1. CEO của năm: Tim Cook

Một lần nữa, Apple lại là con cưng của phố Wall với kết quả làm nức lòng giới đầu tư trên mọi phương diện (ngoại trừ iPad lần đầu tiên sụt giảm doanh số).

Đó là lí do vì sao Tim Cook là lựa chọn đầu bảng cho danh hiệu CEO xuất sắc nhất năm 2014 của CNN Money. Kể từ đầu năm đến nay, cổ phiếu hãng này đã tăng giá liên tục 40% và đạt đến mức cao kỉ lục nhờ sự ra mắt của bộ đôi iPhone 6/ 6 Plus. Đó là chưa kể dịch vụ thanh toán di động Apple Pay cùng với sự phấn khích bao trùm lên chiếc đồng hồ Apple Watch mà Tim Cook công bố hồi tháng 9 vừa qua.

Thành tích của Cook càng ấn tượng hơn khi công việc của ông bị cho là khó nhằn nhất nước Mỹ. Ông phải thuyết phục được tất cả những người hoài nghi rằng Apple vẫn có thể sáng tạo và phát triển sau thời Steve Jobs, và dù Apple có thể chậm chân hơn các đối thủ ở một số lĩnh vực, nhưng một khi tăng tốc và dồn toàn lực cho một con át chủ bài để đáp trả, hãng vẫn có thể khiến cho đối thủ lao đao đồng loạt như thường. Từ iPad Mini cho đến iPhone 6 Plus, Tim Cook đã chứng tỏ Apple ngày nay biết lắng nghe và thỏa mãn người dùng đến thế nào.

2. John Chen của BlackBerry

Sau nhiều phút thập tử nhất sinh, BlackBerry đã may mắn thoát chết. Và công lớn trong hành trình đó thuộc về Tổng giám đốc John Chen.

Vị tân Tổng giám đốc của BlackBerry đã ngắt được đà chảy máu của Dâu đen, tập trung nhiều hơn cho phần mềm và dịch vụ, đồng thời nhận ra rằng không thể tiếp tục giành giật thị phần smartphone bằng mọi giá được.

Giá cổ phiếu của BlackBerry đã tăng vọt 35% trong năm qua và nhà đầu tư không còn phải quá lo về việc Dâu đen buộc phải bán mình mới mong tồn tại được nữa.

3. Tổng giám đốc Satya Nadella của Microsoft

Tân Tổng giám đốc Satya Nadella đã cho phố Wall thấy, ông được chọn vào vị trí này là hoàn toàn xứng đáng và phù hợp. Và trái với suy nghĩ trước đó của nhiều người, rằng "người cũ" của Microsoft thì tư duy sẽ theo lối mòn, khó có thể phá cách và đột phá sau thời Steve Ballmer, Nadella đã mang đến những thay đổi rất lớn, thậm chí là lột xác cho gã khổng lồ phần mềm chỉ sau hơn nửa năm chèo lái.

Sự ủng hộ của các nhà đầu tư dành cho chiến lược "Ưu tiên di động, ưu tiên đám mây" của Nadella được thể hiện bằng cổ phiếu Microsoft đã tăng giá tới 26% kể từ khi ông nhậm chức. Tuy nhiên, một lần lỡ miệng đáng chú ý của ông trong năm qua chính là lời bình luận về việc nhân viên nữ làm việc trong ngành công nghệ không nên đấu tranh đòi tăng lương.

4. Marissa Mayer, Tổng giám đốc Yahoo!

Giá cổ phiếu Yahoo! trong năm qua tăng nhiều hơn so với đối thủ chính Google, tuy nhiên, đừng vội khen nữ tướng Marissa Mayer cho thành tích đó.

Lí do chính khiến cho Yahoo! tăng mạnh 25% thị giá là vì hãng này kiếm được tiền từ số cổ phần đã đầu tư vào gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba của Trung Quốc từ trước đó. Còn những chính sách điều hành gần đây của bà Mayer dường như vẫn loanh quanh luẩn quẩn và chưa thể giúp Yahoo! thoát ra được khỏi mớ bóng bong.

Hơn nữa, quyết định mua cổ phần của Alibaba khởi nguồn từ đồng sáng lập Jerry Yang và cựu CEO Terry Semel từ năm 2005, khi mà bà Mayer vẫn còn đang làm việc cho Google. Do đó, trường hợp này nên được nhìn nhận chính xác là "may hơn khôn".

5. CEO John Legere của T-Mobile

Được đánh giá là vị CEO chăm chỉ kết nối trên mạng xã hội nhất, John Legere thường xuyên trò chuyện (và tranh thủ đá xoáy các đối thủ) với 834.000 người follow mình trên mạng tiểu blog Twitter. Những mục tiêu lớn nhất của ông ư? Các đối thủ như Verizon, AT&T và Sprint. Chẳng hạn như hồi tháng 6, sau khi AT&T công bố thỏa thuận phân phối độc quyền dòng smartphone Fire Phone của Amazon, Legere đã lập tức bình luận: "Độc quyền không có lợi gì cho người dùng. Sự độc quyền của AT&T càng không có lợi gì cho ngành di động".

Và khi Fire Phone biến thành một bom xịt thảm hại thì Legere càng có cớ để cười to nhất.

6. Meg Whitman - Tổng giám đốc HP

Năm qua, nữ tướng của HP đã phải đối mặt với một trong những quyết định khó khăn nhất của sự nghiệp: tách đôi HP, một biểu tượng kì cựu của thung lũng Silicon thành hai phần. Nhưng tất cả các chuyên gia công nghệ đều tán đồng, đó là một quyết định đúng đắn và lẽ ra đã phải làm từ lâu.

Công ty HP mà Whitman tiếp nhận vào năm 2011 là một mớ lộn xộn, hậu quả của việc thâu tóm quá nhiều công ty khác nhưng không thể dung hòa được các nền văn hóa doanh nghiệp khác nhau. Bà Whitman xứng đáng được khen ngợi vì đã ngộ ra "chân lý" và đồng ý bẻ đôi HP thành 2 công ty độc lập: một chuyên vào PC, máy in và các thiết bị người dùng cá nhân, một chỉ chuyên bán phần mềm, máy chủ và dịch vụ cho các doanh nghiệp lớn.

Tái cơ cấu không bao giờ là việc dễ làm và luôn gây động chạm, nhưng đôi khi, chúng mang ý nghĩa sống còn. Phố Wall dường như cũng ủng hộ bà Whitman khi cổ phiếu HP đã tăng giá hơn 40% trong năm qua.

Theo VietNamNet.




Bình luận

  • TTCN (0)