Theo báo cáo của IDC, tổng giá trị thị trường các thiết bị switch và router trong quý 2/2015 là 32,11 triệu USD, tăng 63,6% so với quý trước và tăng tới 115% so với cùng kì. Riêng thiết bị switch tăng 41,1%, router tăng 96,9% so với quý trước.

Đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng này là do các công ty mạng, viễn thông đang đầu tư nâng cấp trung tâm dữ liệu và chuẩn bị triển khai 4G. Trong đó phải kể đến việc các công ty như Viettel, VNPT, FPT khi đầu tư sang Lào, Campuchia đã tăng cường đầu tư thiết bị, đóng góp đáng kể cho sự tăng trưởng này.

Ví dụ, Viettel khi đầu tư sang Lào, Campuchia vẫn lấy thiết bị viễn thông từ Việt Nam nên doanh số thiết bị được tính cho thị trường Việt Nam, IDC cho biết.

Tuy vậy, sự tăng trưởng của thị trường thiết bị viễn thông như switch và router có tính thời điểm. Vì thông thường quý 2, quý 4 là lúc các doanh nghiệp viễn thông bắt đầu bỏ tiền mua sắm thiết bị, trong khi quý 1, quý 3 sẽ là giai đoạn lên kế hoạch. Thêm vào đó, quý 1 thường rơi vào dịp lễ tết nên các doanh nghiệp không có kế hoạch đầu tư trang thiết bị.

Huawei tăng trưởng mạnh trong top 3 hãng cung cấp router lớn nhất Q2/2015 - Ảnh: H.Đ

Tăng trưởng mạnh nhất trong quý 2/2015, theo số liệu IDC là Huawei, thị phần thiết bị switch của Huawei tăng 3.073%, thiết bị router tăng 1.510%. Ông Nguyễn Hữu Toàn – chuyên viên phân tích của IDC Việt Nam – cho biết, Huawei tăng trưởng mạnh là do hãng này cung cấp đầy đủ thiết bị và dịch vụ, đồng thời chính sách giá của Huawei khi đấu thầu cũng linh hoạt.

Trong quý 2/2015, ba hãng cung cấp thiết bị switch lớn nhất thị trường là Cisco (chiếm 41,1% thị phần), Huawei (30,1% thị phần), HP (6%). Ở mảng router, Huawei dẫn đầu với 42,5% thị phần, Cisco 34,3%, Juniper 22,4%.

Ngoài Huawei tăng trưởng mạnh, Juniper cũng tăng hơn 100% thị phần router do hãng này trúng các gói thầu của VNPT, Viettel, theo ông Toàn.

Bên cạnh các tên tuổi kể trên, IDC nói thị trường switch và router sắp tới sẽ có sự cạnh tranh khốc liệt hơn ở tầm thấp. Nhiều đối thủ với giá thành vừa phải khác đang có những bước đầu xâm nhập thị trường Việt Nam. Trong đó, Rocket – một hãng cung cấp thiết bị mạng có giá thành tương đương Huawei, tức rẻ hơn Cisco và Juniper – sẽ gia nhập thị trường. Hiện nay hãng này mới chỉ cung cấp thiết bị cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam, nhưng ở khu vực châu Á Thái Bình Dương thì Rocket có tốc độ tăng trưởng rất nhanh. Ở lĩnh vực điện toán đám mây và dữ liệu lớn, Arista – một hãng có thị phần lớn ở Úc và Thái Lan - cũng là một tên tuổi đáng gờm vì mức giá rất cạnh tranh.

Tuy thị trường tăng trưởng so với quý trước và so với cùng kì nhưng mức tăng chưa được như kì vọng, đặc biệt thị trường doanh nghiệp giảm 4,5% so với cùng kì. Lí giải vấn đề này, ông Toàn cho rằng 6 tháng đầu năm 2015, lượng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam giảm 20% so với cùng kì, dẫn đến doanh thu thiết bị switch và router ở thị trường doanh nghiệp giảm theo, vì các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thường mạnh tay chi cho công nghệ thông tin.

Một lí do khác khiến mức tăng không như kì vọng là do việc tái cấu trúc ngân hàng. Trong lúc chờ đợi tái cấu trúc, các ngân hàng cũng tiết giảm chi tiêu, do đó ít mua sắm thiết bị công nghệ. IDC kì vọng sau khi tái cấu trúc hoàn tất thì khối ngân hàng sẽ chi tiêu mạnh cho công nghệ thông tin. Vì một khi Việt Nam gia nhập WTO thì các ngân hàng phải tuân theo các chuẩn của WTO nên sẽ mua sắm thiết bị phù hợp.

Theo ICTnews.




Bình luận

  • TTCN (0)