của tập đoàn trực tiếp đến các thị trường để nắm rõ thực tế, đưa ra các quyết sách lớn, đúng tầm nhằm định hướng, hỗ trợ cho anh em phát triển thị trường.

Ảnh
Mạng Bitel đã lắp đặt và phát sóng 3G phủ tới gần 80% dân số toàn Peru.

PV: Được biết, Viettel vừa được cấp phép đầu tư ở Tanzania và đang xúc tiến đầu tư ở Myanmar. Cùng lúc đầu tư ở nhiều thị trường, liệu Viettel có bị hụt hơi?

Đại tá Hoàng Sơn: Đây cũng là câu hỏi đặt ra trong nội bộ tập đoàn, chúng tôi đã nghiên cứu kĩ để giải bài toán này, trong đó có 2 vấn đề về vốn và nhân lực. Về nhân lực, với hơn 27 nghìn người, khi tham gia thị trường mới, chúng tôi thấy chỉ cần chọn ra bộ lõi khoảng 4 nhân sự chủ lực là giám đốc, cán bộ phụ trách kĩ thuật, kinh doanh và tài chính là có thể xây dựng bộ máy người sở tại. Ở Viettel, cơ hội luôn dành cho mọi người, trong thử thách, gian khó luôn xuất hiện những nhân tài.

PV: Vậy với những kinh nghiệm bước đầu “chiến đấu” ở Peru, bài học nào Viettel có thể áp dụng cho mục tiêu đầu tư quốc tế sau này?

Đại tá Hoàng Sơn: Làm nhanh, tự làm, minh bạch - đó là những điều Viettel sẽ thực hiện khi đầu tư ở bất cứ quốc gia phát triển nào. Ở Peru, Viettel đã quan sát kỹ đối thủ, hiểu rõ thị trường để chọn hướng đi, chiến lược cho mình. Sau khi đã quyết chiến lược là làm thật nhanh để cạnh tranh.

PV: Tại sao Viettel không giữ thương hiệu mẹ khi đầu tư ra nước ngoài như các công ty đa quốc gia khác?

Đại tá Hoàng Sơn: Ngay từ những năm đầu tiên đầu tư ra nước ngoài, chúng tôi đã có nhiều buổi họp để tranh luận về vấn đề này, với những tư duy khác nhau về xây dựng thương hiệu cho thị trường đầu tư. Chúng tôi nghĩ đến việc tạo ra một thương hiệu thân thiện và là thương hiệu của người dân sở tại. Ví dụ ở như thị trường Việt Nam, một công ty nước ngoài vào đầu tư nếu họ lấy thương hiệu Việt, bản thân người Việt Nam mình sẽ thấy gần gũi và yêu thích hơn.

Cần phải lắng nghe và hiểu nhu cầu của khách hàng địa phương, điều này vô cùng quan trọng bởi Viettel là một nhà đầu tư theo hướng “think global, act local”.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Theo QDND.



Bình luận

  • TTCN (0)