IDC từng dự báo doanh số thiết bị đeo sẽ tăng 163% trong năm nay, từ mức 28,9 triệu sản phẩm năm 2014 lên 76,1 triệu năm 2015. Tuy nhiên, đây là con số khá nhỏ nếu xét trên khía cạnh thiết bị đeo được kì vọng là xu hướng mới, có thể tạo ra những thay đổi đột phá về trải nghiệm người dùng và kết nối cá nhân.

Trong đợt Black Friday vừa rồi, đã có hàng loạt sản phẩm điện tử, công nghệ được bày bán với mức giảm giá cực sâu. Trong số những thiết bị thông thường như TV, laptop, điện thoại…, năm nay người ta còn chứng kiến các sản phẩm thiết bị đeo giảm giá tới 50% hoặc hơn.

Chẳng hạn Up3, thiết bị theo dõi sức khỏe của Jawbone mới ra mắt hồi đầu năm, giờ giá đã giảm tới 40%. Hoặc chiếc đồng hồ thông minh Pebble - dùng để nhận thông báo từ smartphone, cũng giảm giá tới một nửa, chỉ còn 75 USD. Hay những chiếc đồng hồ có chức năng GPS của Garmin, dành cho luyện tập thể thao, cũng giảm tới 150 USD hoặc hơn.

Thực ra, đó cũng không hẳn là lời nguyền đối với lĩnh vực công nghệ vốn đang phải vật lộn để duy trì sức nóng của các thiết bị theo dõi sức khỏe hoặc đồng hồ thông minh (smartwatch) kết nối smartphone mới "chân ướt, chân ráo" xuất hiện trên thị trường.

Với doanh số smartphone đang bình ổn, còn máy tính bảng, TV và PC giảm đáng kể, các nhà sản xuất đã đầu tư nhiều tiền bạc vào thiết bị đeo với hi vọng sẽ tạo ra danh mục sản phẩm mới thu hút người dùng, kích cầu và hơn hết là tăng doanh thu. Tuy nhiên, kết quả mà họ nhận được là sự thừa thãi các sản phẩm này trên thị trường do nhu cầu không cao, và trên hết là chưa tạo ra sự đột phát nào.

Trong 2 năm qua, Samsung đã tung ra 7 mẫu smartwatch, còn Apple cũng vừa giới thiệu chiếc Apple Watch hồi đầu năm. Các ông lớn khác trong giới công nghệ cũng đầu tư không ít tiền của vào lĩnh vực này. Chẳng hạn, Fossil vừa bỏ ra 260 triệu USD mua lại Misfit, một nhà sản xuất thiết bị đeo, hồi tháng trước.

Những nhà sản xuất này hi vọng tạo ra một thế giới mà trong đó thiết bị đeo sẽ trở nên thông dụng, thậm chí thông dụng hơn cả smartphone. Bằng việc theo dõi mọi hoạt động của cơ thể, từ bước chân, lượng calo tới giấc ngủ, thiết bị đeo được kì vọng giúp chúng ta sống vui khỏe hơn, hay trợ giúp đắc lực cho cuộc sống hàng ngày. Smartwatch cũng giúp giải phóng con người khỏi sự ràng buộc với smartphone, cho phép kiểm tra tức thời e-mail, tin nhắn, bản đồ mà không phải sờ tay vào túi để lôi điện thoại ra.

Paul Lee của hãng Deloitte chuyên nghiên cứu hành vi người dùng về công nghệ đeo cho biết, hầu hết mọi người mua thiết bị theo dõi sức khỏe để những người xung quanh thấy rằng họ đã tập luyện chăm chỉ để có vóc dáng khỏe mạnh thế nào. Đây cũng được xem là phương tiện khuyến khích họ tập luyện, hoặc đối với một số người - có thể coi là gợi ý để họ nghĩ rằng mình đang có một "form" người chuẩn.

Trong trường hợp này, các thiết bị theo dõi sức khỏe được coi như sự thay thế mang tính công nghệ đối với hình thức tập gym. Mọi người có xu hướng mua với ý định ban đầu rất tốt nhưng chỉ một thời gian ngắn là bỏ bẵng không dùng tới, nhất là khi kết quả tập luyện không đáp ứng kì vọng.

Khái niệm "tự định lượng" (quantified self), mà trong đó con người luôn quan tâm tới các thông tin đại loại như họ ngủ như thế nào, tập luyện bao nhiêu và nhịp tim thay đổi thế nào, có thể thông dụng tại Thung lũng Silicon nhưng lại không đại trà ở bên ngoài, nhất là khi đòi hỏi người tập phải có kỉ luật rất cao đối với bản thân.

Dù doanh số bán thiết bị theo dõi sức khỏe đang cải thiện nhưng triển vọng lại không mấy sáng sủa. Fitbit, hãng sản xuất thiết bị đeo bán chạy nhất thế giới hiện nay, có doanh thu giảm đáng kể từ mùa hè qua. Còn Jawbone, hiện đứng vị trí số 2, cũng tuyên bố cắt giảm khá nhiều nhân sự trong năm nay.

Trong khi đó, smartwatch lại là một dòng thiết bị khác. Cũng giống như thiết bị theo dõi sức khỏe, nó có thể đảm nhận nhiều nhiệm vụ. Chiếc Apple Watch có thể nhận tin nhắn, kiểm soát nhạc, thanh toán không dây và tất nhiên cũng có thể theo dõi được sức khỏe người dùng. Đây đều là những sản phẩm có tuổi đời chưa nhiều, Pebble mới xuất hiện từ năm 2013, còn Apple Watch mới lên kệ được 7 tháng.

Về phần Apple, tuy bán được smartwatch nhiều hơn các đối thủ khác nhưng dữ liệu tìm kiếm của Google cho thấy người dùng vẫn quan tâm nhiều hơn tới iPod, một sản phẩm có tuổi đời 14 năm của hãng này. Trong khi đó, Tag Heuer cũng vừa ra mắt mẫu smartwatch đầu tiên với lời khẳng định chắc nịch rằng sẽ thay thế đồng hồ cơ trong 2 năm tới - một sự tự tin quá mức.

Tất nhiên, mọi thứ đều có thể thay đổi nhưng ở thời điểm hiện tại, hầu hết ứng dụng smartwatch chỉ là sự sao chép nghèo nàn phần mềm trên smartphone, và hoàn toàn chưa tạo ra sự khác biệt nào. Chỉ khác ở mỗi điểm, thay vì cho vào túi quần hoặc để trên bàn thì chiếc smartwatch nằm trên cổ tay bạn mà thôi.

Việc xem tin nhắn và e-mail trên màn hình tí hon của smartwatch vẫn chưa thực sự tiện lợi so với smartphone. Ngoài ra, sẽ rất khó cho ai đó nếu trong cuộc họp với đối tác cứ lật lên lật xuống chiếc smartwatch - một cử chỉ rất dễ bị hiểu lầm là sự suốt ruột chỉ muốn cuộc họp nhanh chóng chấm dứt.

Tuy nhiên, tiềm năng của thiết bị đeo vẫn là rất lớn. Theo thống kê của Deloitte, hiện chỉ có 4% người Mỹ có thiết bị theo dõi sức khỏe, và chỉ 2% sở hữu smartwatch.

Theo Zing.




Bình luận

  • TTCN (0)