Vụ việc này cho thấy nạn kinh doanh game lậu trên internet vẫn tiếp tục diễn ra và cũng từ câu chuyện này đặt ra những vấn đề với các cơ quan nhà nước trong việc xây dựng chính sách quản lí game online.

Đối tượng kinh doanh game trái phép là Nguyễn Trần Nhật Hào, có hộ khẩu thường trú và sống tại TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng). Cụ thể, sau khi phát hiện trò chơi trực tuyến Gunny của Công ty Vinagame và tìm được mã nguồn, cách cài đặt, Hào đã tải bộ mã nguồn về máy tính cá nhân, cài đặt thành công mã nguồn trò chơi Gunny lên máy chủ để chia sẻ trên mạng. Tháng 8-2013, Hào thuê máy chủ của một DN, rồi đưa game Gunny lên hai trang web "gunnyfire.net" và "gbum.net" để cho người dùng chơi thử nghiệm chưa thu tiền. Từ tháng 9/2013, Nguyễn Trần Nhật Hào chính thức kinh doanh game online Gunny và thu tiền người chơi. Hào cũng đăng kí dịch vụ thanh toán trực tuyến tại trang web "knp.vn" của Công ty CP Đầu tư và Kết nối thanh toán trực tuyến (KNP); mở hai tài khoản tại Vietcombank và Maritimebank chi nhánh Lâm Đồng để nhận tiền Công ty KNP thu được chuyển tới. Do nhu cầu của người sử dụng các web game lậu này tăng nhanh, Hào liên tục chuyển sang thuê máy chủ tại các DN khác nhau. Để hợp thức hóa, Hào tự nghĩ ra 2 tên, địa chỉ không có thật tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để đăng kí thuê máy chủ.

Theo xác minh của cơ quan công an, có máy chủ Hào thuê được đặt tại Mỹ; dữ liệu mã nguồn trò chơi, dữ liệu người dùng, dữ liệu nạp thẻ hiện vẫn còn lưu trong máy tính cá nhân của Hào. Cũng theo cơ quan điều tra, tính đến thời điểm bị phát hiện, tổng số tiền người dùng nạp thẻ để chơi trò chơi trực tuyến Gunny trên hai trang web "gunnyfire.net" và "gbum.net" là hơn 499 triệu đồng. Đây chỉ là một vụ việc kinh doanh game trái phép bị cơ quan công an phát hiện bắt giữ trong số nhiều vụ việc mà cơ quan công an đã phát hiện, bắt giữ từ đầu năm đến nay.

Từ cuối năm 2010, trước sức ép của dư luận về các vụ việc tiêu cực xảy ra có bắt nguồn từ đối tượng vi phạm chơi game, Bộ TT&TT đã tạm dừng việc cấp phép với dịch vụ game online. Việc tạm dừng cấp phép trước hết khiến DN trong nước kinh doanh game bị thua thiệt. Cụ thể theo số liệu của Bộ TT&TT trong số 117 game cũ đã được cấp phép thì 1/3 đã phải dừng hoạt động do nội dung quá cũ. Trong khi đó, thị trường không vì thế mà bị hạn chế, người chơi chuyển sang chơi các game online của các nhà cung cấp nước ngoài đang tràn lan trên internet. Kết quả, game "lậu" vẫn tung hoành và để thu tiền thuận lợi, các công ty, cá nhân nước ngoài đặt máy chủ cung cấp game cấp ở nước ngoài rồi phối hợp với các cá nhân trong nước kinh doanh game trái phép, trốn thuế gây thất thu cho ngân sách nhà nước.

Ước tính thị trường hiện có hơn 300 game thì có 75% là game trái phép. Với người chơi, khi chơi game lậu đồng nghĩa với việc phải chịu nhiều rủi ro. Chẳng hạn, tuy đã bỏ tiền hoặc nhiều tiền nạp để chơi các trò game, nhưng khi các nhà cung cấp dừng đột ngột vì bất cứ lí do nào, như bị cơ quan quản lí kiểm tra… có nghĩa là tài khoản bị hủy bị mất tiền và người chơi phải tự chịu thiệt hại mà không đòi lại được quyền lợi.

Với sự phát triển mạnh về công nghệ, internet, nếu không chơi được game của các DN "nội", người chơi chuyển qua chơi game "ngoại". Do vậy, vô hình trung chính sách lại gây khó cho DN "nội", "mở" cơ hội cho các cá nhân, DN "ngoại" kinh doanh game trái phép, trốn thuế trong khi cơ quan nhà nước không kiểm soát được nội dung. Sau khi Nghị định 72/CP về quản lí cung cấp dịch vụ internet và thông tin trên mạng được ban hành (có hiệu lực từ tháng 9/2013) có những quy định cơ bản về quản lí với game online, dư luận cũng đặt ra vấn đề, các chính sách mà cơ quan quản lí nhà nước đang xây dựng nên thực hiện theo hướng tạo điều kiện cho các DN trong nước có sự phát triển bình đẳng.

Theo Hà Nội Mới.




Bình luận

  • TTCN (0)