Xu thế của truyền hình OTT sẽ là truyền hình tương tác, truyền hình đa phương tiện và cá thể hóa nội dung hiển thị. Ảnh: Internet.

Dịch vụ truyền hình được truyền dẫn trên nền tảng Internet băng rộng hoặc 3G (truyền hình IPTV hay còn gọi là OTT) không còn là khái niệm xa lạ với người dùng Việt Nam. VTVcab là đơn vị đầu tiên cung cấp dịch vụ OTT với thương hiệu VTV Plus từ đầu năm 2013, sau đó là tới FPT Telecom cũng tung ra dịch vụ FPT Play từ tháng 10/2013, kế đó VTC cũng chính thức cung cấp dịch vụ ZTV, MyTV tung ra dịch vụ MyTVNet, VNPT cũng cung cấp dịch vụ qua thiết bị Android TV Box từ cuối năm 2013. Cuối năm 2014, SCTV cũng chính thức tham chiến khiến cho thị trường truyền hình OTT.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, khả năng truyền dẫn tín hiệu truyền hình trên nền Internet sẽ khiến thị trường truyền hình OTT bùng nổ trong những năm tới đây. Bởi nếu để cung câp dịch vụ truyền hình cáp việc đầu tư xây dựng hạ tầng rất lớn, VTVcab hay SCTV trong gần 20 năm mới đạt con số gần 2 triệu thuê bao. Trong khi đó cộng đồng khách hàng Internet ở Việt Nam đã lên tới gần 30 triệu hộ gia đình, chưa kể đến các kết nối Internet không dây qua mạng 3G và sắp tới là 4G có xu thế phát triển rất mạnh trong những năm tới. Nếu giữa các nhà cung cấp nội dung truyền hình và nhà mạng có thể bắt tay để đưa các nội dung đến với người dùng thì truyền hình OTT sẽ bùng nổ trong những năm tới.

Truyền hình OTT còn có ưu điểm là đảm bảo dịch vụ truyền hình kết nối với khách hàng không chỉ qua màn hình tivi mà còn qua các thiết bị khác như: máy tính bàn, máy tính bảng và điện thoại thông minh. Tuy nhiên, xu hướng xem truyền hình trên đa màn hình cũng đòi hỏi khác biệt về mặt nội dung so với truyền hình truyền thống. Người xem truyền hình không còn đơn thuần chỉ là xem các chương trình sẵn có trên truyền hình nữa, mà họ còn muốn tương tác nhiều hơn với nội dung mà họ yêu thích như like, share cho bạn bè, bình luận, mời bạn bè cùng xem, hoặc ở một mức độ cao hơn có thể nhúng các chương trình họ yêu thích vào một nội dung nào đó.

Theo ý kiến của nhiều người, xu thế của truyền hình OTT sẽ là truyền hình tương tác, truyền hình đa phương tiện và cá thể hóa nội dung hiển thị, đây là một xu thế không thể đảo ngược. Theo một số liệu nghiên cứu mới đây, trong năm 2014, 90% lượng truy cập Internet trên toàn cầu là video, riêng mạng Netflix (Mỹ) có 30% kết nối video.

Đây chính là lí do khiến các mạng chia sẻ video như Youtube đã rất thành công trong năm qua. Truyền hình OTT có xu hướng phát triển bởi cộng đồng khán giả ngày càng yêu thích những dịch vụ online hơn. Trên Internet, khách hàng sẽ tìm kiếm những nội dung mà họ yêu thích để xem theo ý mình, do đó, kì vọng phát triển dịch vụ video rất lớn. Hiện ở Việt Nam các nhà đài lớn như VTC, VTV đều đã có kênh chia sẻ nội dung riêng trên Youtube.

Hầu hết các nhà cung cấp truyền hình trả tiền đều cho rằng, tìm kiếm và xem video trên Internet là xu hướng không thể đảo ngược được của truyền hình OTT trong tương lai. Câu hỏi đặt ra là thị trường Việt Nam đã sẵn sàng thương mại hóa dịch vụ OTT hay chưa?

Đứng ở góc độ nhà cung cấp dịch vụ kết nối, nhà mạng viễn thông đương nhiên rất muốn tăng thêm doanh số trên cùng một sợi dây đến người dân, nên nhà mạng sẵn sàng kết nối dịch vụ OTT đến với khách hàng để tăng hiệu quả đầu tư.

Các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình nhìn thấy kết nối Internet là một cộng đồng rất lớn, băng thông ngày càng rộng, chất lượng ngày càng cao. Họ có thêm cơ hội kết nối với cộng đồng khán giả mới trên nền tảng đa màn hình, cùng một nội dung xem trên nhiều màn hình sẽ tăng lượng khán giả, vươn đến lượng khá giả rộng hơn trên cùng một kết nối băng rộng.

Điều này chỉ còn phụ thuộc vào việc nhu cầu sử dụng của khách hàng thế nào và họ đã sẵn sàng trả phí để tải các video hay sử dụng dịch vụ truyền hình tương tác đến đâu? Câu trả lời lại nằm ở chỗ nhà cung cấp hạ tầng phải cải tạo để tăng chất lượng truyền video, mới có khả năng thu tiền của khách hàng. Nhà cung cấp dịch vụ truyền hình phải đối mặt với thói quen nghe xem, ai hiểu nhu cầu khách hàng, cung cấp những nội dung đúng thị hiếu khán giả người đó sẽ thắng.

Ở một góc độ khác, OTT thường được hiểu là truyền hình không cần đầu tư hạ tầng, nhưng thực chất nhà mạng phải đầu tư rất nhiều tiền cho hạ tầng băng rộng, cho nên nếu các nhà cung cấp nội dung muốn có chất lượng tốt phải có hợp đồng với nhà mạng hoặc có một thỏa thuận hợp tác kinh doanh dịch vụ để đảm bảo băng thông sẽ có chất lượng truyền hình tốt hơn. Còn trong trường hợp OTT cứ chạy miễn phí trên hạ tầng của nhà mạng phải chấp nhận tín hiệu lúc được lúc mất.

Bên cạnh đó, các nhà cung cấp dịch vụ nội dung OTT đang chờ một hành lang pháp lí rõ ràng. Bởi nếu OTT không được kiểm sóat chất lượng, không có những quy định về bản quyền các nhà cung cấp nội dung sẽ rất e ngại không dám đầu tư cung cấp nội dung lên Internet. Việc vi phạm bản quyền nội dung trên Internet quá dễ dàng, một video vừa đăng lên có khi đã bị mang link đi dán khắp nơi, trong khi các đầu tư bài bản có thể tốn nhiều triệu USD.

Đối với việc thương mại hóa dịch vụ OTT ở Việt Nam: Công nghệ truyền dẫn cũng như khả năng cung cấp nội dung đã sẵn sàng, chỉ còn phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng của người dùng và khả năng sẵn sàng trả phí của họ đến đâu mà thôi.

Theo ICTnews.




Bình luận

  • TTCN (0)