Năm 2014 qua đi để lại nhiều xáo trộn cho làng di động. Điện thoại Nokia chính thức về “nhà” Microsoft nhưng tình thế của Windows Phone vẫn không mấy sáng sủa. Nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới Samsung trên đà tụt dốc không phanh. Trong khi đó, Apple thắng to với iPhone màn hình lớn. Đáng chú ý là sự nổi lên của những thế lực mới đến từ Trung Quốc mà đại diện là sức trẻ Xiaomi bứt phá ngoạn mục. Và đã tới lúc số phận của những lão làng như BlackBerry và Sony trở nên chông chênh hơn bao giờ hết.

Apple thắng to với iPhone màn hình lớn

Chiến lược theo đuổi dòng sản phẩm cao cấp đem lại những trải nghiệm độc đáo cho người dùng của Apple đến nay vẫn có giá trị. Năm qua bộ đôi iPhone 6 và 6 Plus, tương ứng màn hình 4,7 inch và 5,5 inch, đã đem lại kết quả kinh doanh trong một quý cao chưa từng có cho Apple. Bộ đôi iPhone mới đã được thị trường hồ hởi đón nhận với kỉ lục 10 triệu máy được tiêu thụ chỉ trong 3 ngày đầu tiên, bằng Microsoft bán Lumia trong 3 tháng.

Tại cuộc họp báo cáo kết quả kinh doanh quý cuối năm 2014, CEO Tim Cook công bố Apple đã bán được 74,5 triệu iPhone, tăng 46% so với năm trước, góp phần lớn trong khoản doanh thu kỉ lục 74,6 tỉ USD và lợi nhuận cũng đạt kỉ lục với 18 tỉ USD của công ty. Tim Cook cho biết nhu cầu về iPhone mới đã vọt lên cao nhất từ trước tới nay.

Tim Cook đã thành công với iPhone màn hình lớn, điều mà Steve Jobs từng phản đối quyết liệt với triết lí smartphone là để dùng chỉ với một tay. Nhưng cuộc cách mạng làm mới iPhone không chỉ có vậy. Hỗ trợ LTE không còn là “đặc quyền” của Android, và việc tích hợp cảm biến vân tay Touch ID vào nút Home của iPhone kết hợp dịch vụ Apple Pay hứa hẹn làm thay đổi sâu sắc phương thức thanh toán điện tử.

Tim Cook cho biết, dịch vụ thanh toán điện tử Apple Pay của hãng đã nhận được sự hợp tác của 750 ngân hàng và tổ chức tín dụng. “2015 sẽ là năm của Apple Pay”, ông tự tin khẳng định trong buổi họp báo cáo kết quả tài chính quý vừa qua. Và nếu iPhone thực sự tạo ra được cơn sốt mới về chạm điện thoại để thanh toán đơn hàng thì có lẽ các đối thủ Android lại bị bỏ xa, như đã chậm cả năm trời vớicông nghệ 64 bit.

Xiaomi bứt phá, tạo ra hiện tượng của năm

Trở thành nhà sản xuất smartpone lớn nhất Trung Quốc, thứ ba thế giới, theo số liệu thống kê của IDC trong quý 3/2014, sự bứt phá của Xiaomi đã thành hiện tượng của năm. Năm qua, Xiaomi đã bán được 61 triệu smartphone, tăng gấp 3 con số 18,7 triệu smartphone của năm 2013, đem về khoản doanh thu 12 tỉ USD. Trong đợt huy động thành công nguồn vốn đầu tư 1,1 tỉ USD hồi cuối tháng 12/2014, Xiaomi đã được định giá 45 tỉ USD, trở thành công ty khởi nghiệp (startup) công nghệ có giá trị lớn nhất thế giới.

Chỉ mới thành lập được 4 năm, thành công Xiaomi có được là từ chính sách bán smartphone cao cấp với giá rẻ, chấp nhận lợi nhuận thấp để gia tăng thị phần nhanh chóng. Hình thức bán hàng trực tuyến, không thông qua chuỗi cửa hàng truyền thống, cũng giúp tiết kiệm đáng kể chi phí kinh doanh và quảng cáo tiếp thị.

Xiaomi có cách thức bán hàng trực tuyến khá độc đáo với số lượng máy bán ra hạn chế để thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng. Mới đây nhất, mẫu Mi Note được bán hôm 27/1 hết sạch hàng chỉ trong vòng 3 phút. Theo Xiaomi, có tới 220 triệu lượt người quan tâm đến sản phẩm trên gian hàng trực tuyến.Mi Note là mẫu phablet cạnh tranh với iPhone 6 Plus và Galaxy Note 4, nhưng giá chỉ 370 USD, chưa bằng nửa giá khởi điểm của iPhone 6 Plus.

