Ray Kurzweil - nhà tiên tri của Google

Ray Kurzweil - nhà nghiên cứu tương lai đến từ Google - đã từng lên trang nhất của rất nhiều tờ báo với những phát ngôn và tiên đoán có vẻ như "không tưởng", nhưng rồi lại dần trở thành hiện thực. Chẳng hạn như, ông đã từng nói rằng máy tính có thể chiến thắng áp đảo con người trong môn cờ vua (điều này đã xảy ra), hay những chiếc xe tự lái sẽ đưa con người đi khắp mọi nơi (cũng đang thành hiện thực).

Nhưng, theo lời một nhà nghiên cứu tương lai khác, Peter Diamandis, sự thông thái của Kurzweil không chỉ gói gọn trong những dự đoán - mà chính ở tư tưởng chủ đạo đằng sau. Đó chính là định luật mang tên "Law of Accelerating Returns".

Về cơ bản, định luật này mang ý nghĩa: "Những phát triển của giải pháp công nghệ thông tin sẽ đi theo một quỹ đạo có-thể-dự-đoán-trước và theo cấp số nhân".

"Sự thật là, công nghệ thông tin phát triển theo tốc độ của cấp số nhân. 30 bước của con người, sẽ chỉ giúp bạn đi quãng đường dài bằng đúng 30 bước chân. Còn đối với cấp số nhân, bước thứ 30, sẽ dừng lại ở hàng tỉ" - ông chia sẻ với tờ Financial Times như vậy.

Nghe khá quen, đúng không? Bởi lẽ, có một định luật khác, cũng rất nổi tiếng - định luật Moore, với nội dung gần tương tự. Định luật này được đặt theo tên của nhà đồng sáng lập Intel, ông Gordon Moore. Theo đó ông cho rằng số lượng bóng bán dẫn tích hợp trong một con chip sẽ tăng lên gấp đôi sau mỗi 24 tháng. Tính cho tới thời điểm hiện tại, định luật Moore vẫn đúng, và hiện chúng ta vẫn đang sử dụng nó làm tiêu chuẩn để đánh giá và chờ đợi sự phát triển của những con chip máy tính.

Sự phát triển với tốc độ "khủng khiếp" này, theo như Kurzweil, vẫn còn có chút vấn đề. Để dễ dàng diễn đạt điều này hơn, ông đã sử dụng một câu chuyện dân gian trong bài viết năm 2001 của mình, mang tên "The Singularity is near":

Tôi sẽ kể cho các bạn nghe một câu chuyện, về người sáng tạo ra bàn cờ, và Hoàng đế Trung Hoa.

Chuyện kể rằng, để thưởng cho nhà phát minh vì đã tạo ra trò chơi cờ, Hoàng đế gọi ông vào cung, hứa thưởng bất cứ thứ gì nhà phát minh muốn. Nhà phát minh lúc ấy, mới giơ bàn cờ ra, thỉnh cầu Hoàng để thưởng cho mình một hạt gạo vào ô thứ nhất bàn cờ, hai hạt vào ô thứ hai, bốn hạt vào ô thứ ba, cứ thế, cứ thế, ô sau gấp đôi ô trước. Ngay lập tức, Hoàng đế đồng ý, cho rằng phần thưởng này quá đỗi nhỏ nhặt và không là vấn đề gì.

Một dị bản viết rằng, Hoàng đế sau một hồi suy tính, phát hiện ra rằng mình không thể nào có thể đáp ứng được yêu cầu của nhà phát minh. Bởi lẽ, lượng gạo cần thiết để làm điều này sẽ phủ kín 2 lần bề mặt trái đất, và toàn bộ các ruộng lúa trên toàn thế giới cũng không thể đáp ứng nổi điều này. Thậm chí, còn có một dị bản khác với nội dung, Hoàng đế sau khi tính toán, cảm thấy mình bị "chơi khăm", tức giận và đem nhà phát minh đi chặt đầu.

