Siêu cuồng phong

Trong một phim hoạt hình nhiều tập tại Nhật Bản, hàng loạt siêu cuồng phong tấn công địa cầu, khiến 5 tỉ người chết, phá hủy mọi nền kinh tế và chính quyền.

Về mặt lí thuyết, một giáo sư của Viện Công nghệ Massachussetts tại Mỹ khẳng định rằng những siêu cuồng phong có khả năng hủy diệt nền văn minh phải hình thành ở độ cao từ 64 km trở lên và di chuyển với tốc độ hơn 965 km/h, Science Daily đưa tin. Nó phải lớn hơn ít nhất 8 lần cơn bão khủng khiếp nhất từng xuất hiện trên trái đất, còn tốc độ gió phải lớn hơn ít nhất hai lần. Một cơn bão như thế sẽ hủy diệt mọi thứ mà nó gặp.

Siêu cuồng phong có thể xảy ra nếu nhiệt độ nước trong một khu vực lớn trên đại dương (với chiều rộng từ 65 tới 80 km) đạt tới mức 48,8 độ C. Vấn đề là hàng loạt siêu cuồng phong, chứ không phải một, sẽ xuất hiện khi những điều kiện cần thiết xuất hiện. Không chỉ tàn phá những thành phố dọc bờ biển, chúng còn có thể vọt lên tầng bình lưu và mang hơi nước tới tầng ozone. Sự xuất hiện của hơi nước sẽ khiến toàn bộ tầng ozone biến mất trong vòng một tuần. Những người thoát chết sau những trận siêu cuồng phong nên sống dưới lòng đất và hi vọng tầng ozone sẽ xuất hiện trở lại.

Bão lửa toàn cầu

Ảnh
Nếu một thiên thạch lao trúng trái đất, nhiệt độ của bầu khí quyển có thể lên tới 1.500 độ C - đủ nóng để hủy diệt mọi thứ trên bề mặt hành tinh. Ảnh: Science Daily.

Trong These Final Hours - một phim viễn tưởng của Australia, sau khi một thiên thạch lao xuống phía bắc Đại Tây Dương, một cơn bão lửa khổng lồ bao trùm kín trái đất. Những người trên bán cầu đối diện với Đại Tây Dương cố gắng tận hưởng 12 giờ cuối cùng trong cuộc đời trước khi bão lửa ập xuống đầu họ.

Vụ va chạm giữa thiên thạch và trái đất là bối cảnh của nhiều phim tận thế. Nhưng điểm khác biệt lớn nhất của These Final Hours chính là bức tường lửa khổng lồ nuốt dần trái đất. Một thảm họa như thế có thể xảy ra hay không? Nhiều nhà nghiên cứu khẳng định bão lửa toàn cầu là hiện tượng có thể xuất hiện.

Khi nghiên cứu sự tuyệt chủng của khủng long, phần lớn nhà khoa học tin rằng chúng biến mất sau khi một thiên thạch va chạm với trái đất ở vị trí thuộc Mexico ngày nay. Viên đá trời khổng lồ tạo ra Hố Chicxulub với chiều rộng lên tới 180 km. Tuy nhiên, giới nghiên cứu vẫn tranh cãi về vai trò của thiên thạch đối với sự tuyệt chủng của khủng long.

Một nhóm chuyên gia của Đại học Colorado-Boulder tại Mỹ đã thực hiện một thử nghiệm để chứng minh rằng bão lửa toàn cầu xuất hiện sau khi thiên thạch lao xuống trái đất, Livescience đưa tin. Họ mô tả rằng khi trái đất và thiên thạch va chạm, những mẩu đá, cát văng lên trên không rồi rơi xuống. Do cọ xát với không khí, chúng trở nên rất nóng và khiến nhiệt độ trong bầu khí quyển tăng lên tới 1.500 độ C. Những luồng không khí cực nóng chuyển động theo dạng sóng, phá hủy mọi thứ mà chúng gặp trong vòng chưa tới 12 giờ.