Thường được gọi là “Apple của Trung Quốc” vì mức độ thành công và sản phẩm có thiết kế giống với Apple, Xiaomi cũng đang ra sức phát triển hệ sinh thái theo mô hình của Apple. Lợi thế của Xiaomi là xuất phát điểm từ việc phát triển phần mềm cho Android. Rom MIUI do công ty xây dựng giúp smartphone Android có giao diện và một số tính năng giống của iPhone, hiện có mặt trên 300 triệu thiết bị với 85 triệu người sử dụng trên toàn thế giới. “Hạt gạo nhỏ” đang có những bước đi khổng lồ.

Samsung tụt dốc

Samsung vẫn dẫn đầu thị trường smartphone, nhưng thị phần của hãng đã liên tục giảm những quý gần đây. Theo báo cáo của IDC, Samsung đã bán 75,1 triệu smartphone trong quý 4/2014, chỉ còn giữ 20,01% thị phần toàn cầu, giảm mạnh so với mức 28,83% thị phần của cùng kì năm trước. Đáng chú ý là trong khi toàn bộ thị trường tăng trưởng 28,2% thì Samsung lại giảm 11%.

Theo các nhà quan sát, nguyên nhân chính là các mẫu smartphone cao cấp của Samsung không còn thu hút người dùng, Galaxy S5 phải chịu lép vế trước trước bộ đôi iPhone mới quá xuất sắc. Phân khúc tầm trung và giá rẻ, Samsung đang chịu nhiều sức ép đến từ những công ty Trung Quốc có ưu thế giá rẻ và đầy tham vọng vươn lên hàng đầu thế giới như Lenovo, Xiaomi và Huawei.

Với đà gia tăng mạnh mẽ như hiện nay của các công ty Trung Quốc, khả năng thị phần của Samsung trong năm 2015 sẽ tiếp tục giảm nữa. Việc không thể trình làng Galaxy S6 tại CES năm nay có thể là khởi đầu một năm khó khăn tiếp tục cho Samsung trên chiến trường smartphone.

LG lạc quan vươn lên

Cũng như Samsung, tại CES 2015, LG tích cực quảng bá cho giải pháp nhà thông minh thay vì chú trọng vào smartphone. Tuy nhiên LG đã có quý cuối năm 2014 khởi sắc với smartphone, góp phần đem lại doanh số ấn tượng 59,6 triệu máy được bán ra trong cả năm, tăng so với 47,6 triệu máy của năm 2013.

Trong khi người đồng hương Samsung gặp khó thì thành công của LG được lí giải là nhờ công ty đa dạng hóa sản phẩm. Các mẫu LG G3, LG G3 Beat, và LG G3 Stylus đem đến nhiều lựa chọn cho người dùng khi đến với thương hiệu LG.

Bước sang năm 2015, “siêu phẩm” G Flex 2 màn hình cong và “nhân tố bí ẩn” LG G4 ra mắt muộn hơn sẽ giúp công ty tăng thêm vị thế. G Flex 2 gây ấn tượng mạnh với khách tham quan tại CES 2015, là smartphone đầu tiên của LG trang bị chip Snapdragon 810 tích hợp CPU 8 nhân 64-bit mới nhất của Qualcomm. Snapdragon 810 sẽ là con chip “phải có” của các mẫu smartphone Android cao cấp cạnh tranh với iPhone 6 trong năm nay.

Huawei - nhân tố bí ẩn

Huawei đạt doanh thu 12,2 tỉ USD trong năm 2014, là năm đầu tiên hãng vượt ngưỡng 10 tỉ USD. Dù không gây nhiều sự chú ý, nhưng đây lại là một thế lực đáng nể trên thị trường di động. Trong năm 2014, công ty đã bán được 75 triệu smartphone, tốc độ tăng trưởng tới 45% so với năm trước, và đang kì vọng cán mốc 100 triệu máy ngay trong năm nay.

Doanh số năm qua của Huawei thậm chí còn cao hơn cả Xiaomi với 61 triệu máy. Huawei đã thành công với các mẫu smartphone cao cấp như Ascend P7 và Ascend Mate 7. Thêm vào đó một số mẫu tầm trung cũng bán chạy, và đây sẽ là hướng tập trung của Huawei trong năm nay.

Việc Huawei tổ chức sự kiện riêng giới thiệu smartphone tại Hội chợ viễn thông di động quốc tế MWCvào đầu tháng 3 tới thể hiện tham vọng khẳng định vị thế của mình trong làng di động.

Microsoft trông chờ vào Windows 10

Quý cuối năm 2014 đem lại niềm vui cho Microsoft khi lần đầu tiên bán ra hơn 10 triệu chiếc Lumia. Tổng lại cả năm, doanh số bán Lumia đạt 39,7 triệu máy, chủ yếu là nhờ phân khúc tầm trung và cấp thấp. Microsoft đang theo đuổi các dòng Windows Phone giá rẻ, như hai mẫu mới Lumia 532 giá 154 USD và Lumia 435 giá chỉ 115 USD.

