Vài ngày sau vụ tấn công khủng bố Paris, một nhóm hacker được biết đến với cái tên Anonymous công bố #OpParis - chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội nhằm chống lại IS.

"Đây chỉ là bước khởi đầu. Bọn ta sẽ săn đuổi các người, đánh sập các trang web, tài khoản, email... Các người sẽ bị đối xử như một loại virus còn bọn ta là những bác sĩ", Anonymous mạnh mẽ tuyên bố trong một video đăng tải trên YouTube.

#OpParis được coi là cuộc chiến không súng đạn lớn nhất nhắm vào IS, hay còn gọi là tổ chức Nhà nước Hồi giáo, Isil hay Daesh. Với những "thành tích" trước đây, người ta tin rằng khi "tổ chức của những quái kiệt" này muốn, họ có thể làm được mọi việc trên thế giới Internet.

Anonymous cho biết, họ đánh sập 20.000 tài khoản Twitter của IS trong ít ngày. Tuy nhiên, hiệu quả của động thái này đang gây tranh cãi. Trong khi nhiều người cổ vũ mạnh mẽ Anonymous thì một số khác cho rằng, việc đánh sập các tài khoản Twitter không có hiệu quả cao.

Gabrielle Coleman - Chủ tịch của nhóm nghiên cứu khoa học và công nghệ tại đại học McGill (Mỹ) chia sẻ: "Nhìn vào hoạt động hiện tại của Anonymous, bạn sẽ thấy nó không mang lại nhiều hiệu quả. Có một thực tế là IS đã chú ý nhiều hơn đến các hoạt động bảo mật trên nhiều kênh của mình".

Theo bà Coleman, vấn đề của Anonymous là hiện nay, có quá nhiều người tham gia vào hoạt động của họ, tạo lên một mạng lưới cồng kềnh, khiến các nỗ lực tấn công vào IS hỗn loạn.

"Hãy coi sự hiện diện của IS trên mạng xã hội hiện nay như một Hydra từ thần thoại Hi Lạp - một con rắn nhiều đầu, có khả năng tái sinh. Khi một tài khoản Twitter hay Telegram bị xoá sổ, người ta có thể tạo ra tài khoản khác thay thế nó dễ dàng".

"Điểm đáng sợ của IS là họ sở hữu một đội ngũ các phần tử cực đoan trẻ tuổi, họ có hiểu biết về máy tính, mạng và sử dụng truyền thông mạng xã hội vô cùng hiệu quả" - Scott J. White - giáo sự chuyên về an ninh quốc gia kiêm Giám đốc khoa máy tính và công nghệ bảo mật của Đại học Drexel chia sẻ trên CBS News.

White cho biết, cuộc chiến giữa Anonymous và IS là một cuộc chiến thế kỉ trong thời đại truyền thông mạng xã hội. Cả 2 nhóm đều có sự hiểu biết sâu sắc về sức mạnh của công nghệ và có khả năng phổ biến thông tin nhanh chóng và rộng rãi.

"Anonymous có khả năng đánh sập các tài khoản, trang web - chứng minh rằng IS cũng dễ bị xâm nhập như bất cứ ai khác", White cho biết. "Một mặt, nó đem lại hiệu ứng tốt. Tuy nhiên, mặt trái của nó là họ có thể đã tắt đi mất một kênh thu thập thông tin của các cơ quan tình báo".

Nói ra những điều này để thấy, một nhóm hacker khét tiếng như Anonymous, từng gây điên đảo nhiều tổ chức, cơ quan lớn trên thế giới cũng gặp vấn đề nhất định khi tấn công IS.

Thậm chí, người ta tin rằng IS đã có những động thái trả đũa bằng cách giả mạo Anonymous để tung ra những thông tin sai lệch, nhằm hạ uy tín của nhóm hacker này. Mới đây nhất là việc một hacker 15 tuổi tự xưng là thuộc Anonymous công bố thông tin IS sẽ tấn công khủng bố 8 địa điểm trên khắp thế giới hôm chủ nhật (22/11), khiến cư dân mạng có một phen thấp thỏm không yên.

IS từng đăng đàn tuyên bố, chiến dịch #OpParis của Anonymous là ngu ngốc và có vẻ, họ đang muốn chứng minh phát ngôn của mình không hề sai. Anonymous gọi, IS trả lời - đây là một cuộc chiến chưa có hồi kết.

Theo Zing.




Bình luận

  • TTCN (0)