CEO Google Sundar Pichai - Ảnh: Bloomberg.

Sundar Pichai, tân CEO 43 tuổi của Google, là gương mặt mới nhất góp mặt trong danh sách đang gia tăng rất nhanh chóng: Các giám đốc điều hành gốc Ấn Độ thành công tại Mỹ.

Chỉ trong 11 năm công tác tại Google, Pichai biến Chrome thành một trong những trình duyệt web phổ biến nhất thế giới, vận hành mảng Android của hãng và gần đây nhất là đảm nhiệm vị trí giám đốc sản phẩm.

Theo CNN, thành quả mới nhất của Pichai thể hiện con đường đi lên của rất nhiều người Ấn Độ ở Mỹ: xuất phát điểm khiêm tốn, nhưng cố gắng đến học và nghiên cứu tại các trường về quản lí, công nghệ tốt nhất quê hương trước khi hoàn thành văn bằng sau đại học ở Mỹ.

Bloomberg cho hay Pichai sinh ra ở thành phố Chennai và gia đình ông sống trong một căn hộ chỉ có hai phòng ngủ. Ông và em trai phải ngủ tại phòng khách. Năm ông 12 tuổi, cả gia đình mới mua được chiếc điện thoại đầu tiên.

Song niềm đam mê công nghệ đã đưa ông đến với ngành học kĩ thuật tại Viện Công nghệ Ấn Độ - một trong những trường tốt nhất đất nước. Sau đó, Pichai nhận được học bổng của Đại học Stanford (Mỹ).

Ảnh
Satya Nadella, CEO Microsoft - Ảnh: Reuters.

Satya Nadella, CEO Microsoft, người chỉ lớn hơn Pichai vài tuổi, cũng có con đường đi lên hệt như đồng hương. Nadella theo học Viện Công nghệ Manipal ở Ấn Độ trước khi đến Đại học Wisconsin-Milwaukee và Đại học Chicago ở Mỹ. CEO Adobe Shantanu Narayen thì học tại Đại học California tại Berkeley và trường Bowling Green.

Một vài CEO gốc Ấn khác, trong đó có nữ giám đốc điều hành Indra Nooyi của Pepsi, thì học hoàn toàn ở Ấn Độ. Bà đến Mỹ làm việc tại những nơi mà các kĩ sư tài năng được trân trọng, chẳng hạn như Thung lũng Silicon.

“Sự gia tăng của những người nhập cư thành công cũng nói lên mức độ trọng dụng nhân tài của nước Mỹ. Họ sáng giá, thông minh và cố gắng đi lên từ nỗ lực nội tại”, Som Mittal, cựu chủ tịch của hãng phần mềm thương mại Ấn Độ Nasscom.

Các nhà phân tích cho rằng còn một lí do nữa khiến người Ấn Độ trở nên rất thành công ở nền kinh tế lớn nhất thế giới: Các khóa học tại những trường tốt nhất nước này giảng dạy bằng tiếng Anh, đảm bảo đào tạo sinh viên tốt nghiệp có kĩ thuật và kiến thức khoa học thành thạo.

Ảnh
CEO Pepsi Indra Nooyi - Ảnh: Reuters.

Đây là một lợi thế rất lớn của người Ấn Độ, đặc biệt là những cựu sinh viên trong thế hệ của ông Pichai, so với các đồng nghiệp châu Á khác.

Mittal cho hay các quản lí gốc Ấn Độ có “kĩ năng thích ứng mạnh” với môi trường làm việc và môi trường xã hội. “Bất cứ khi nào người Ấn Độ gia nhập cộng đồng mới, họ học rất nhiều điều về kĩ năng xã hội. Khả năng thích nghi là một trong những điều mà các giám đốc điều hành người Ấn Độ làm tốt”.

Thành công lớn của các CEO nổi tiếng như Pichai, Nadella và Nooyi đã giúp các chương trình tìm kiếm tài năng nổi lên ở Ấn Độ, đất nước vẫn còn tỉ lệ biết chữ ở mức thấp và nhiều gia đình gặp khó khăn tài chính.

“Nhiều CEO Ấn Độ thành đạt ở đất khách khi leo lên đến vị trí hàng đầu trong các công ty giá trị nhất thế giới là lí do chính đáng để ăn mừng. Song tình hình này cũng đặt ra câu hỏi: Tại sao họ lại ghi dấu ấn ở Mỹ chứ không phải trên chính quê hương mình?”, tờ The Times của Ấn Độ viết.

“Rõ ràng, các điều kiện tại Ấn Độ không phải là tốt nhất cho những bộ óc kinh doanh và quản lí này vận dụng được tối đa tiềm năng của họ. Chính phủ cần đóng vai trò lớn hơn trong việc tạo môi trường thuận lợi để những người tài có thể phát triển, tạo giá trị cho bản thân và hàng triệu người khác”, tờ báo viết thêm.

Theo Thanh Niên.




Bình luận

  • TTCN (0)