Không chỉ ở miệt mài “cày” game ở công sở mà ngay cả khi ở nhà, thậm chí đêm hôm, nhiều người vẫn phải đặt đồng hồ báo thức dậy cho lợn, gà “ăn” và chăm sóc vườn tược, thu hoạch nông sản như một nông dân thức khuya, dậy sớm.

Nhộn nhịp vì game

Không biết từ bao giờ, game đã len lỏi vào cuộc sống và trở thành một phần không thể thiếu của nhiều chị em dân văn phòng. Vào giờ nghỉ trưa, thậm chí trong giờ làm việc, chỉ cần sếp không để ý là nhiều người lại tranh thủ mở di động hay vào luôn bằng chính máy vi tính do công ty cấp để “cày” trò chơi mà mình đang ham. Những game đơn giản, hình ảnh dễ thương, sống động, dễ chơi như Candy Crush Saga, HayDay, nuôi thú ảo…. đã và đang khiến dân công sở say mê. Có người thậm chí còn lơ là công việc, “mất ăn mất ngủ” vì những trò game này.

Trước đây, trò Candy Crush Saga từng một thời “oanh tạc” trong cộng đồng phái nữ văn phòng. Với màu sắc sặc sỡ, hình ảnh những chiếc kẹo ngọt ngào cùng cách chơi giống với trò “kim cương” đã tạo nên sức hút cho trò chơi này. Game có hàng trăm cấp độ chơi và càng về sau mức độ càng khó. Cứ đầu giờ làm việc, giờ nghỉ trưa hoặc bất cứ lúc nào, dù không rảnh rỗi, là các chị em lại được dịp nhộn nhịp, xôn xao hỏi xem đã vượt qua level mấy, nhờ cậy nhau chơi hộ khi gặp bài chơi quá khó.

Rồi khi về đến nhà, nhiều người lại “cắm đầu” vào di động chơi tiếp để có thể qua level bằng được mới thôi. Nếu “hết mạng” chơi thì lại ăn gian bằng cách “chỉnh giờ” để chơi tiếp, dẫn đến nhiều người do quên chỉnh lại giờ hay “cày” muộn quá mà quên giờ đến công sở. Năm 2013 là khoảng thời gian đỉnh cao của “Candy Crush Saga” khi ai cũng “say như điếu đổ”. Tuy nhiên, trò này sau đó vì có thể dùng cách hack để qua bàn nên nhiều người không còn “mặn mà” vì độ thử thách đã bị “mài mòn”. Nhìn vào mặt tích cực, chơi game cũng khiến dân công sở có những phút giây thư giãn, thậm chí tạo thành cộng đồng khá “hot” khi rủ nhau cùng chơi, cùng bàn tán.

Những nông dân ảo “chăm vãi chưởng!”

Không chỉ bị “kẹo ngọt” dụ khị, dân công sở còn bị mê hoặc với nông trại như Barn Buddy, HayDay… tạo nên “cơn sốt game online” cho dân văn phòng trên mạng xã hội. Mô típ chung của các game nông trại chỉ đơn giản là mua nông sản trồng trọt, chờ đợi cây ra hoa kết trái rồi thu hoạch, nuôi gia súc, gia cầm… nhưng vẫn luôn thu hút nhiều người tham gia chơi. Chị Thu Minh (nhân viên kế toán) chia sẻ “Lúc đầu tôi cũng chỉ theo phong trào, nghĩ là chơi game lúc rảnh rỗi để thư giãn, giải trí, thấy trò Burn Buddy khá đơn giản nên đã thử chơi. Nhưng không ngờ càng về sau càng nghiện với việc thu hoạch những cây trái mà mình đã trồng đồng thời thích thú khi đi “trộm đồ” nhà người khác”.

Trò game nông trại mà ăn cắp đồ này từng được cư dân mạng say mê lúc nhiều người chuyển từ Yahoo 360 sang dùng Facebook. Còn đến thời điểm hiện tại thì nhiều người lại chuyển sang “ưa chuộng” trò HayDay. Tuy không thể hái trộm nông sản nhưng HayDay lại hấp dẫn bởi đồ họa tuyệt đẹp, màu sắc rực rỡ, đi “săn đồ” và tự thiết kế khu vườn theo phong cách của riêng mình.

Chị Ngọc (nhân viên chăm sóc khách hàng ở Hà Nội) cho biết “Game này rất dễ chơi nhưng lại ngốn khá nhiều thời gian. Các công việc của một người nông dân “thực thụ” như chăn nuôi gia cầm, gia súc ăn rồi lấy thịt, trồng cây để thu hoạch, nướng bánh, săn đinh ốc, gỗ để xây nhà, câu cá…chỉ mất có vài giây, vài phút nhưng khi hoàn thành hết nhiệm vụ cũng tốn khá nhiều thời gian khiến tôi lúc nào cũng phải “lướt” vào. Có nhưng hôm tôi phải đặt chuông đồng hồ dậy để “thu hoạch” cho hoàn thành nhiệm vụ, nhận được nhiều vàng để mua đồ cần thiết trang trí cho khu vườn của mình. Nhưng chính vì say mê quá nên nhiều lúc tôi chỉ làm qua loa công việc khiến khách hàng không ưng ý và bị khiển trách”.

Giống chị Ngọc, nhiều chị em khác cũng mê mệt vì trò này, thậm chí có người còn cài trò chơi trên cả di động và iPad để “cày” cho nhanh và không ít người đã bị sếp bắt gặp. Tuy chỉ là trò giải trí hay thú tiêu khiển lúc rảnh rỗi nhưng các game này đang mê hoặc dân công sở khiến họ “thức khuya, dậy sớm” chăm chỉ để trở thành một người nông dân ảo, trong khi cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến công việc, thời gian và sức khỏe. Nhưng với hội FA (forever alone) thì họ cho rằng game chính là “cứu cánh” cho những phút giây đơn côi khi dân tình dập dìu ong bướm vào những tối ngày lễ hay cuối tuần. Game có mặt như vai trò vẫn vậy của nó, chỉ là do người chơi nhìn nhận nó ra sao, nhưng đã rơi vào “mê cung” của game thì việc “nghiện” cũng chỉ kém với các loại khác tí chút, vì vậy, trước những lời chào mời chơi game hấp dẫn trên facebook, hãy thận trọng, đừng “rảnh rỗi sinh nông nỗi!”.

Theo Sống Mới.




Bình luận

  • TTCN (0)