Sau 4 năm có mặt trên thị trường, Windows Phone vẫn chỉ loanh quanh 3% thị phần trên thị trường smartphone toàn cầu. Lí do chính được cho là bởi kho ứng dụng không thể cạnh tranh nổi với hai nền tảng iOS và Android đi trước quá xa. Microsoft đang kì vọng vào Window 10 - một nền tảng cho mọi thiết bị, khi ra mắt sẽ mang lại diện mạo và cơ hội mới cho smartphone chạy Windows.

Sony có thể bỏ smartphone vì kinh doanh bết bát

Trong một thông báo phát ra hồi đầu năm, Sony cho biết sẽ đóng cửa toàn bộ 15 cửa hàng bán lẻ Sony Store tại Canada. Tin xấu chưa dừng lại với hãng điện tử Nhật Bản. Mới đây, Reuters dẫn lại bản tin trên tờ Nikkei cho biết Sony chuẩn bị sa thải 1.000 nhân viên trong mảng kinh doanh điện thoại di động, chủ yếu tại châu Âu và Trung Quốc. Như vậy, cùng với 1.000 nhân sự được Sony tuyên bố cho nghỉ hồi tháng 10/2014, dự tính đến tháng 3/2016 công ty sẽ giảm tổng cộng 5.000 nhân viên, tương đương 30% lực lượng lao động thuộc bộ phận thiết bị di động. Mục đích là để cắt giảm chi phí.

Sony dự tính lỗ khoảng hơn 2 tỉ USD trong năm tài chính 2014, nguyên nhân chính là mảng kinh doanh di động không cạnh tranh nổi với các đối thủ. Những chiếc smartphone Xperia vẫn được đánh giá là tốt, nhưng không có những cải tiến đột phá để gây sốt trên thị trường, trong khi đó giá bán lại quá cao. Đã qua rồi thời mà nhãn hàng Nhật Bản đủ để bảo chứng cho giá cao của sản phẩm điện tử tiêu dùng.

Thua lỗ nhiều quý liên tiếp,khả năng Sony bỏ mảng kinh doanh thiết bị di động là rất lớn, như đã từng bán mảng máy tính xách tay Vaio trong năm 2014. Trước mắt chiếc Xperia Z4 sẽ không xuất hiện tại triển lãm MWC vào đầu tháng 3 tới, mà dự kiến phải đến tháng 5 mới ra mắt, cho thấy một năm trắc trở đang chờ đợi công ty phía trước.

BlackBerry cầm cự đến bao giờ?

Một năm nay, thỉnh thoảng lại có tin đồn thổi BlackBerry sẽ buộc phải bán mình. Nhưng năm 2014 qua đi và cựu hoàng smartphone vẫn trụ lại. Tháng trước bỗng rộ tin Samsung đang thương thảo để mua lại BlackBerry với cái giá 7 tỉ USD. Thông tin do Reuters phát ra, dẫn lời một nguồn tin giấu tên, nên càng tạo sự tin cậy. Tuy nhiên, ngay sau đó cả hai bên đều phủ nhận thương vụ này.

John Chen nắm vị trí CEO BlackBerry từ tháng 11/2013, đang cố gắng cứu công ty với chiến lược tập trung vào phần mềm và dịch vụ, khai thác khách hàng doanh nghiệp và cơ quan chính phủ dựa trên thế mạnh bảo mật của nền tảng BlackBerry.

Về thiết bị, năm qua hãng tung ra mẫu điện thoại cao cấp Passport màn hình vuông và mẫu tầm trungClassic, cả hai đều trang bị bàn phím cứng QWERTY. Tuy nhiên, sự thất bại của Q10 cho thấy bàn phím vật lí truyền thống không phải là cứu cánh của BlackBerry, chưa kể là màn hình vì thế khá nhỏ so với các đối thủ, nhưng điều khó khăn nhất hiện nay của công ty nằm ở kho ứng dụng.

Ứng dụng quen thuộc trên iOS và Android xuất hiện quá ít trên BlackBerry là rào cản quá lớn để người dùng bình thường đến với nền tảng này, và tình hình xem ra khó có thể được cải thiện. Vậy thì BlackBerry biết trông chờ vào đâu?

Ngoài ra, cuộc đua smartphone còn nhiều nhân tố khác, chẳng hạn Lenovo có Motorola như hổ mọc thêm cánh, HTC vẫn kiên trì theo đuổi phân khúc cao cấp, hay Asus vốn nổi danh có nhiều sáng kiến trong thiết kế, chưa kể đội quân Trung Quốc đang ngày một mạnh hơn.

2015 hứa hẹn sẽ là năm có nhiều biến động trong làng smartphone.

Theo PC World VN.




Bình luận

  • TTCN (0)