Rác thải công nghệ đang là nỗi lo của các nước phát triển

Tuy nhiên, thu hồi những gì, thu hồi như thế nào và xử lí ra sao là cả một bài toán cực kì hóc búa.

Nhà sản xuất, kinh doanh tự thu gom

Theo Quyết định 50/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 1/1/2015, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu sản phẩm thải bỏ sẽ thu hồi tất cả điện thoại di động, máy tính bảng hết hạn sử dụng trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Quyết định nêu rõ, sản phẩm thải bỏ là sản phẩm đã hết thời hạn sử dụng hoặc sản phẩm được thải ra sau quá trình sử dụng. Thủ tướng yêu cầu doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu có trách nhiệm thu lại các sản phẩm này.

Cụ thể, từ ngày 1/1/2015, sẽ tiến hành thu hồi những sản phẩm như ắc quy, pin, bóng đèn, máy vi tính, máy in, máy fax, máy chụp ảnh, máy quay phim, điện thọại di động, máy tính bảng, các loại đầu đĩa... Trong khi đó, những sản phẩm, như máy photocopy, tivi, tủ lạnh, điều hòa nhiệt độ, máy giặt hết hạn sử dụng sẽ bắt đầu được thu gom từ ngày 1/1/2016.

Thực tế cho thấy, với những nơi đông dân như TP HCM và TP Hà Nội, mỗi năm có hàng triệu chiếc điện thoại phải thải bỏ do lỗi thời, hư hỏng... Về phía người dân, họ cho biết, thường vứt điện thoại cũ vào sọt rác hoặc cho người bán ve chai. Chỉ có một số ít người đem điện thoại đến những điểm thu nhận điện thoại cũ để đổi, bù tiền mua điện thoại mới. Còn sau đó số phận những điện thoại này ra sao thì họ không rõ.

Về thắc mắc không biết điện thoại sử dụng bao lâu thì hết hạn sử dụng, phải thu hồi? Ông Dương Thanh An, Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế (Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường) giải thích: “Theo quy định, đơn vị sản xuất phải công bố tuổi thọ của sản phẩm. Tuy nhiên, nếu hết hạn mà người dân còn sử dụng được thì họ cứ sử dụng, không bắt buộc phải giao nộp sản phẩm này. Khi nào sản phẩm bị hư, không sử dụng được nữa, người dân muốn bỏ đi thì mới giao nộp. Phía nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm thu gom, xử lí các sản phẩm thải bỏ”.

PGS.TS Huỳnh Trung Hải, Viện Khoa học và Công nghệ môi trường - Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho hay, hiện nay trong tổng số 15 công ty được cấp phép xử lí rác thải điện tử thì chỉ có 3 đơn vị được đánh giá là có dây chuyền xử lí đầy đủ (tái chế/xử lí/thải bỏ các kim loại từ rác thải điện tử) tại 3 địa phương: Hải Dương, Bình Dương và Hà Nội.

Trên thực tế thì các thiết bị điện tử thải từ hộ gia đình, văn phòng thì gần như không thể kiểm soát và chúng được bán lại ngay khi thải bỏ cho đội ngũ ve chai hoặc cho các cửa hàng dịch vụ. Tình trạng này kéo dài sẽ gây nguy cơ ô nhiễm môi trường cao, tác động nghiêm trọng đến chất lượng môi trường sống cũng như sức khỏe cộng đồng.

Như vậy, mặc dù còn nhiều bất cập về công tác quản lí và cơ sở hạ tầng cho việc xử lí và tái chế rác thải điện tử được thu hồi ở Việt Nam, tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, Quyết định trên là hết sức cần thiết và phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội, môi trường tại Việt Nam bởi hiện nay hầu hết các thiết bị điện tử đều không có hạn sử dụng, người này bỏ ra, người khác tận dụng dùng tiếp...

