# ra đời như thế nào và được dùng để làm gì?

Đây là kí hiệu được đặt trước một từ hoặc cụm từ để giúp nhận diện những thông tin về một đề tài cụ thể nào đó một cách dễ dàng hơn trên các trang xã hội như Twitter, và hashtag là từ mà chúng ta vẫn thường nghe để chỉ điều này.

Tuy nhiên, có một điều ít ai biết là ngay cả Twitter lúc đầu cũng không chấp nhận ý tưởng này của Chris Messina, một thành viên từ thưở ban đầu của dịch vụ này. Messina đề xuất sử dụng biểu tượng trên, và dĩ nhiên là chức năng của nó, như là một cách để cho phép người dùng Twitter sàng lọc những dòng cập nhật liên tục. Khi được gắn vào trước một từ hay cụm từ nào đó, biểu tượng này sẽ có chức năng như một đường dẫn sang thông tin đó khi người dùng nhấp vào.

Cuối cùng thì Twitter cũng “thức tỉnh”. Đó là vào năm 2007. Ngày nay, hashtag không chỉ là một kí hiệu được dùng rộng rãi trên các trang xã hội mà đã phát triển thành những ngành kinh doanh hoàn toàn mới.

Trở thành công cụ hái ra tiền trên Internet

Josh Decker, CEO và cũng là nhà sáng lập của công ty Tagboard, cho biết: “Chúng tôi đặt cược tất cả vào hashtag”. Được thành lập vào năm 2011, Tagboard dùng hashtag để cho phép người dùng theo dõi những cuộc nói chuyện bằng cách tổng hợp những dòng thông tin đã đăng trên 6 trang mạng xã hội lớn nhất hiện nay-- Twitter, Instagram, Facebook, Google Plus, Vine and Flickr – chỉ trên một trang. Các hãng tin tức lớn như BBC cũng sử dụng công nghệ này ở các sân vận động và trên website của họ.

Bất kì ai cũng có thể sử dụng chức năng này miễn phí trên “sân chơi” của Tagboard (dĩ nhiên ở mức cơ bản), nhưng các doanh nghiệp thì có thể phải trả tiền cho những dịch vụ như nhúng trang Tagboard vào website của công ty mình hay sử dụng hashtag hơn một lần.

Đến nay Tagboard đã có 1.000 khách hàng, gồm cả Samsung, Microsoft, Audi và Nike. Và họ đã có được một người hỗ trợ quan trọng: Chris Messina. Anh gia nhập ban lãnh đạo công ty hồi tháng 6 năm ngoái.

Decker lấy Super Bowl làm ví dụ về sự tăng trưởng mạnh của hashtag. Vào năm 2012, 7% các mẩu quảng cáo của Super Bowl là có hashtag. Vào năm 2014, con số này là 58%. Dù rằng chưa có lợi nhuận nhưng số lượng người dùng và doanh thu của Tagboard đã tăng 6 lần từ giai đoạn 2013 đến 2014.

Công việc kinh doanh của Decker và những công ty khác, như Hashtagify ở nước Anh, đang nhắm đến mục tiêu là lấp đầy một thị trường vẫn còn rộng mở.

Sree Sreenivasan, người phụ trách mảng kĩ thuật số của bảo tàng Met, hiện đang huấn luyện cho các chuyên gia sử dụng những phương tiện truyền thông kĩ thuật số, phát biểu: “Đó là điều đòi hỏi nhiều sự am hiểu. Tôi không nghĩ là chúng ta đã đạt đến mức ai cũng hiểu nó là cái gì.” Ông cũng nói rằng trong năm nay, mọi cuộc triển lãm của bảo tàng Met đều sẽ có hashtag riêng của nó.

Và trong ngành thời trang

Việc lạm dụng biểu tượng này – và đôi khi là dùng sai – đã trở thành chủ đề của những cuộc chế giễu trong nền văn hóa đại chúng. Tự bản thân nó đã trở thành một cơ hội kinh doanh lớn.

Những thương hiệu như Kate Spade đã giới thiệu biểu tượng này trên các túi xách và những phụ kiện công nghệ. Kate Spade từ chối đưa thêm lời bình luận khi được hỏi về chuyện trên.

CafePress, một website chuyên bán quà tặng, quần áo, và áo thun tự thiết kế, hiện cũng có 189.000 món hàng mang biểu tượng hashtag (trong số hơn 1 tỉ mẫu do khách hàng tạo ra).

Theo Sarah Segal, giám đốc bộ phận đối ngoại của công ty, doanh số của những sản phẩm có liên quan đến hashtag đã tăng mạnh kể từ năm 2009. Phổ biến nhất trong số này là chiếc áo thun có in kí hiệu # một cách đơn giản. Những mẫu phổ biến khác còn có #YOLO, #Swag, #NoFilter, #Bestie và #Selfie.

Segal cho biết: “Chúng tôi vẫn còn đang theo dõi sự thay đổi của những thứ đang trở thành xu hướng này”, và bà từ chối tiết lộ doanh số cụ thể.

Bow & Drape, một công ty thời trang ở New York chuyên cho phép phụ nữ tùy chỉnh những món quần áo đơn giản, cũng đang tham gia vào xu thế này. Theo người đồng sáng lập của công ty, Aubrie Pagano, doanh số của những món hàng có in biểu tượng hashtag đã tăng trung bình 212% mỗi tháng kể từ lần ra mắt đầu tiên hồi tháng 9 năm ngoái.

Dường như thời của hashtag đã đến như lời “cha đẻ” nó, Chris Messina: “Nó đã thoát khỏi vẻ ngoài nhàm chán của mình và giờ đây đang xuất hiện phổ biến trên thế giới.”

Theo Infonet.




Bình luận

  • TTCN (0)