Theo một người chủ cửa hàng điện tử ở Machida, Tokyo, một người đã bán hàng điện tử của các hãng như Toshiba, Hitachi, Sharp, National, Panasonic và Sony trong hơn 40 năm, chất lượng sản phẩm Sony đã giảm sút trong nhiều năm qua. “Samsung đã vượt mặt Sony, đặc biệt ở mảng Ti vi”.

Một số chuyên gia nói rằng không giống như các công ty điện tử Hàn Quốc, các hãng Nhật Bản luôn đi đầu trong việc phát triển các sản phẩm mới. Sáng tạo luôn cần thời gian và rất tốn kém, nhưng trong thời kì vàng son, các kĩ sư Sony được tự do làm gì họ muốn, họ tập trung vào những công nghệ siêu thực hoặc khó thương mại hóa. Sony rất khuyến khích phát triển công nghệ mới. Nền văn hóa doanh nghiệp của Sony là “tự do và cởi mở”.

Yasunori Tateishi là một tác giả đã viết nhiều cuốn sách về Sony, trong đó có những cuốn mang tựa đề như: Sony: The Inside Story (Sony: câu chuyện bên trong). Ông còn được nhiều nhà báo khác gọi đùa là “Mr Sony”. Ngày 11/11/2011, Tateishi xuất bản cuốn “Sayonara, Our Sony” (Tạm biệt, Sony của chúng ta). Cuốn sách này miêu tả khá chi tiết, thuyết phục về việc CEO Idei và Stringer đã có những chính sách khiến Sony bị “tê liệt”.

Ngày 1/4/2012, ông Howard Stringer từ chức CEO Sony và ông Kazuo Hirai trở thành chủ tịch kiêm CEO của Sony vào ngày 5/4/2012. Theo ông Tateishi, vấn đề của Sony “không chỉ là vấn đề với riêng ông Hirai, mà với toàn bộ công ty từ thời CEO Idei”.

Ai đã “giết” Sony? Câu hỏi ngắn ngủi và đơn giản nhưng câu trả lời lại không hề đơn giản một chút nào. Theo Tateishi, một phần rắc rối của Sony nằm ở sự đa dạng. Người ta không còn hiểu rõ ràng Sony thực sự là công ty gì. Ở Nhật Bản, Sony là hãng điện tử tiêu dùng, nhưng ở Mỹ, theo cựu CEO Stringer, Sony lại là gương mặt của Người Nhện – là một công ty giải trí; và với nhiều nước khác, Sony có thể được xem là một công ty game – hãng sản xuất máy chơi game PlayStation. Có phải tất cả chỉ có thế?

TV Hàn Quốc giá rẻ hơn đã đánh bại Sony

Ti vi Sony luôn được định hình trong suy nghĩ của người tiêu dùng là một sản phẩm chất lượng cao. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người Việt Nam cũng từng luôn ví von “nét như Sony”. Tuy nhiên, đó là cách đây 20 năm. “Ti vi Sony có chất lượng rất tốt, hình ảnh rất đẹp”, một người bán hàng điện tử ở Tokyo nói. “Nhưng ngày nay, chất lượng đã đi xuống”. Một vấn đề nữa là trước đây, giá TV Sony rất đắt. Bây giờ, không ai trả mức giá cao như thế để mua Ti vi mới. “Sự thật là giá Ti vi đã giảm nhiều do sự cạnh tranh của các sản phẩm Hàn Quốc rẻ hơn”.

“Nói một cách công bằng, khi nhìn vào chất lượng màn hình, sản phẩm Nhật Bản vẫn tinh tế hơn sản phẩm Hàn Quốc. Nhưng giá Ti vi của Samsung hay LG rẻ hơn, và đó chính là điểm mạnh. Ngoài ra, chăm sóc sau bán hàng cũng là một vấn đề. Sản phẩm Sony có tuổi thọ cao hơn. Tôi nhận được phản hồi từ khách hàng rằng sản phẩm Samsung dễ hỏng hóc hơn. Tôi có thể đảm bảo rằng Ti vi Sony có tuổi thọ ít nhất 10 năm”, người chủ cửa hàng nói.

