Đội phát triển Cyanogen.

Cyanogen, công ty phát triển bản ROM tùy biến dựa trên nền tảng Android nổi tiếng trong cộng đồng, mới đây vừa có một phát biểu khá "mạnh miệng" về hệ điều hành di động này. Trong một hội nghị mang tên "Chương mới cho Android" diễn ra ở San Francisco (Mỹ), Kirt McMaster - CEO của Cyanogen cho biết: "Chúng tôi đang cố gắng đưa Android ra khỏi Google".

McMaster muốn xây dựng Android thành một nền tảng hoàn toàn mở, thay vì vẫn bị Google kiểm soát như hiện nay. Bằng cách này, hãng hi vọng sẽ có thêm nhiều lập trình viên có thể tạo ra các nền tảng và dịch vụ có tính tích hợp cao vào Android. Vị lãnh đạo này lấy Google Now là một ví dụ. Với thực trạng của Android hiện nay, không một nhà phát triển bên thứ ba nào có thể nghĩ đến việc phát triển một ứng dụng kiểu như Google Now cho hệ điều hành này.

"Chúng tôi đang phát triển một phiên bản Android mở hơn để có thể tích hợp với nhiều đối tác hơn cũng như các dịch vụ của họ. Bằng cách này, các startup không cần phải ra mắt một ứng dụng riêng, mà có thể tích hợp luôn dịch vụ của họ trên phiên bản Android của Cyanogen" - người đứng đầu công ty cho biết.

Hiện tại, Google yêu cầu các công ty như Cyanogen nếu muốn cài đặt các dịch vụ phổ biến của họ gồm Play Store, Gmail, Maps, phải chấp thuận một số yêu cầu mà Google đặt ra. Nếu không, phiên bản Android của công ty đó sẽ không có những Gmail, hay chợ ứng dụng...Và hệ quả tất yếu là sẽ chẳng ai sử dụng một hệ điều hành như vậy. Đó là cách mà Google dùng để kiểm soát Android.

Cho tới nay, chỉ có Amazon với tiềm lực mạnh mẽ là không phải nghe theo Google mà tạo cho mình một kho ứng dụng riêng. Cyanogen có vẻ cũng muốn đi theo con đường đó, xác định bước phát triển trong tương lai của họ là làm thế nào để không phụ thuộc Google. McMaster cho biết, công ty sẽ ra mắt chợ ứng dụng riêng trong 18 tháng tới. "Hiện nay, Cyanogen vẫn có sự phụ thuộc nhất định vào Google. Tuy nhiên, điều này sẽ không còn xảy ra trong vòng 3 đến 5 năm nữa" - CEO Cyanogen nhấn mạnh.

Theo ICTnews.




Bình luận

  • TTCN (0)