Đại diện ICDREC và các doanh nghiệp kí kết hợp tác phát triển và thương mại chip SG8V1. Ảnh: HỒNG THÚY.

Đủ lực nghiên cứu và chế tạo

Cách đây gần một thập niên, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) thuộc Đại học quốc gia TP HCM được thành lập. Thời điểm đó, các cán bộ, kĩ sư của trung tâm được xem là những người tiên phong tìm hiểu về công nghệ vi mạch, ngành công nghiệp vốn được thế giới làm chủ từ nhiều năm trước đó.

Trải qua không ít khó khăn, thử thách, đến nay, ICDREC đã có những sản phẩm đầu tiên, được giới công nghệ cũng như bạn bè quốc tế, doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực trên thế giới tìm hiểu, hợp tác. Có thể kể đến những sản phẩm mang thương hiệu chip Việt đã tạo được dấu ấn, như chip xử lí 32 bit VN-1632; chip LDO quản lí năng lượng đầu tiên của Việt Nam TH-7150; linh kiện vi cân tinh thể thạch anh (QCM - Quatz Crystal Microbalance); cảm biến áp suất… Ngày 20/11 vừa qua, sản phẩm chip vi điều khiển 8 bit thương mại SG8V1 của Việt Nam đã được nhận giải nhất sản phẩm công nghệ thông tin thành công tại Lễ trao giải thưởng “Nhân tài đất Việt 2014”.

Thời gian qua, chip thương mại SG8V1 đã được ICDREC ứng dụng thành công trên nhiều dòng sản phẩm thương mại, như thiết bị giám sát hành trình xe ô-tô, hộp đen xe máy, khóa điện tử giám sát quản lí công-ten-nơ, điện kế điện tử 1 pha, modem thu thập dữ liệu điện kế từ xa. Sắp tới, loại chip này sẽ được hoàn thiện và thương mại hóa trên khoảng 20 nhóm sản phẩm khác. Giám đốc ICDREC Ngô Đức Hoàng cho rằng: Với những giá trị có tính ứng dụng cao, thiết thực với đời sống, các sản phẩm của đơn vị đã khẳng định được tiềm năng ứng dụng, hiệu quả hoạt động trên hàng loạt thiết bị phần cứng của chip SG8V1, tạo tiền đề phát triển các dòng chip thương mại khác. Điều này cũng khẳng định năng lực nghiên cứu và chế tạo vi mạch của đội ngũ kĩ sư Việt Nam hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu sử dụng đối với các sản phẩm công nghệ của Việt Nam.

Trước đó, ngày 14/12/2012, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 6358/QĐ-UBND về phê duyệt “Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch thành phố giai đoạn 2013 - 2020” với các mục tiêu, nhiệm vụ gắn với bảy chương trình, đề án, dự án: Đào tạo thiết kế vi mạch; Ươm tạo doanh nghiệp công nghệ vi mạch và hệ thống nhúng; Phát triển thị trường vi mạch; Nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm; Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách và biện pháp hỗ trợ phát triển công nghiệp vi mạch; Xây dựng nhà máy sản xuất; Xây dựng nhà thiết kế (Design House).

Sau hơn một năm rưỡi triển khai thực hiện, chương trình đã bổ sung thêm ba đề án khác là: Phát triển sản phẩm đầu cuối sử dụng vi mạch điện tử; Phòng thí nghiệm và sản xuất thử nghiệm vi mạch (Lab-to-Fab) và Phát triển sản phẩm vi cơ điện tử (MEMS). Ngoài ra, trong khuôn khổ dự án phát triển phương tiện sản xuất vi mạch, một chương trình nghiên cứu khả thi về mô hình Xưởng cực tiểu đã được chấp thuận cho triển khai, nhằm tìm hiểu thêm một hướng đi mới cho hoạt động kết hợp từ nghiên cứu, phát triển, rồi sản xuất vi mạch số lượng nhỏ.

Các đề án nghiên cứu, chế tạo và ứng dụng các sản phẩm cũng nhận được sự tham gia, hưởng ứng của rất nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng một hệ sinh thái cho ngành công nghiệp vi mạch của thành phố...

Hướng đến thị trường trong nước

Sau những thành công trong việc thiết kế và chế tạo nhiều sản phẩm vi mạch mang thương hiệu Việt Nam, quyết định thương mại hóa sản phẩm chip SG8V1 là một bước đi mang tính đột phá trong mục tiêu phát triển của lĩnh vực này. Chủ trương của thành phố xác định ưu tiên phát triển các sản phẩm nhằm phục vụ cho thị trường nội địa.

Thế nhưng, mọi chuyện không phải lúc nào cũng thuận lợi. Dù chất lượng đã được khẳng định, song theo nhiều chuyên gia, việc đưa các sản phẩm vi mạch “vươn ra biển lớn” sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thử thách. Theo phân tích của Giám đốc Ngô Đức Hoàng, tâm lí “đóng cửa” của nhiều doanh nghiệp nhà nước đối với sản phẩm vi mạch “cây nhà lá vườn” chính là trở ngại lớn nhất khi ICDREC cũng như các đơn vị liên quan hướng đến việc thương mại hóa. Qua khảo sát cho thấy, khi đặt vấn đề sử dụng sản phẩm, nhiều doanh nghiệp có tâm lí e ngại. Từ trước đến nay, các doanh nghiệp thường sử dụng theo kiểu mua sản phẩm có sẵn từ bên ngoài, còn việc hợp tác nghiên cứu, sản xuất, ứng dụng và nguồn tài chính đủ mạnh để triển khai chỉ đếm trên đầu ngón tay, cho nên hoạt động thương mại gặp khó khăn là điều dễ hiểu.

GS Đặng Lương Mô, Cố vấn cấp cao của Đại học quốc gia TP HCM về chương trình vi mạch cho rằng: Với lợi thế dân số gần 90 triệu người và còn tăng thêm trong tương lai, Việt Nam sẽ là một thị trường tiềm năng để các sản phẩm vi mạch nội địa tìm được chỗ đứng cũng như cạnh tranh với sản phẩm từ bên ngoài. Dù đi sau nhiều nước, song nếu đầu tư đúng thời điểm, có chiến lược, tầm nhìn dài hạn, không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng, hoàn thiện sản phẩm… thì trong tương lai, các sản phẩm của chúng ta sẽ tạo được niềm tin đối với người dân trong nước.

Theo Giám đốc ICDREC Ngô Đức Hoàng, các chính sách phát triển cần có cơ chế “kéo” các doanh nghiệp nhà nước cùng tham gia. Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đang diễn ra sôi nổi và ngày càng đạt hiệu quả thiết thực, sẽ là một lợi thế để kích thích người dân Việt Nam ứng dụng các sản phẩm vừa “ích nước lợi nhà”, vừa bảo đảm được các yếu tố về bảo mật, an ninh,…

Bên cạnh đó, thành phố cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ xây dựng nhà máy sản xuất chip cũng như Xưởng cực tiểu để đáp ứng những “mẻ hàng” đầu tiên sẽ được các doanh nghiệp đặt trong tương lai không xa...

Theo Nhandan.




Bình luận

  • TTCN (0)