Và điều đáng sợ nhất, theo như Kurzweil, nằm chính ở đây - con người vẫn chưa hề nhận ra toàn cảnh của sự phát triển đó.

Trong mắt Kurzweil, nhân loại, mới chỉ đi hết chưa nổi một nửa bàn cờ.

"Hãy nhớ rằng, khi Hoàng đế trao thưởng cho nhà phát minh, nửa bàn cờ đầu tiên vẫn chưa có điều gì bất thường quá xảy ra. Nhà phát minh được thưởng một thìa gạo, rồi vài ô sau, là một bát gạo, rồi đến một thùng. Đến giữa bàn cờ, nhà phát minh đã thu được lượng gạo bằng nguyên năng suất của cả một ruộng lúa lớn. Và cũng chính lúc này, Hoàng đế mới nhận ra có gì đó không đúng ở đây".

Và tương tự, có lẽ chỉ khi công nghệ thông tin phát triển đến độ thay đổi hoàn toàn cuộc sống thường nhật của con người, chúng ta mới nhận ra rằng mọi thứ diễn ra nhanh chóng như thế nào.

Theo như Kurzweil, sở dĩ điều này xảy ra, do bản chất của con người là "đi từng bước" - trong khi đối với công nghệ thông tin là "cấp số nhân".

Công nghệ sẽ luôn phát triển không ngừng, theo cấp số nhân, điều này sẽ đưa xã hội loài người đến với thời điểm mà Kurzweil nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần - Singularity.

"Nếu như tốc độ phát triển vẫn đi theo quỹ đạo này cho đến giữa thế kỉ 21, thì công nghệ sẽ bùng nổ tới vô cực - ít nhất là trong tầm nhìn hữu hạn của con người" - Kuzweil chia sẻ.

Thởi điểm Singularity được dùng để diễn tả kỉ nguyên mà ở đó, trí tuệ nhân tạo vượt xa trí thông minh của con người, và trở thành "bộ não" mạnh nhất thế giới.

"Hậu quả" của thời điểm đó - đến nay - vẫn là điều mà các nhà khoa học ra sức tranh luận.

Đối với Kurzweil, ông vẫn tỏ thái độ tương đối lạc quan. Năm 2013, ông chia sẻ với tờ New York Times, rằng các robot siêu vi sẽ củng cố hệ miễn dịch của chúng ta vào năm 2030, và từng bước, biến con người thành bất tử. Tháng 4 năm ngoái, Kurzweil cho hay ông sẽ tạo ra một "phiên bản giả lập" của người cha quá cố với sự trợ giúp của thực tế ảo. Larry Page ấn tượng với Kurzweil đến mức, mời ông về làm việc tại bộ phận nghiên cứu trí tuệ nhân tạo trong trụ sở của "gã khổng lồ tìm kiếm" Google.

Còn một số "bộ óc vĩ đại" khác của thế giới lại tỏ ra không mấy vui mừng với cái ý tưởng mang tên "Singularity".

Elon Musk liên tục nhắc đi nhắc lại rằng, chúng ta, nên sợ hãi trước những công nghệ cao như thế. Ông nhấn manh rằng, "chúng ta đang triệu hồi quỷ dữ khi nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo", và điều đó "chính là mối đe dọa lớn nhất với xã hội loài người".

Còn đối với những người bình thường như chúng ta, vấn đề không nằm ở việc "Law of Accelerating Returns" tốt hay xấu. Chúng ta chỉ biết là nó tồn tại, vậy thôi.

Một nhà nghiên cứu tương lai khác - Peter Diamandis chia sẻ: "Là người bình thường, chúng ta thường có xu hướng suy nghĩ và tầm nhìn hữu hạn. Nhưng muốn trở thành những doanh nhân thành công, ta cần phải học cách tư duy theo cấp số nhân".

Theo Genk.




Bình luận

  • TTCN (0)