Chiếc smartphone của bạn có thể mạnh mẽ như một chiếc máy tính, nhưng vẫn … bị giới hạn rất nhiều so với máy tính. Bạn chỉ có thể cài đặt ứng dụng cho smartphone từ kho ứng dụng chính thức. Sự lựa chọn của bạn bị giới hạn trong một số ít những ứng dụng "đã được phê duyệt". Hiện tượng này trái ngược hoàn toàn với những lựa chọn vô biên của máy tính. Chính tại đây, những chiếc điện thoại jailbreak đã ra đời.

Bởi vì – chiếc điện thoại muốn hạn chế sự tự do của bạn. iOS hạn chế các ứng dụng của bên thứ ba, còn Android mặc định loại bỏ các ứng dụng này. Nhưng bạn có thể gỡ bỏ những rào cản này bằng cách dùng một vài bước "vọc vạch" sáng tạo để "root" điện thoại Android, hoặc "jailbreak" iDevice. Như vậy, bạn sẽ thoải mái khám phá thế giới ứng dụng kì diệu, rộng mở (nhưng đôi khi nguy hiểm) mà Apple, Android và các nhà cung cấp mạng khác không cho phép bạn làm.

"Root" điện thoại là việc "chiếm" quyền truy cập gốc cho người dùng thiết bị, giúp chúng ta có thể toàn quyền kiểm soát và truy cập vào smartphone hay tablet, biến quyền sử dụng của người dùng từ "user" thành "admin". Thuật ngữ "root" thường được áp dụng trên điện thoại, máy tính bảng Android.

Trong khi đó, "jailbreak" lại là thuật ngữ dành riêng cho hệ điều hành iOS (và đôi khi là Windows Phone). Jailbreak là quá trình "vượt ngục" cho thiết bị của bạn trước những giới hạn mà nhà sản xuất đặt ra. Với một nền tảng khá "đóng" như iOS, việc jailbreak cũng giống như Root, mang đến khả năng truy cập gốc cho người dùng và thực hiện những thay đổi mà vốn dĩ chỉ nhà sản xuất mới làm được.

Tuy nhiên, khi các hệ điều hành di động phát triển, đối với một người dùng bình thường, rủi ro của việc jailbreak đang lấn lướt lợi ích. Hệ điều hành di động ngày càng trở nên dễ sử dụng, có đầy đủ tất cả các tính năng bạn cần, jailbreak chỉ còn hữu ích với các nhà phát triển hoặc những người dùng cực am hiểu. Còn lại hầu hết người tiêu dùng không còn cần jailbreak điện thoại của họ nữa.

Smartphone đang là mục tiêu lớn của mã độc

Trong thực tế, khi người dùng jailbreak điện thoại của họ, họ có thể bị "phơi nhiễm" vào những khó khăn mà chính họ không thể giải quyết được. Theo hãng bảo mật Sophos, sự bùng nổ của các malware trên smartphone cũng tương tự như với malware trên PC, thậm chí còn cao hơn. Trong chỉ 18 tháng, smartphone đã đạt đến mức độ lây nhiễm malware cao hơn cả PC trong 15 năm.

Các biến thể mã độc điện thoại bao gồm SMS trojan – tức là vi rút của smartphone tự động gửi hàng loạt tin nhắn mà bạn không hề hay biết; hoặc mã độc trên iOS cố tình lấy cắp mật khẩu và Apple ID của người dùng; hoặc hiện tượng các ứng dụng Android sử dụng quyền truy cập gốc để cài đặt mã độc lên smartphone.

"Bạn không thể hình dung nổi điều đó, kẻ xấu luôn cố tình tìm kiếm mọi cách đột nhập vào hệ thống và gây tổn thương", Satnam Narang, một quản lí bảo mật của hãng Symantec nói. "Quá trình này diễn ra trong nhiều năm, các nền tảng trưởng thành hơn và các nhà phát triển của những ứng dụng độc hại cũng thông minh hơn, nên chắc chắn chúng có rất nhiều cơ hội. Và ở đâu có cơ hội, ở đó những kẻ xấu xa sẽ xuất hiện".

Một báo cáo về tình trạng bảo mật số cho thấy các nguyên nhân tại sao mã độc di động tiếp tục gia tăng. Các kho ứng dụng của bên thứ ba bắt chước quy trình click-và-cài-đặt tương tự như iTunes hay Google Play, nhưng lại không giám sát chặt chẽ thực chất các ứng dụng trong kho là gì. Các nhà phát triển mã độc giấu mã độc bên trong các ứng dụng có vẻ không độc hại – một khi bạn cài đặt những ứng dụng này, kẻ địch có thể tiếp cận mọi thứ trong smartphone của bạn. Nếu điện thoại của bạn chưa root, bạn ít khi gặp các mối nguy hiểm này hơn.

