Trung Quốc đang trở thành một “đế chế” smartphone hùng mạnh, các sản phẩm Trung Quốc ngày càng xâm chiếm nhiều thị trường hơn. Rất nhiều người sử dụng tại Việt Nam cầm trên tay các sản phẩm của Lenovo, Asus, Xiaomi… tất cả đều là hàng Trung Quốc. Những quốc gia lớn như Ấn Độ cũng rất chuộng các sản phẩm “Made in China”. Vậy tại sao một thị trường béo bở như Mỹ dù Trung Quốc đã “lăm le” xâm chiếm từ lâu nhưng vẫn không thực hiện được?

Trung Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp để mở rộng miếng bánh thị trường tại Mỹ và các nước châu Âu ví dụ như thay đổi tên sao cho dễ đọc, cho “tây” hơn đến việc cố gắng thoát khỏi sự kì thị bắt nguồn từ những công ty mẹ tại quê nhà hay tích cực mở rộng những chiếc dịch quảng cáo, marketing, giúp người Mỹ quen dần với sự xuất hiện của các hãng Trung Quốc cũng như thay đổi cái nhìn của họ về những sản phẩm xuất xứ Trung Quốc. Thế nhưng sau tất cả, Mỹ vẫn giữ quan điểm tiêu cực về các thương hiệu của Trung Hoa. Vậy tại sao?

Made in China = Không, không và không

Nhìn vào những nhà bán lẻ Trung Quốc cũng như rất ít những nhà sản xuất thực sự nỗ lực để tiến vào thị trường Mỹ, chúng ta có thể hiểu rõ lí do cho điều này:

Sự kì thị về các vấn đề an ninh và bảo mật

Một sự kì thị rõ ràng với những công ty sản xuất điện thoại Trung Quốc đó là: Tất cả những hãng này đều để cho chính phủ Trung Quốc theo dõi dữ liệu người dùng. Dù điều này có thật hay không, bất cứ nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc đều bị ảnh hưởng khi có ý định bước chân vào thị trường Mỹ.

Những nỗi sợ vô hình

Nếu bạn được lựa chọn giữa một sản phẩm smartphone mới nhất từ Apple và Samsung hoặc một smartphone từ một công ty chẳng mấy nghe đến, bạn chắc chắn sẽ chọn phương án đầu. Nhìn chung rất nhiều người đều bị ám ảnh bởi một nỗi sợ hãi vô hình khi mua một sản phẩm từ một công ty mình chẳng biết rõ.

Rẻ quá cũng là cái tội

Mọi người đều có suy nghĩ “của rẻ là của ôi” đặc biệt là những sản phẩm cần tính chất cao cấp, bền, dùng tốt thì chúng ta càng phải cân nhắc khi mua một sản phẩm giá rẻ. Trong khi đó, chiến lược tồn tại của những công ty Trung Quốc đó là “càng rẻ càng tốt”. Trái lại, Apple, Samsung, và LG lại sẵn sàng “hét” giá hơn 700 USD cho một chiếc smartphone với phương châm “đắt xắt ra miếng”.

Vấn đề đó là khi một công ty bạn chẳng hề biết đến lên tiếng quảng cáo về một chiếc điện thoại giá cực rẻ với phần cứng cực tốt, chắc chắn bạn sẽ có suy nghĩ “Không thể tin được”. Điều này chính là thực tế của các sản phẩm như Honor 7 hay Xiaomi Redmi Note 2. Ở các quốc gia khác, đây là các sản phẩm được đánh giá cao, nhiều người ưa chuộng nhưng tại Mỹ, đây đơn giản là “thảm họa doanh số”.

Không có nhà mạng hỗ trợ

Tại Mỹ và những quốc gia có thói quen mua smartphone từ nhà mạng, lí do lớn nhất để người dùng nói không với các sản phẩm đến từ Trung Hoa đó là: không có nhà mạng hỗ trợ.

Trong khi Mỹ đang chuyển hướng trở thành một thị trường nơi các công ty có thể bán trực tiếp sản phẩm tới người dùng, các nhà mạng vẫn đóng vai trò quan trọng trong quá trình mua điện thoại bằng cách bán smartphone hoặc trưng bày những smartphone nổi bật, gợi ý người tiêu dùng sử dụng. Trong khi đó, các smartphone Trung Quốc không được nhà mạng hỗ trợ.