Quả thật, trước đây, khẩu hiệu của các công ty Nhật là sản phẩm của họ phải có tuổi thọ “ít nhất 10 năm”. Người Nhật cũng từng rất tin tưởng vào thông tin “Made in Japan”. “Ngày này, chúng tôi thường phát hiện lỗi trong khâu lắp ráp. Tôi nghe nói những khâu hoàn thiện sản phẩm và quá trình xác nhận chất lượng luôn rất khắt khe tại Nhật, khắt khe hơn những nước khác”, một chủ cửa hàng điện tử ở Tokyo nói. “Sony vẫn dẫn đầu ở mảng audio, nhưng Ti vi thì đang tụt hạng. Ti vi Sony vào những năm 1970 và 80 thực sự là những sản phẩm tốt, và bán rất chạy”.

“Đối với máy tính, những người đã từng dùng sản phẩm Sony ngay từ đầu sẽ tiếp tục mua của Sony. Nhưng hiện nay, máy tính Toshiba cũng bán rất chạy. Nói thật ra, điều này cũng phụ thuộc nhiều yếu tố. Những người thích thiết kế của máy tính Toshiba, chất lượng linh kiện cũng tốt, giá cũng không đắt hơn, vì thế sản phẩm Toshiba bán tốt hơn”.

Các hãng Nhật Bản mất dần vị thế lãnh đạo

Sony được cho là đã thực hiện các cuộc nghiên cứu nội bộ về tỉ lệ lỗi trên các sản phẩm của họ và phát hiện ra rằng sản phẩm của Sony có độ bền lâu hơn nhiều so với đối thủ. Tuy nhiên, không hiểu từ đâu một số người tiêu dùng Nhật Bản lại có niềm tin trái ngược. Theo trang web của Japan Subculture Research Center, người Nhật vẫn truyền nhau câu chuyện về “the Sony Timer”. The Sony Timer là gì? Đó là những đồn đại cho rằng mỗi sản phẩm mà Sony tạo ra đều được cài sẵn chương trình tự phá hủy, nghĩa là sau một khoảng thời gian sử dụng, thường là khi hết hạn bảo hành, sản phẩm sẽ bị hỏng hóc, buộc người dùng phải mua sản phẩm mới. Không rõ lời đồn đại này đúng hay không, song nhiều người tin đó là sự thật.

Tuy nhiên, theo nghiên cứu, sự thật là để giảm chi phí, các công ty Nhật Bản trong đó có Sony đã sản xuất sản phẩm ở nước ngoài, như ở Thái Lan hay Trung Quốc. Đó là lí do tại sao sản phẩm của họ không còn mác “Made in Japan” nữa. Rất khó để hướng dẫn người nước ngoài cách lắp ráp từng linh kiện. Điều này được cho là nguồn cơn của những đồn đại về "the Sony Timer".

Cách đây 2 năm, nếu muốn tìm một chiếc Ti vi Nhật Bản được sản xuất hoàn toàn tại Nhật, có thể chỉ còn những model Kageyama của Sharp. Nói về giá, chúng đắt hơn một chút, nhưng chúng hoàn toàn là hàng “Made in Japan”. Thậm chí Panasonic cũng có nhà máy ở nước ngoài. Nếu các linh kiện được sản xuất ở nước ngoài, nhưng sản phẩm cuối cùng lắp ráp tại Nhật, bạn có thể nói chúng là hàng “Made in Japan”. Chi phí đắt đỏ, nên các công ty thường sản xuất ở nước ngoài và lại nhập về Nhật Bản. Vẫn có một số lượng khán giả ít ỏi, khó tính chuộng hàng “Nhật xịn”, sẵn sàng trả giá cao hơn để sở hữu sản phẩm, nhưng Sony có vẻ đã mất đi những khán giả này.

Theo Hasegawa, một người từng viết sách về Sony và có nghiên cứu sâu về Sony, trước đây, người tiêu dùng Nhật Bản yêu thích các sản phẩm Nhật. “Nhưng gần đây, thị trường Nhật mở hơn và thị hiếu của người Nhật cũng thay đổi. Người Nhật từng chỉ thích Sony hay Toshiba, nhưng giờ họ so sánh các sản phẩm, và đôi khi họ chọn những sản phẩm nhập khẩu của nước ngoài”, ông nói.

“Thị trường toàn cầu đang phát triển nhanh, thậm chí các công ty Hàn Quốc hay Trung Quốc cũng có thể sản xuất những sản phẩm chất lượng cao mà trước đây chỉ có công ty Nhật mới thành công. Nhưng gần đây, tốc độ sáng tạo đi rất nhanh, vì thế Nhật mất dần vị thế lãnh đạo”, Hasegawa giải thích.

Theo ICTnews.




Bình luận

  • TTCN (0)