Google vừa công bố khảo sát Consumer Barometer 2014, công cụ mang đến cái nhìn sâu hơn về môi trường kĩ thuật số trên toàn thế giới, được thực hiện với sự hợp tác của hãng nghiên cứu thị trường TNS Infratest. Consumer Barometer 2014 đo lường lượng sử dụng Internet tại 46 quốc gia, trải rộng khắp các chủ đề như thói quen xem, mua sắm trực tuyến hay số thiết bị kết nối. Dữ liệu khảo sát được thu thập qua mạng hoặc phỏng vấn trực tiếp (CAPI/PAPI).

Ảnh
Các tác dụng chủ yếu của smartphone với người dùng Việt Nam. Ảnh: Google.

Theo Google, các nước có tỉ lệ sử dụng smartphone cao nhất là Singapore (85%), Trung Quốc (70%), Anh (68%). Thú vị hơn, chỉ có tại châu Á, người dùng có xu hướng online trên smartphone nhiều hơn máy tính. Tại các nước phương Tây như Mỹ (72%), Úc (83%), người dùng thường sử dụng máy tính để online.

Simon Kahn, Giám đốc Tiếp thị Google Châu Á - Thái Bình Dương nhận định người dùng châu Á đang sống trong thế giới “mobile-first”, tức là di động có sẵn trong tâm trí họ chứ không phải lựa chọn thứ hai hay không có cũng không sao.

Việt Nam nằm trong 1 trong 46 quốc gia tham gia khảo sát của Google. Theo đó, máy tính là thiết bị kết nối mạng được người Việt sử dụng nhiều nhất, trung bình mỗi người có một thiết bị nối mạng. Phần lớn người dùng Internet Việt Nam lên mạng hàng ngày, áp dụng cho mọi độ tuổi, đông nhất vẫn là khoảng 16-24 tuổi (81%) song đối tượng trên 55 tuổi không phải ít (55%).

Với người dùng Việt, smartphone được phát huy tác dụng thường xuyên khi chụp ảnh (71%), nghe nhạc (70%), xem giờ (66%), báo thức (65%). Đáng chú ý, Việt Nam đứng thứ hai thế giới về tí lệ khảo sát mua sắm qua smartphone (30%), chỉ sau Hàn Quốc (43%), trong đó bảo hiểm xe hơi (75%), tivi (71%), phim ảnh (68%) là các loại sản phẩm được nghiên cứu nhiều nhất.

Phần lớn người dùng Việt xem video trực tuyến để giải trí (67%), tìm cảm hứng (65%), học tập điều mới (46%). 7 ngày gần nhất trước khi tham gia khảo sát, họ xem video trực tuyến tại nhà nhiều nhất (89%) nhưng cũng có đến 43% xem tại nơi làm việc.

Theo ICTnews.




Bình luận

  • TTCN (0)