Rác thải điện tử cao như núi

Tại hội thảo “Giới thiệu, trình diễn công nghệ xử lí rác đô thị”, PGS.TS Trần Thị Hường, Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội cũng nêu ra thực trạng, đa số các bãi chôn lấp hiện chỉ đơn thuần là nơi đổ rác, chưa được quy hoạch, thiết kế, xây dựng và vận hành đúng quy định; vị trí gần khu dân cư (cách 200-500m, thậm chí có bãi chỉ cách 100m); không có lớp chống thấm ở thành và đáy ô chôn lấp; không có hệ thống thu gom và xử lí nước rác, khí rác. Việc này gây ô nhiễm đất, nước, không khí và hệ sinh thái, ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng.

Dữ liệu thu thập được từ các cơ quan trực thuộc Liên Hiệp Quốc và các tổ chức chính phủ và phi chính phủ trên toàn thế giới cho thấy lượng rác thải điện tử trên quy mô toàn cầu đang không ngừng tăng lên trong những năm gần đây. Ước tính vào năm 2017, lượng rác thải điện tử sẽ tương đương với 200 tòa nhà Empire State cao 100 tầng ở Mỹ. Tính riêng trong năm 2012, rác thải điện tử trên quy mô toàn cầu đạt 54 triệu tấn.

Dự kiến đến 2017, con số này sẽ tăng thêm khoảng 33%, tương đương với 72 triệu tấn rác điện tử sẽ được thải ra môi trường sau khi sử dụng. Rác thải điện tử nguồn gốc từ sản phẩm như tủ lạnh, tivi, điện thoại, máy tính và các thiết bị điện tử khác. Khi thải ra môi trường, chúng có thể gây rò rỉ hóa chất và kim loại nặng ra không khí, đất, nước và thực phẩm, được ví như “quả bom hẹn giờ” đối với sự sống của trái đất.

Ảnh
Cơ quan chức năng Việt Nam bắt giữ một vụ nhập rác thải công nghệ nhưng khai báo là linh kiện điện tử

Còn theo thống kê của Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI - Bộ KH&CN), trung bình mỗi năm, một người Việt Nam thải ra môi trường khoảng 1 kg rác thải điện tử, như vậy tổng lượng rác thải điện tử cả nước lên tới 90.000 tấn/năm. Sự gia tăng nhập khẩu các sản phẩm này cùng với sự gia tăng của lượng sản phẩm bị thải bỏ đang khiến Việt Nam có nguy cơ trở thành “núi rác” công nghệ hết sức đáng ngại.

Về vấn đề tiêu hủy sản phẩm điện tử hết hạn như thế nào, ông Dương Thanh An cho biết, đơn vị này đang tổ chức lấy ý kiến cho thông tư hướng dẫn thực hiện Quyết định 50 của Thủ tướng Chính phủ về thu gom - xử lí sản phẩm thải bỏ. Sau khi lấy ý kiến xong mới hướng dẫn tổ chức thực hiện.

Theo tìm hiểu của phóng viên thì các linh kiện có mặt trong rác thải điện tử thường có chứa hàm lượng chì, thiếc và các loại kim loại nặng khá cao. Khi được thải loại ra môi trường không qua xử lí, các chất kim loại nặng này sẽ có thể lẫn vào trong môi trường đất, nước và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, có thể gây ra các bệnh về ung thư, tim mạch...

Do vậy, các chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng nên chuyển giao các sản phẩm hết hạn sử dụng hoặc không còn giá trị sử dụng đến các địa điểm thu hồi để tiến hành tái chế và xử lí, trách việc xả thải trực tiếp ra môi trường.

Ở diễn biến liên quan, trả lời báo chí, ông Yuzo Otsuki, Tổng giám đốc Sony Việt Nam cho biết: Sony Việt Nam đã làm việc với Bộ TN&MT về vấn đề này từ khá lâu và sẽ thông báo với khách hàng của mình trong việc hỗ trợ xử lí các thiết bị điện tử của Sony hết hạn sử dụng trong thời gian tới.

Theo Petro Times.




Bình luận

  • TTCN (0)