"Trên iPhone, một khi đã jailbreak, thiết bị của bạn sẽ bị ảnh hưởng và dễ bị chiếm quyền điều khiển từ xa", Wisniewski nói. "Bất kì ứng dụng nào bạn tải lên thiết bị dều có đặc quyền làm bất cứ gì. Nó không cần phải hỏi ý kiến của bạn, bạn hoàn toàn "trần trụi" trước mọi nguy cơ".

Tại những nơi như Nga và Trung Quốc, sự hiện diện chính thức của Google bị hạn chế, do vậy thị trường đầy ở đây rẫy các thiết bị được root sẵn, tùy biến với nhiều kho ứng dụng bên thứ ba. Đó chính là "ổ dịch" của mã độc Android, và hậu quả là các thiết bị Android đã root máy trên khắp toàn cầu đều bị ảnh hưởng.

Để giúp giải quyết một số vấn đề này, Google đã hợp tác với các hãng bảo mật và các nhà phát triển để tạo ra các ứng dụng chống vi rút. Nhưng một ứng dụng chống vi rút sẽ không bảo vệ người dụng khỏi mọi thứ.

Hệ điều hành đi dộng ngày càng tùy biến và mạnh mẽ

Vậy, người dùng bình thường có thực sự cần root hay jailbreak smartphone nữa không? Những người dùng iPhone với hệ điều hành iOS phiên bản cũ (trước iOS 8) không thể sử dụng bàn phím của bên thứ ba mà không bẻ khóa hệ điều hành. Trước đây, bạn phải jailbreak để có thể thực hiện những động tác đơn giản như mở nhanh menu cài đặt, hoặc các folder. Nhưng hiện nay, iOS đã phát triển, tiện dụng hơn với hầu hết, nếu không muốn nói là với tất cả những mong muốn này. Vì thế, lí do để jailbreak iPhone trở nên ít hơn, mang tính đặc thù hơn.

Trên Android, nền tảng mà hacker thường lợi dụng, cũng đã trở nên hoàn thiện hơn. Chẳng hạn, phiên bản Android của LG đã phát triển lớn sau những trục trặc phần mềm trên G2. Samsung cũng đã đưa TouchWiz lên Galaxy S5, và nhiều tin đồn là cả trên mẫu S6. Trong khi đó, Motorola cũng đang đưa các mẫu smartphone ứng dụng Android cơ bản, nghĩa là một số ứng dụng mới sẽ thực sự gia tăng thêm giá trị cho thiết bị. Tất nhiên, vẫn có một số ứng dụng của hãng viễn thông và nhà sản xuất cài sẵn theo máy rất khó chịu và không thể xóa nổi, trừ phi bạn root máy và chấp nhận đối mặt với đủ loại hiểm nguy bên ngoài. Nhưng có lẽ rất ít người chấp nhận liều lĩnh như thế.

Root hay jailbreak điện thoại đã hết thời?

Tuy vậy, ý kiến jailbreak và root smartphone vẫn tồn tại. Các nhà phát triển ứng dụng jailbreak vẫn tiếp tục sáng tạo ra nhiều cách mới để những thiết bị bẻ khóa vẫn hơn hẳn các thiết bị chính thống, những tính năng đó có thể trở thành "chuẩn" cho hàng triệu người dùng iOS 9, iOS 10, Android 6.0, Android 7.0... và sau đó nữa.

Bẻ khóa, vượt rào để tiếp cận đến giá trị đích thực của một chiếc smartphone từng là hành vi "không phải nghĩ" với người dùng. Nghĩa là, nếu mua smartphone mà không root hay không jailbreak thì bạn đã bỏ nhỡ mất vô số cơ hội hay ho để khám phá thiết bị. Nhưng với tình hình mã độc ngày càng phức tạp, smartphone ngày càng lưu giữ những thông tin quan trọng, nhạy cảm, và với việc Google, Apple cùng các nhà sản xuất smartphone đang hoàn thiện phần mềm, thì việc root hay jailbreak chỉ còn xứng đáng với những ai thực sự "cuồng" smartphone. Root hay jailbreak không còn là giải pháp để có thêm một vài tính năng bị thiếu trên điện thoại nữa.

Cuối cùng thì, tất cả vẫn là tùy thuộc vào bạn có muốn root hay jailbreak điện thoại không, và nếu bạn chấp nhận đi vào con đường này, tốt nhất bạn vẫn cần biết rõ mình đang đi đến đâu.

Theo VnReview.




Bình luận

  • TTCN (0)