Sản phẩm mới được ra lò từ phòng thí nghiệm RMIT - Ảnh: RMIT.

Các nhà nghiên cứu thuộc Viện Công nghệ Hoàng gia Melbourne (RMIT) tại Úc đã tạo ra cảm biến co giãn, có thể được dán trên da, với năng lực phát hiện mức độ bức xạ của tia tử ngoại và những dạng khí nguy hiểm.

Nhóm chuyên gia chứng tỏ họ có thể lấy một vật liệu bình thường như zinc oxide, thành phần chính trong kem chống nắng, và biến nó thành một miếng dán cảm biến điện tử với bề dày chưa đầy 1 mm, theo Mashable dẫn lời tiến sĩ Philipp Gutruf.

Để làm cho cảm biến dẻo dai hơn, các nhà khoa học chuyển zinc oxide thành chất nền cao su silicone, vật liệu thường dùng trong kính áp tròng.

Kết quả là miếng dán cảm biến của RMIT đặc biệt trong suốt và co giãn cực kì, dễ dàng gắn vào quần áo, vòng đeo tay hoặc bất cứ thiết bị đeo được nào khác.

Theo báo cáo trên chuyên san Small, cuộc nghiên cứu chứng tỏ nhiều khả năng ứng dụng, chẳng hạn phát hiện bức xạ UV, khí ô nhiễm như nitrogen dioxide.

Dự kiến giá thành sản xuất đặc biệt rẻ, hứa hẹn có thể sử dụng phổ biến trong tương lai.

Theo Thanh Niên.




Bình luận

  • TTCN (0)