Khách hàng sử dụng gói cước không giới hạn của AT&T phải dùng mạng tốc độ chậm hơn sau khi dùng hết 3 GB dữ liệu 3G hoặc 5 GB dữ liệu 4G. Nhà mạng Mỹ đã không thông báo cho người dùng biết về việc tốc độ kết nối của họ sẽ bị chậm lại sau khi vượt qua một mốc dữ liệu nào đó.

Chủ tịch Ủy ban Truyền thông Mỹ, ông Tom Wheeler, khẳng định: “Khách hàng xứng đáng được hưởng những gì họ đã trả tiền. Các nhà cung cấp băng rộng phải thẳng thắn và minh bạch về dịch vụ cung cấp. FCC không đứng yên trong khi người tiêu dùng bị lừa bởi các chiêu bài tiếp thị gây nhầm lẫn và các tiết lộ nhập nhằng”.

AT&T ngừng cung cấp gói cước không giới hạn cho khách hàng mới từ năm 2009, tuy nhiên một số khách hàng vẫn đang dùng gói cước này. Năm 2011, AT&T đưa ra chính sách “trần tốc độ”, theo đó với những người dùng dữ liệu nhiều, tốc độ tối đa chỉ đạt khoảng nửa Mb/giây, trong khi tốc độ tải thông thường của mạng 4G là 15 Mb/giây hoặc 20 Mb/giây, tương đương kết nối mạng băng rộng gia đình.

Tốc độ trần chỉ áp dụng khi người dùng gói không giới hạn chạm đến ngưỡng nào đó và kéo dài đến cuối kì thanh toán cước. Tháng 5/2015, AT&T thay đổi chính sách giới hạn tốc độ chỉ khi mạng bị “nghẽn”, song không nêu chi tiết làm thế nào để đo lường điều này. Song, FCC cho rằng khách hàng gói không giới hạn của AT&T đã phải chịu tốc độ chậm hơn trong trung bình 12 ngày, gần một nửa chu kì tính cước. FCC lưu ý người dùng gặp khó khăn khi vào các dịch vụ bản đồ hay xem video trực tuyến qua mạng của AT&T.

Đáp lại FCC, AT&T cho biết sẽ phản đối. Phát ngôn viên nhà mạng cho rằng hãng “hoàn toàn minh bạch với khách hàng, phát thông báo bằng nhiều cách và còn làm tốt hơn các yêu cầu về tiết lộ điều khoản của FCC”. AT&T cũng khẳng định đây là cách hợp lí để quản lí tài nguyên mạng, làm lợi cho mọi khách hàng, được tất cả nhà mạng lớn sử dụng trong nhiều năm.

Verizon, đối thủ của AT&T, đã từ bỏ ý định giảm tốc độ 4G đối với khách hàng dùng gói cước không giới hạn vào tháng 10/2014 sau khi bị ông Wheeler chỉ trích là “phiền toái”. FCC cũng phát đi thông báo tương tự tới T-Mobile, buộc hãng phải điều chỉnh lại thông báo đến người dùng về gói cước không giới hạn. Ủy ban còn kiện đòi Tracfone 40 triệu USD hồi tháng 1/2015 vì quảng cáo sai về gói cước của mình.

FCC đã thông báo cho AT&T từ tháng 10/2014 song bị từ chối. Ủy ban đã nhận được hàng ngàn đơn khiếu nại từ người dùng vì AT&T làm họ hiểu lầm. “Không giới hạn là không giới hạn. Với hành động hôm nay, Ủy ban cam kết buộc các nhà cung cấp dịch vụ băng rộng, những người không minh bạch về giới hạn dữ liệu, phải chịu trách nhiệm”, Cục trưởng Hành pháp FCC Travis LeBlanc đanh thép.

Theo ICTnews.




Bình luận

  • TTCN (0)