Một công nhân ngủ gật trên bàn làm việc tại nhà máy sản xuất iPhone của Apple.

Một đoạn phim bí mật của chương trình BBC Panorama trên một dây chuyền sản xuất iPhone 6 cho thấy, tất cả những lời hứa của Apple về việc cải thiện điều kiện làm việc của công nhân đều là hứa hão.

Theo đó, các tiêu chuẩn về giờ làm việc, thẻ ID, kí túc xá, các cuộc họp và độ tuổi của lao động vị thành niên đều bị phá vỡ tại nhà máy của Pegatron, nằm ở ngoại ô Thượng Hải.

Một phóng viên của chương trình này – vào vai một công nhân sản xuất linh kiện cho máy tính Apple - cho biết, anh ta phải làm việc 18 ngày liên tiếp, mặc dù liên tục yêu cầu được có một ngày nghỉ. Một phóng viên khác cho biết ca làm việc dài nhất của anh kéo dài 16 giờ. “Mỗi lần trở lại kí túc xá, tôi gần như không muốn làm gì hết. Ngay cả khi rất đói, tôi không muốn ngồi dậy để ăn. Tôi chỉ muốn nằm xuống và nghỉ ngơi. Tôi không thể ngủ được vào ban đêm vì căng thẳng".

Anh này cho biết, mình bắt gặp hàng loạt những công nhân vừa làm vừa ngủ gật tại dây chuyền và được cảnh báo đây là tình trạng cực kì nguy hiểm bởi họ có thể bị điện giật nếu vô tình chạm phải những sợi dây đặt trước mặt.

Phía Apple từ chối nhận phỏng vấn của chương trình nhưng tuyên bố: “Chúng tôi khẳng định không công ty nào nỗ lực như Apple để đảm bảo điều kiện làm việc công bằng và an toàn như Apple”.

Điều kiện làm việc tồi tệ tại các nhà máy sản xuất sản phẩm Apple ở Trung Quốc đã bị phát hiện từ năm 2014, khi 14 công nhân của Foxconn – đối tác sản xuất lớn nhất của Apple – tự tử. Sau những vụ tự tử liên tiếp này, Apple công bố một loạt các tiêu chuẩn dành cho môi trường làm việc tại các nhà máy. Tuy nhiên, BBC Panorama phát hiện ra, những tiêu chuẩn đó có vẻ như chỉ xuất hiện trên giấy tờ.

Giờ làm thêm tại đây được cho là tự nguyện nhưng không ai trong số các phóng viên có mặt tại đây được cung cấp một lựa chọn khác. Trước và sau giờ làm việc, họ đều phải tham gia các cuộc họp không được tính vào giờ làm việc, ở trong kí xúc xá chật chội với 12 người.

Thậm chí, chương trình Panorama còn đi xa hơn, tìm đến một chuỗi cung cấp linh kiện của Apple tại đảo Bangka, Indonesia. Apple cho biết, họ coi trọng đặc biệt đến chuỗi cung ứng vật liệu thiếc bởi nó là một thành phần quan trọng để tạo ra những chiếc iPhone. Trên thực tế, những người làm việc ở đây đều đào mỏ bất hợp pháp.

Tại đây, trẻ em phải đào mỏ bằng tay trong điều kiện cực kì nguy hiểm – chúng có thể bị chôn sống bất cứ lúc nào khi các bức tường bằng cát hoặc bùn sụp đổ.

Rianto – cậu bé 12 tuổi – cho biết, cậu thường xuyên làm việc cùng với cha mình bên dưới một vách đá cao hơn 20m: “Cháu sợ sạt lở đất. Đất đá có thể trượt từ trên xuống bất cứ lúc nào”.

Ảnh
Cậu bé 12 tuổi Rianto là một trong những thợ mỏ tại khu vực

Panorama cũng theo dõi một nhóm người chuyên thu thập thiếc từ khu vực nơi Rianto làm việc. Một trong số đó cho biết, họ đã bán thiếc cho một nhà máy luyện thiếc, thuộc danh sách chuỗi cung ứng linh kiện cho Apple. Johan Morod – người điều hành nhà máy luyện thiếc đó cho biết, 70% lượng thiếc thu thập được là đến từ các mỏ có quy mô nhỏ.

Trong khi đó, Apple cho rằng đây là một trường hợp cực kì phức tạp bởi hàng nghìn thợ mỏ tại đây đều bán thiếc qua những người trung gian, trước khi đến tay các nhà máy là đối tác của họ.

Tập ảnh: Công nhân, thợ mỏ khai thác khoáng sản tại Indonesia (8 hình)

“Hành động đơn giản nhất là Apple có thể đơn phương từ chối bất cứ sản phẩm nào từ các mỏ thiếc tại Indonesia. Điều đó sẽ giúp chúng tôi tránh khỏi những lời chỉ trích. Tuy nhiên, đó là hành động hèn nhát và lười biếng, vì nó sẽ không giúp gì để cải thiện tình hình. Chúng tôi chọn cách vẫn tham gia và cố gắng thay đổi trong phạm vi có thể”, đại diện Apple cho hay.

Theo Zing.




Bình luận

  • TTCN (0)