Các hãng công nghệ lớn “nhòm ngó” thị trường bán lẻ Việt Nam

Tại hội thảo “Giải pháp thương mại điện tử và công cụ báo cáo quản trị cho mô hình bán lẻ và phân phối”, ông Đinh Tiến Dũng – Tổng Giám Đốc Votiva-SAGlobal cho biết: “Mua sắm trực tuyến đã tạo ra một sự thay đổi lớn về cách thức tương tác giữa người tiêu dùng và nhà cung cấp. Trong đó, thương mại điện tử và mạng xã hội hiện là hai công cụ chiến lược giúp nhà bán lẻ và nhà phân phối tiếp cận khách hàng và người tiêu dùng trên phạm vi rộng lớn hơn".

Tại hội thảo, hãng Microsoft cũng đưa ra giải pháp Microsoft Dynamics AX WebStore cho phép doanh nghiệp thiết lập kênh mua sắm thương mại điện tử phù hợp với từng đối tượng khách hàng, dễ triển khai và chi phí quản lí thấp.

Giới chuyên gia nhận định, các doanh nghiệp có thể dễ dàng xây dựng và vận hành cho nhiều trang web B2B và B2C dành cho từng phân khúc khách hàng khác nhau và quản lí chúng trực tiếp trong giải pháp Microsoft Dynamics AX. Bên cạnh đó, giải pháp BI360 cung cấp cho nhà bán lẻ và nhà phân phối khả năng dự báo, theo dõi và phân tích doanh thu của sản phẩm và cửa hàng, lên chiến dịch khuyến mãi hiệu quả hơn, chuẩn bị hàng hóa theo thị hiếu mua sắm của khách hàng từng khu vực, và cải thiệu hiệu suất của nhân viên.

Đại diện Microsoft cho biết, với việc áp dụng công nghệ thông tin trong quản lí, các doanh nghiệp có thể dễ dàng lên ngân sách và dự báo doanh thu và chi phí, tiên đoán xu hướng mua sắm và lên chiến dịch khuyến mãi phù hợp. Đồng thời, tối ưu hóa nguồn nhân lực, theo dõi tình hình kinh doanh tại cửa hàng, khu vực hoặc của sản phẩm, lập báo cáo quản trị và báo cáo tài chính. Từ đó, thiết lập và theo dõi mục tiêu kinh doanh một cách tức thì.

Doanh nghiệp Việt cần nâng cao năng lực cạnh tranh!

Chuyển dịch từ kênh bán lẻ truyền thống sang hiện đại, mua bán hàng online và thương mại điện tử là xu hướng phát triển của ngành bán lẻ Việt Nam trong thời gian tới. Khi đó, ranh giới giữa thương mại điện tử và bán lẻ sẽ dần biến mất, và thương mại điện tử cùng kinh doanh trực tuyến sẽ trở thành một phần thiết yếu của bán lẻ.

Theo khảo sát thị trường thương mại điện tử do Bộ Công Thương tiến hành năm 2013, ước tính giá trị mua hàng trực tuyến của một người Việt Nam đạt khoảng 120 USD. Sản phẩm được lựa chọn mua sắm tập trung vào các mặt hàng như thời trang, mĩ phẩm (62%), đồ công nghệ và điện tử (35%), đồ gia dụng (32%), vé máy bay (25%) và một số các mặt hàng khác.

Tại Việt Nam, phần lớn người mua sắm sau khi đặt hàng trực tuyến vẫn lựa chọn hình thức thanh toán là tiền mặt (74%), hình thức thanh toán qua ngân hàng chiếm 41%, hình thức trung gian thanh toán qua các website thương mại điện tử chiếm 8%.

Theo một khảo sát về tình hình mua sắm trực tuyến đối với cá nhân, với sự tham gia của 781 người có sử dụng Internet tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM. Tỉ lệ người truy cập Internet tham gia mua sắm trực tuyến là 57% ước tính doanh số thương mại điện tử B2C khoảng 2,2 tỉ USD. Dự báo, đến 2015 Việt Nam sẽ có khoảng 40 – 45% dân số sử dụng Internet.

Ảnh
Ảnh: Bộ Công Thương.

Căn cứ vào những số liệu trên và ước tính giá trị mua hàng trực tuyến của mỗi người vào năm 2015 tăng thêm 30 USD so với năm 2013, Bộ Công thương dự báo doanh số thương mại điện tử B2C của Việt Nam năm 2015 sẽ đạt trên dưới 4 tỉ USD.

Tuy nhiên, một điểm dễ nhận thấy ở thị trường thương mại điện tử Việt Nam là doanh nghiệp "nhiều nhưng chưa đủ lớn". Trừ nhóm hàng bán lẻ điện máy có một vài "đại gia" với hệ thống siêu thị thành viên phủ khắp cả nước thì trong ngành bán lẻ thương mại điện tử B2C chưa nhiều những mô hình lớn về vốn và độ phủ trên thị trường.

Trong khi đó, các hãng thương mại điện tử nước ngoài đang lên kế hoạch đổ bộ vào Việt Nam. Giới chuyên gia cho rằng, sự xuất hiện của yếu tố nước ngoài là cơ hội nhưng cũng là thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp thương mại điện tử trong nước khi mà thị trường bán lẻ mở cửa hết mức vào 2015.

Theo Bizlive.




Bình luận

  • TTCN (0)