Một lí do cho điều này có thể liên quan đến những lo ngại về mặt an ninh đã nhắc ở trên. Ngoài ra, lí do nữa đó là nhà mạng cũng không dám liều lĩnh đầu tư lớn vào một hãng không mấy tên tuổi và cũng chẳng dám chắc người dùng sẽ thích chúng. Tại Mỹ, doanh số sản phẩm sẽ giảm đáng kể nếu không có sự hỗ trợ từ phía nhà mạng.

Thử nhìn vào 4 nhà mạng lớn nhất tại Mỹ, chúng ta có thể thấy: AT&T chỉ hỗ trợ mỗi smartphone của ZTE, không hỗ trợ trả sau và cũng chỉ có duy nhất một sản phẩm ZTE Maven được bán. T-Mobile cũng chỉ hỗ trợ duy nhất chiếc ZTE Obsidian với hai lựa chọn cho cả trả trước và trả sau. Verizon và Sprint không hỗ trợ bất cứ sản phẩm nào của Trung Quốc.

Các công ty Trung Quốc nên làm gì?

Cho đến nay, chỉ có hai công ty Trung Quốc thử sức với thị trường Mỹ là ZTE và Huawei. Cách làm của hai hãng sản xuất này như sau:

Đổi tên cho “tây”

ZTE là công ty cố gắng bước vào thị trường Mỹ với một cái tên hoàn toàn khác, dễ phát âm hơn và không khiến người dùng liên tưởng đến bất cứ sự cố nào trước kia. Công ty này ra mắt chiếc điện thoại Axon đầu tiên vào tháng 7 năm nay với cái tên nghe “rất Mỹ”. Nỗi ám ảnh về những sản phẩm Trung Quốc lớn tới mức ZTE đã phải tìm mọi cách để tách Axon khỏi công ty mẹ để mong “con đẻ” của mình có được một khởi đầu công bằng. Dù không được các nhà mạng hỗ trợ, Axon được truyền thông hỗ trợ và hi vọng sẽ được ưa chuộng hơn ZTE.

Nỗ lực marketing nhằm cải thiện hình ảnh và nhận thức về sản phẩm

Ở Las Vegas, Mỹ có một khách sạn với cái tên Huawei. Nhiều người vào ở khách sạn này nhưng chẳng hề biết Huawei là công ty nào, chuyên sản xuất cái gì. Thế nhưng Huawei hi vọng sự hiện diện dần dần bằng cách này hay cách khác sẽ giúp công ty từng bước có được thiện cảm từ phía người dùng. Ngoài khách sạn, Huawei còn dốc hầu bao cho các show diễn cũng như những chiến dịch và sự kiện khác với hi vọng số tiền đầu tư sẽ đổi lại những tiềm năng tương xứng trong tương lai.

Huawei Nexus

Cách đơn giản nhất để thu hút sự quan tâm của nước Mỹ đó là “mượn” các tên tuổi lớn, ví dụ như trở thành đối tác của một hãng lớn như Google. Đó chính là cách Huawei đã làm.

Chiếc Huawei Nexus 6P sau khi ra mắt đã được đánh giá khá cao và thậm chí là còn cao hơn so với chiếc Nexus 5X của LG. Bắt tay với Google đồng nghĩa với việc chấm dứt những lo ngại liên quan đến vấn đề bảo mật. Mức tín nhiệm của Google đủ lớn để đảm bảo cho không chỉ chiếc Nexus 6P mà còn cho các sản phẩm khác của Huawei sẽ sớm xuất hiện tại thị trường Mỹ trong tương lai.

Có nên lờ luôn thị trường Mỹ?

Đương nhiên còn có một cách nữa đó là bỏ qua luôn thị trường Mỹ. Các startup như Xiaomi hay OnePlus đều thực hiện theo chính cách này và họ vẫn thành công đấy thôi.

Xiaomi mới chỉ được thành lập tháng 4/2010 nhưng đến nay doanh thu của công ty này đã vượt quá con số 12 tỉ USD và là hãng sản xuất smartphone lớn thứ 4 trên thế giới. Công ty này còn đang tiếp tục mở rộng ra các thị trường như Ấn Độ, Singapore và Malaysia nhưng toàn bộ châu Âu vẫn là những thị trường bỏ ngỏ. Còn rất nhiều cơ hội cho Xiaomi cho dù họ có bỏ qua Hoa Kì.

Theo ICTnews.




Bình luận

  • TTCN (0)