Sony H50 - chiếc máy ảnh siêu zoom. Ảnh: Digitalreview.

Với Sony Cyber-shot DSC-H50, có người cho rằng nó giống như chiếc DSLR thu nhỏ mang vác được dễ dàng. Một số khác lại cho rằng nó như một chiếc máy ảnh compact nhưng “quá tầm đại bác” và chẳng tiện dụng chút nào.

Về thiết kế, Sony H50 là một chiếc máy ảnh rắn rỏi từng chi tiết, như từ chiếc vòng khuyên kim loại móc dây đeo tới tay nắm uốn lượn rất đẹp kiểu như máy DSLR. Khoảng cách giữa tay nắm và ống kính đủ rộng để bạn có thể cầm giữ chắc chắn máy ảnh bằng một tay.

Một trong những điểm thiết kế nổi bật liên quan đến khả năng zoom chính là nút zoom. Ban đầu, người dùng sẽ có cảm giác nút zoom kiểu bập bênh bé tí xíu, nhưng khi sử dụng lại cảm thấy ngạc nhiên vì điều khiển nó dễ dàng. Bánh xe điểu khiển bố trí bao quanh các phím bấm chuẩn, vòng bánh xe gồ lên nên xoay không có gì khó khăn, chỉ tiếc là hơi nhỏ. Những người quen sử dụng Nikon sẽ thấy bánh xe của hãng này tiện hơn vì nó phối hợp vừa xoay vừa bấm.

Màn hình LCD rộng tới 3 inch với 230 nghìn pixel được thiết kế kiểu Sony Alpha DSLR có tay khớp gắn phía dưới kính ngắm điện tử. Màn hình này có thể xoay xuống dưới hoặc lên trên một góc vuông với thân máy giúp chụp qua đầu hoặc chụp ở tầm thấp.

Ảnh
Sony H50 màn hình rộng tới 3 inch. Ảnh: Cnet.

Giống như hầu hết các chiếc superzoom khác, H50 khi khởi động ống kính sẽ vươn về phía trước. Một số chiếc máy ảnh như Fujifilm FinePix S8100fd khi khởi động sẽ hất bật cái nắp đậy ra, một số người thích như vậy, nhưng tiềm tàng khả năng hư hỏng. Thế nhưng thiết kế đấy vẫn còn khá hơn H50. Ống kính của H50 khi vươn ra đụng vào nắp đậy uốn cong cái nắp và gây tiếng lịch bịch, nhưng nắp lại “cương quyết” không chịu tuột. Chắc chắn rằng động thái này chẳng hay ho gì cho ống kính và nếu lỡ quên tháo nắp đậy thì thà bị đẩy bung mất cái nắp còn hơn.

Sony vẫn kiên trì một kiểu định dạng riêng rất “khó chịu”, thay vị sử dụng dây USB thông thường, bạn phải xài đúng cáp truyền dữ liệu của Sony với đầu ra A/V và kết nối USB. Nếu lỡ đánh mất, bạn phải tốn một số tiền không nhỏ để mua lại đúng loại đó.

Chiếc H50 được bán kèm với loa chống chói, vòng adapter để gắn thêm kính (lens adapter ring). Ngoài ra còn có điều khiển từ xa với chức năng chụp và coi lại.

Ảnh
Hình này chụp ở ISO tối đa 3.200 biểu diễn các tùy chọn giảm nhiễu từ trái sang phải: Tắt, Chuẩn, Tăng. Ảnh: Cnet.

Chiếc máy ảnh này có khả năng tùy biến rất ấn tượng. Bấm vào nút menu thế là đã có thể chỉnh ngay cân bằng trắng, các loại bracketing (chụp liên tiếp ở các thiết lập khác nhau), cường độ đánh đèn flash, dãy tương phản, giảm nhiễu, thiết lập màu… Ngay ở chế độ tự động hoàn toàn thì bạn cũng chỉnh được chế độ nhận dạng khuôn mặt, chống mắt đỏ và nhận dạng cảnh chụp.

