Ông César Cernuda, Chủ tịch Microsoft khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Theo ông César Cernuda, Chủ tịch Microsoft khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam là thị trường mới nổi quan trọng đối với Microsoft tại Đông Nam Á và có tiềm năng tăng trưởng lớn. Do đó, hãng này mong muốn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước thông qua chương trình YouthSpark của tập đoàn.

Tại lễ công bố chương trình YouthSpark ngày 24/3 ở Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông chia sẻ: "Việc hiện thực hóa tầm nhìn trở thành một nước CNTT mạnh vào năm 2020 của Chính phủ, cũng như quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhanh đặt ra nhiều bài toán, thách thức về hạ tầng, giáo dục và đào tạo kĩ năng cho Việt Nam. YouthSpark sẽ là một chương trình mang nhiều giá trị trong việc giúp thế hệ trẻ Việt Nam hiểu biết hơn về công nghệ và được trang bị các kĩ năng cần thiết để có thể vững bước trên con đường sự nghiệp tương lai".

Để triển khai chương trình, Microsoft sẽ phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Trung tâm CNTT & Truyền thông VietNet (VietNet-ICT) và Học viện Kenan châu Á.

Ông Vũ Minh Trí, Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam, cho biết: "Khoản đầu tư mới phù hợp với những nỗ lực của Chính phủ trong việc phát triển vốn nhân lực của đất nước và tăng khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong khu vực và trên toàn cầu. Đây cũng là bước tiến mới giúp đưa Việt Nam thành quốc gia mạnh về CNTT vào năm 2020 trong kế hoạch 10 năm phát triển ngành CNTT-TT của Chính phủ mà lực lượng thanh niên là nòng cốt chủ yếu".

Microsoft có kế hoạch cung cấp một loạt các khóa học và nguồn lực công nghệ cho hàng nghìn thanh niên 3 năm tới. Các khóa học này sẽ trang bị các kĩ năng từ cơ bản về công nghệ số cho đến lập trình và khoa học máy tính, cũng như các cơ hội thực tập và dành học bổng.

Việt Nam hiện là nơi đặt nhà máy sản xuất điện thoại của Microsoft với hơn 10.000 nhân viên. Một phần của khoản đầu tư 3 triệu USD cũng sẽ được dùng để tổ chức các khóa đào tạo CNTT trực tiếp cho các nhân viên nhà máy, giúp họ phát triển các kĩ năng và khám phá những cơ hội mới.

Cũng trong ngày 24/3, Microsoft tái khẳng định cam kết về việc tăng cường sự hiện diện tại Việt Nam và góp phần xây dựng một cơ sở hạ tầng CNTT hạng nhất cho Việt Nam thông qua hội thảo "Giải pháp công nghệ đám mây của Microsoft dành cho doanh nghiệp của bạn".

Microsoft đã có mặt tại Việt Nam hơn 15 năm, được các khách hàng Việt Nam biết đến rộng rãi. Nhà máy sản xuất thiết bị di động của Microsoft tại Bắc Ninh đang sản xuất hàng triệu thiết bị Windows xuất khẩu đi khắp thế giới.

Gần đây, Microsoft cũng đã kí một loạt các biên bản ghi nhớ với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính và các cơ quan khác của chính phủ nhằm cùng thực hiện các mục tiêu chung gồm hiện đại hóa cơ sở hạ tầng CNTT, bảo mật và tăng cường an ninh mạng, phát triển ứng dụng điện toán đám mây, và phát triển các kĩ năng CNTT cho Việt Nam.

Theo Số Hoá.




Bình luận

  • TTCN (0)