Nguy cơ tận thế vì thiên thạch có thể xảy ra hay không? Giới thiên văn cảnh báo rằng 1950 DA, một thiên thạch có chiều dài khoảng 1.000 m, có thể đâm trúng địa cầu trong tương lai. Nếu vụ va chạm như thế diễn ra, nó sẽ gây nên vụ nổ có sức công phá tương đương 44.800 triệu tấn thuốc nổ TNT. Nhưng tin tốt là 1950 DA chỉ có thể va chạm với trái đất vào ngày 16/3/2880. Nhưng ngay cả khi thời điểm đó tới, xác suất để nó va chạm với hành tinh xanh cũng chỉ là 1/4.000.

Mặt trời chết

Vào năm 2057, những hạt mang tên “bóng Q” xâm nhập mặt trời và “ăn” lõi của nó. Thực trạng ấy khiến mặt trời trở thành thiên thể chết. Đó là nội dung chính của một bộ phim viễn tưởng mang tên Sunshine. Brian Cox, một trong những nhà vật lí lừng danh trên thế giới, khẳng định rằng những hạt như “bóng Q” có thể tồn tại, mặc dù khả năng lõi mặt trời biến mất bởi một tác động từ bên ngoài rất khó xảy ra.

Giới khoa học nhất trí rằng mặt trời sẽ chết sau 5 tới 7 tỉ năm nữa. Nếu nó chết dần, vấn đề đầu tiên mà nhân loại hứng chịu là lượng ánh sáng mặt trời giảm dần. Hiện tại tình trạng ấy đang diễn ra. Trên thực tế, trong khoảng thời gian từ năm 1950 tới năm 1990, lượng ánh sáng mặt trời lọt xuống bề mặt trái đất giảm 1-2% mỗi thập kỉ ô nhiễm không khí. Những hạt siêu nhỏ trong không khí cản trở ánh sáng mặt trời, khiến chúng khúc xạ trở lại không gian chứ không xuống mặt đất.

Nếu lượng ánh sáng mặt trời tới trái đất giảm, bán cầu bắc sẽ lạnh dần khiến nước bay hơi chậm hơn. Lượng hơi nước trong khí quyển càng thấp thì lượng mưa hàng năm sẽ giảm, khiến nguy cơ hạn hán và mất mùa tăng. Giới nghiên cứu nhận định đây là nguyên nhân gây nên đợt hạn hán kỉ lục khiến vài nghìn người trong vùng phụ cận sa mạc Sahara ở châu Phi chết trong thập niên 70 và 80.

Nhưng điều trớ trêu là, nhiệt độ trung bình của trái đất vẫn tiếp tục tăng mặc dù lượng ánh sáng mặt trời giảm bởi tác động của những khí gây hiệu ứng nhà kính trong không khí. Nhiệt độ trên bề mặt trái đất sẽ tăng trong một khoảng thời gian nhất định trước khi giảm dần và một ngày nào đó chúng ta sẽ bước vào kỉ nguyên băng hà nếu tình trạng ô nhiễm không khí vẫn tăng.

Trong trường hợp mặt trời ngừng chiếu sáng ngay lập tức, trái đất sẽ không nguội ngay. Nhưng trong vòng một tuần nhiệt độ trên địa cầu sẽ chỉ còn khoảng -17 độ C. Trong vòng một năm nhiệt độ sẽ giảm tới mức -73 độ C khiến bề mặt các đại dương đóng băng. Để tồn tại, loài người phải chui vào các tàu ngầm để sống bên dưới lớp băng của đại dương. Nếu không có tàu ngầm, bạn chỉ còn một lựa chọn duy nhất: Tới Iceland để sưởi ấm nhờ các nguồn địa nhiệt khổng lồ trong lòng đất.

Theo Zing.




Bình luận

  • TTCN (0)