Hôm nay (26/12), Tổng cục Địa chất (Bộ Tài nguyên & Môi trường) chủ trì họp báo công bố những phát hiện độc đáo về hệ thống hang động trong đá basalt tại Đắk Nông. Theo nhận định ban đầu, giá trị thiên nhiên, lịch sử, văn hóa... của quần thể hang động này có thể không thua kém hang động núi lửa Manjanggul Lava trên đảo Jeju của Hàn Quốc.

“Ẩn chứa nhiều bí mật”

Từ đề tài “Nghiên cứu di sản địa chất để xây dựng công viên địa chất và bảo vệ môi trường khu vực thác Trinh Nữ, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông” do UNESCO tài trợ năm 2007, Bảo tàng Địa chất Việt Nam lần đầu tiên phát hiện hệ thống hang động trong đá basalt tại huyện Krông Nô, Đắk Nông. Theo khảo sát ban đầu, có hàng chục hang động lớn nhỏ nằm dọc theo sông Sêrêpốk, từ xã Buôn Chóa đến cụm thác Đray Sáp - Gia Long (xã Đắc Sôr), phân bố trên chiều ngang khoảng 5km, chiều dài khoảng 25km.

Kể từ đó, Bảo tàng Địa chất đã nhiều lần đề xuất nghiên cứu chi tiết hơn, trong khuôn khổ dự án “Nghiên cứu điều tra di sản địa chất liên quan đến hang động núi lửa Tây Nguyên, Việt Nam và các giải pháp bảo tồn, phát triển bền vững” nhưng không được cấp thẩm quyền chấp thuận với lí do tài chính. Rất may, năm 2012 - 2013, được sự giúp đỡ của các nhà khoa học Nhật Bản, đặc biệt là ông Tachihara - Chủ tịch Hiệp hội Hang động Nhật Bản, việc điều tra mới được tiếp tục. Kết quả nghiên cứu đợt 2 cho thấy đây là hệ thống hang động trong núi lửa có quy mô lớn nhất Đông Nam Á, đẹp hàng đầu Châu Á.

Trao đổi với PV Lao Động ngày 25/12, ông La Thế Phúc - Giám đốc Bảo tàng Địa chất Việt Nam, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, Bộ TNMT - cho biết: “Bên trong hệ thống hang động này còn ẩn chứa nhiều bí mật về địa chất thành tạo, đa dạng sinh học, không loại trừ cả khảo cổ... cần được nghiên cứu khám phá. Điều thú vị nhất là các hang động này hình thành trong đá basalt chứ không phải trong đá carbonat (đá vôi) như đa số những hang động khác ở Việt Nam”. Cũng theo ông Phúc, quá trình điều tra, khảo sát, các nhà khoa học đã đánh số tạm thời một số hang động. Trong đó hang C3 có một lỗ tròn, đường kính khoảng 1 m.

Các nhà khoa học cho rằng quá trình núi lửa phun trào, có một thân cây lớn bị dung nham cuốn theo, khi cây mục đã tạo thành một đoạn hang trên nền đá basalt. Do cửa hang C3 khá rộng, ánh nắng chiếu thẳng vào làm sáng một đoạn hang. Đặc biệt tại hang C7 còn sót lại 3 tầng địa mạo, cho thấy các dòng chảy dung nham tại đây có thời gian phun trào khác nhau.

Một đoạn nền hang C7 bị sập cũng cho thấy đã có một dòng chảy dung nham khác ở phía trên tác động. Một lớp bám trắng trên thành hang C7 chưa rõ là kết quả của quá trình gì, song cũng có thể là một loại vi khuẩn... Còn ông Bùi Quang Mích - Phó Giám đốc Sở VHTTDL Đắk Nông - cho biết, một trong những giá trị của hệ thống hang động này là hoàn toàn hoang sơ, chưa có sự tác động của con người. “Chỉ có một số người dân bản địa vào hang bắt dơi, không có tác động gì đến hang động”, ông Mích nói.

Công viên địa chất toàn cầu

Theo các nhà khoa học Việt Nam và Nhật Bản, cấu trúc hệ thống hang động này là kết quả hoạt động của các hệ thống đứt gãy kiến tạo, hình thành kênh dẫn cho dung nham magma từ dưới sâu đưa lên, hình thành các thể magma xâm nhập và phun trào basalt. Các yếu tố này ảnh hưởng tới hình thái, địa hình của khu vực, tạo nên những cảnh quan, thác nước ngoạn mục.

Ông Lại Thế Phúc cho rằng, khu vực này cơ bản hội đủ điều kiện để xây dựng công viên địa chất (CVĐC) quốc gia, tiến tới lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là CVĐC toàn cầu. Việc xác lập danh hiệu CVĐC toàn cầu là cơ sở để đẩy mạnh hoạt động du lịch, phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn lâu dài các giá trị di sản thiên nhiên, văn hóa cho các thế hệ tương lai.

Tại Việt Nam, cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) đã được UNESCO công nhận là CVĐC toàn cầu vào ngày 3/10/2010, tái công nhận ngày 23/9/2014. Kể từ lần công nhận đầu tiên, công tác bảo tồn di sản thiên nhiên nói chung, di sản địa chất nói riêng (một dạng tài nguyên không tái tạo) đã đạt nhiều kết quả to lớn. “Vì vậy, di sản ở Krông Nô cũng cần sớm được bảo tồn, quản lí theo hướng xây dựng CVĐC. Đây là xu hướng, kinh nghiệm quý báu của các nước phát triển trong việc nghiên cứu, bảo tồn và khai thác di sản một cách bền vững” - ông Phúc nói.

Thống nhất xây dựng CVĐC

UBND tỉnh Đắk Nông vừa có thông báo thống nhất với nội dung, nhiệm vụ nêu trong đề án điều tra, đánh giá di sản địa chất, xây dựng CVĐC khu vực Krông Nô do Bảo tàng Địa chất VN lập. UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan chuẩn bị nhân lực, vật chất tham gia cùng Bảo tàng Địa chất VN và các nhà khoa học thực hiện đề án.

Theo Lao Động.




Bình luận

  • TTCN (0)