H50 có ống kính zoom quang 15x với tiêu cự 31 – 465 mm (tương đương 35 mm), cảm biến CCD 1/2,3 inch và bộ vi xử lý Bionz. Tính năng gồm có nhận dạng khuôn mặt bám đuổi chủ thể tốc độ cao, chụp khuôn mặt khi cười, và chế độ chống nhòe kép với công nghệ chống rung Super SteadyShot của Sony. Ngoài JPEG, chiếc H50 còn lưu file được ở định dạng RAW và độ phân giải cao, nhưng video vẫn chỉ là VGA và âm thanh mono.

Chức năng slideshow có thể được chiếu trên TV, nhưng chỉ cần bấm một nút là bạn đã có màn trình diễn slideshow có nhạc. Đương nhiên, khi kết nối với TV bạn phải dùng dây HDMI riêng của hãng. Ở chế độ xem lại này, máy ảnh có thể lọc để chiếu chỉ những hình nào có khuôn mặt, hoặc thậm chí chỉ có mặt trẻ con để chiếu lại. Một tính năng thú vị giống máy quay hơn máy chụp đó là chế độ chụp đêm hồng ngoại NightShot.

Máy ảnh này sử dụng thẻ nhớ Memory Stick PRO hoặc PRO Duo format của chính hãng, Tuy nhiên, việc này chỉ có lợi khi người sử dụng đã có những thiết bị của Sony dùng các loại thẻ nhớ này.

Chế độ chụp liên tục cho phép bắt được 0,9 khung hình/giây, với 100 hình trong 90 giây. Trong suốt quá trình này, màn hình không bị tối đen. Liên tiếp một trăm hình ngốn lập tức hết ngay một phần tư vạch pin. Do đó, lời khuyên là đừng nên thường xuyên chụp kiểu này.

Ảnh
Hình ảnh này chụp tại ISO 80, cho thấy các tùy chọn thiết lập cho dãy tương phản: tắt, chuẩn, gia tăng. Ảnh: Cnet.

Hình chụp từ H50 sắc nét một cách ấn tượng. Mặc dù hình ảnh bắt đầu có sạn từ ISO 400 trở lên, tuy nhiên, nhiễu được khống chế ở mức vừa phải chứ không bị hy sinh nhiều chi tiết, cho tới ISO 1.600. Màu sắc bị ảnh hưởng nhiều hơn là chi tiết; khi ISO bị đẩy lên cao thì hình ảnh nhợt nhạt đi một cách trầm trọng. Dãy tương phản có lẽ là từ hay dùng trong thị trường máy ảnh số. Vậy nhưng với H50, không thấy sự khác biệt đáng kể ở những tùy chọn về dãy tương phản. Phần bị cháy sáng chẳng được vãn hồi bởi các thiết lập tăng cường có chăng chỉ đơn giản là làm sáng toàn bộ hình ảnh lên mà thôi.

Chiếc H50 hoạt động tương đối tốt khi thiếu sáng. Đèn flash điều chỉnh được đã tạo sự khác biệt rõ ràng, giúp hình ảnh khỏi bị trắng bợt, hiện tượng nhợt cũng được giảm bớt bởi tông màu da ấm thể hiện ở tất cả các điều kiện sáng. Chức năng chụp đêm NightShot cũng thú vị nhưng hình ảnh ra còn tệ hơn là giữ máy cho chắc vào tường hoặc đồ đạc và chụp với chế độ thông thường.

Nếu xét định dạng và kiểu kết nối độc quyền riêng, thì Sony không phải là hãng được nêu tên đầu khi được quyền lựa chọn. Tuy nhiên, về chất lượng hình và thiết kế chắc chắn thì chiếc máy ảnh này hơn đứt bất kỳ một model nào cùng tầm giá.

Giá tham khảo tại Việt Nam: 9.790.000 đồng.

(theo Số hoá/Cnet)



Bình luận

  • TTCN (0)