Việc theo dấu máy bay vẫn phụ thuộc vào công nghệ radar mà nhiều chuyên gia cho rằng nó đã lỗi thời. Ảnh minh họa: Huffington Post

Vì sao chưa thể theo dõi máy bay?

Sau hàng loạt sự cố hàng không nghiêm trọng trong năm 2014, nhiều người đặt ra câu hỏi rằng tại sao ngành công nghiệp hàng không vẫn chưa thể theo dõi máy bay, trong khi các thiết bị điện tử lại có thể kết nối hệ thống định vị toàn cầu theo cách dễ dàng.

“Một hệ thống theo dõi toàn cầu không được thiết lập và ngành công nghiệp hàng không chưa quan tâm tới vấn đề này”, Jim Hall, cựu chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ, cho hay. Ông lưu ý rằng Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) đang xem xét các hệ thống theo dõi máy bay, song quá trình này diễn ra chậm chạp.

Mặc dù các máy bay hiện đại được trang bị công nghệ theo dõi qua vệ tinh và hệ tọa độ, đài không lưu không thể xác định chính xác vị trí của phi cơ. Việc theo dấu máy bay vẫn phụ thuộc vào công nghệ radar mà nhiều chuyên gia cho rằng nó đã lỗi thời.

"Một số máy bay có trang bị công nghệ theo dõi qua vệ tinh, nhưng với khoảng cách lớn như vậy, đôi khi các thông tin mà đài kiểm soát nhận là không chính xác, thậm chí là con số không", Denny Kelly, người đứng đầu hãng điều tra dịch vụ bay Kelly James & Associates nhận định.

Hệ thống thông tin trực tuyến về chuyến bay

Sự cố của chuyến bay AF447 thuộc hãng Air France năm 2009, chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines mất tích bí ẩn hay vụ QZ8501 của AirAsia đã đặt ra câu hỏi vì sao các hãng hàng không chưa lắp đặt cho máy bay công nghệ truyền dữ liệu từng phút về vị trí và trạng thái của nó.

Theo CNN, công ty Giải pháp Không gian Flyht của Canada đang sở hữu hệ thống tự động cung cấp thông tin về chuyến bay. Nó sẽ tự theo dõi các dữ liệu về vị trí, độ cao và hiệu suất của phi cơ khi đang bay. Hệ thống cũng có thể truyền dẫn trực tiếp các dữ liệu khi máy bay gặp sự cố, từ những vấn đề nhỏ cần sửa chữa tới những nguy cơ có thể dẫn đến thảm họa hàng không.

Theo Chủ tịch của Flyht, ông Matt Bradley, hãng AirAsia đã không sử dụng dịch vụ này cho máy bay Airbus A320-200 gặp nạn hôm 28/12. Nếu hãng lắp đặt hệ thống trực tuyến cho phi cơ, nhóm tìm kiếm có thể dễ dàng xác định vị trí gặp nạn của nó.

Trên một chuyến bay thông thường, hệ thống của Flyht sẽ gửi thông tin cập nhật từ buồng lái tới mặt đất trong vòng 5 tới 10 phút. Tuy nhiên, nó có thể được lập trình để nhận diện sự cố như sai lệnh về đường bay và sau đó tự động truyền tải dữ liệu tới mặt đất sau mỗi giây.

Những lợi ích tiềm tàng từ hệ thống truyền dẫn thông tin trực tuyến đã được bàn luận rộng rãi sau vụ tai nạn của chuyến bay AF447 vào tháng 6/2009. Lúc đó, người ta phải mất tới hai năm để khôi phục dữ liệu bay.

Các chuyên gia hàng không tiếp tục thảo luận về công nghệ mới này sau khi chuyến bay MH370 của hãng Malaysia Airlines biến mất giữa Đại Tây Dương hồi tháng 3. Vào thời điểm đó, máy bay gặp nạn vẫn chưa được lắp đặt hệ thống của Flyht.

Sau vụ tai nạn của MH370, hãng hàng không First Air của Canada trở thành đơn vị đầu tiên lắp đặt hệ thống truyền dẫn trực tiếp của công ty Flyht trên tất cả các máy bay.

Các chuyên gia tư vấn hàng không hi vọng các hãng bay trên thế giới sẽ sớm lắp đặt hệ thống hữu ích này, sau loạt tai nạn hàng không vừa qua.

Theo Zing.




Bình luận

  • TTCN (0)