Nếu đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các trò chơi do doanh nghiệp trong nước phát hành, người chơi sẽ phải trả phí cao. Ảnh minh họa: Internet

Kìm chân game "nội"?

Sáng 4/11, khi thảo luận tổ về Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi, bổ sung), một số đại biểu Quốc hội tiếp tục đề nghị áp thuế TTĐB với game online, dù trước đó Ban soạn thảo đã quyết định không đề xuất đánh thuế dịch vụ này sau khi cân nhắc các tác động bất lợi đến hoạt động, sản xuất, kinh doanh trò chơi điện tử (game), đặc biệt là trò chơi trong nước.

Trong báo cáo gửi Ủy ban Ngân sách Tài chính Quốc hội khóa XIII vào giữa tháng 9/2014, Bộ TT&TT cho rằng: “Việc bổ sung áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh trò chơi điện tử tại thời điểm hiện nay là chưa khả thi và sẽ làm hạn chế năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài”.

Theo đó, chính sách này có thể được xem xét, nghiên cứu áp dụng nếu trong tương lai thị trường game sản xuất trong nước có thể phát triển dần thay thế được nguồn game nước ngoài và Việt Nam có một ngành công nghiệp trò chơi điện tử non trẻ đầy tiềm năng, đủ sức cạnh tranh với các nước khác, đóng góp cho sự phát triển CNTT Việt Nam và tạo ra nguồn thu ngân sách ổn định cho đất nước.

Theo quy định hiện hành, thuế tiêu thụ đặc biệt đang áp dụng vào một số mặt hàng, dịch vụ xa xỉ như du thuyền, tàu bay, kinh doanh vũ trường, mát-xa… và một số mặt hàng ảnh hưởng xấu tới sức khỏe nhiều người như thuốc lá, rượu bia... Đây là những mặt hàng Nhà nước có thể kiểm soát được toàn bộ sản phẩm cung cấp ra thị trường. Trong khi đó, với game online, chúng ta chỉ có thể kiểm soát được số lượng sản phẩm của doanh nghiệp trong nước nhưng không kiểm soát được sản phẩm của nước ngoài do đặc thù của môi trường Internet.

Vì vậy, nếu áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với trò chơi trong nước phát hành, có thể một số doanh nghiệp trong nước sẽ chuyển pháp nhân ra nước ngoài hoạt động và phát hành theo hình thức xuyên biên giới vào Việt Nam, như vậy Nhà nước không những không thu được thuế mà cũng mất dần khả năng quản lí nội dung trò chơi.

Hiện nay, bên cạnh nguồn phát hành từ các doanh nghiệp trong nước thì người chơi còn dễ dàng sử dụng trò chơi được phát hành từ nước ngoài (có sẵn giao diện tiếng Việt và cộng đồng người chơi Việt Nam). Nếu đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các trò chơi do doanh nghiệp trong nước phát hành, người chơi sẽ phải trả phí cao. Trong khi đó, game "ngoại" ngày càng có lợi thế, hấp dẫn hơn với các game thủ Việt Nam khi nội dung không bị kiểm soát, phí thì thấp bởi Nhà nước không thể đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các trò chơi cung cấp xuyên biên giới.

Thiệt đơn, thiệt kép!

Như vậy, nếu game trong nước phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ làm giảm mạnh năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam và tăng thêm khoảng cách bất bình đẳng giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đồng thời, khuyến khích người Việt Nam chơi game nước ngoài, dần dần thị trường cung cấp trò chơi tại Việt Nam sẽ phải nhường chỗ cho doanh nghiệp "ngoại" (vốn đã có nhiều ưu thế hơn về tiềm lực tài chính, công nghệ và trình độ nhân lực).

Theo báo cáo doanh thu của 22 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến đã được cấp phép năm 2013 là khoảng 2.781 tỉ đồng, doanh thu của toàn ngành game ở Việt Nam năm 2013 ước đạt 4000 tỉ đồng. Vậy là, doanh thu của các doanh nghiệp có game được cấp phép phát hành chỉ bằng 70% so với doanh thu thực tế của toàn ngành, 30% còn lại rơi vào các doanh nghiệp cung cấp trò chơi điện tử lậu, là đối tượng mà nhà nước không thể thu được thuế.

Thực tế, cũng có ý kiến cho rằng vẫn có thể áp dụng chính sách ưu đãi đối với việc sản xuất và kinh doanh trò chơi do doanh nghiệp trong nước sản xuất và áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với trò chơi nhập khẩu từ nước ngoài để phát hành tại Việt Nam.

Ý kiến này phù hợp về mặt lí thuyết, nhưng thực tế nếu áp dụng ở Việt Nam tại thời điểm hiện nay thì chưa thích hợp vì thị trường game sản xuất trong nước hiện còn rất hạn chế, chủ yếu chỉ là một số trò chơi đơn giản như nhóm trò chơi G4 để cung cấp trên thiết bị điện tử di động như điện thoại, máy tính bảng… trong khi doanh thu của ngành game chủ yếu là từ nhóm trò chơi G1, trò chơi trực tuyến nhiều người chơi. Nhiều doanh nghiệp khi phát hành game "ngoại" cũng có ý thức đầu tư thử nghiệm sản xuất game "nội" để dần dần thay thế. Tuy nhiên, đã có nhiều doanh nghiệp phải thua lỗ vì trò chơi tự sản xuất chi phí cao mà kém hấp dẫn người chơi.

Cách đây vài năm, Công ty VNG đã mạo hiểm đầu tư gần 10 tỉ đồng để sản xuất trò chơi có nội dung thuần Việt Thuận Thiên Kiếm. Công ty VDC Net2E sản xuất trò chơi 7554 có nội dung về trận chiến Điện Biên Phủ năm 1954. Cả hai game này đều không thành công.

Game "nội" còn quá ít, nội dung đơn điệu, không hấp dẫn nên tại thời điểm này hoặc tối thiểu 5 năm tới cũng chưa có khả năng thay thế game "ngoại". Trong khi đó, nhu cầu giải trí của người chơi ở Việt Nam có xu hướng phát triển theo thị trường thế giới, nếu game trong nước không đáp ứng được thì họ sẽ quay lưng tìm đến game do nước ngoài phát hành.

Nhìn một cách sâu xa hơn, hoạt động sản xuất, cung cấp trò chơi điện tử trên mạng là một hoạt động công nghiệp nội dung số, được quy định tại Điều 10 Nghị định số 71/2007/NĐ-CP. Đây là ngành được ưu tiên phát triển thông qua các quy định ưu đãi về thuế, sử dụng đất, huy động nguồn vốn được quy định tại Điều 26, Điều 27 và Điều 28 Nghị định số 71/2007/NĐ-CP. Vì vậy, việc bổ sung mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các đơn vị sản xuất trò chơi điện tử trên mạng sẽ không phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc định hướng khuyến khích phát triển công nghiệp phần mềm, nội dung số của doanh nghiệp Việt Nam.

Theo ICTnews.




Bình luận

  • TTCN (0)