Công nghệ pin trên smartphone đang trở nên lạc hậu? - Ảnh: Reuters.

Trong vài năm trở lại đây, smartphone đang nổi lên như một xu hướng của làng công nghệ thế giới. Xuất phát điểm từ những chiếc điện thoại phổ thông, tính năng giới hạn, chủ yếu chỉ dùng để nghe gọi. Smartphone đã dần thay thế điện thoại phổ thông, trở thành vật bất li thân với người dùng.

Minh chứng là người người giờ đang sử dụng smartphone, nhà nhà cũng chỉ xuất hiện có smartphone. Chẳng nói đâu xa, ngay tại Việt Nam, lượng người dùng smartphone đã tăng lên đột biến, chiếm hơn một nửa thị trường di động ở thời điểm hiện tại, và dự báo sẽ còn tăng mạnh trong vài năm tới.

Thậm chí, nhiều chuyên gia quốc tế dự đoán, smartphone sẽ còn thay thế cả máy tính để bàn trong tương lai. Nghĩa là thay vì phải kè kè bên cạnh một thiết bị cồng kềnh, khó mang vác khi di chuyển, người dùng sẽ chỉ cần tới một chiếc điện thoại nhỏ gọn, đáp ứng mọi nhu cầu về công việc, giải trí…

Smartphone đang giậm chân tại chỗ

Tuy nhiên, trên thực tế, đà phát triển thần kì của smartphone đang có dấu hiệu chững lại. Bên cạnh thực trạng thị trường di động đã trở nên bão hòa, một yếu tố cũng không kém phần quan trọng ngăn cản những bước tiến dài của smartphone chính là công nghệ pin điện thoại.

Nghiên cứu gần đây cho thấy công nghệ pin Lithium-Ion xuất hiện trên các smartphone ngày nay đã hầu như không thay đổi đáng kể so với công nghệ pin từng được Sony thương mại hóa lần đầu vào thời điểm cách đây 25 năm. Ngay cả công nghệ năng lượng trên ô tô còn cổ hơn cả thế.

Lấy một ví dụ điển hình là những chiếc iPhone thời thượng đang làm mưa làm gió trên thị trường di động. Chiếc iPhone mới nhất hiện nay đã mạnh hơn tới 16 lần so với phiên bản đầu tiên được công bố, nhưng so sánh về thời lượng pin, người dùng vẫn chỉ dừng lại ở 1 ngày sử dụng.

Vấn đề của công nghệ pin là gì?

Cần phải nhấn mạnh, phần lớn các smartphone hiện tại vẫn đang sử dụng công nghệ pin Lithium-Ion. Nguyên lí hoạt động của công nghệ này khá đơn giản. Khi pin được sạc, dòng electron đi qua một mạch điện đến cực âm, hút các ion dương của Lithium trong dung dịch chất điện phân.

Còn khi pin được sử dụng, các ion này sẽ di chuyển ngược lại tới điện cực âm, qua chất màng ngăn. Quá trình này làm giải phóng các electron và cấp năng lượng cho thiết bị. Trên lí thuyết, rất khó để các nhà nghiên cứu nâng cấp được quá trình này, nghĩa là tăng thêm năng lượng cho thiết bị.

Trong quá khứ, người ta đã thử nghiệm rất nhiều công nghệ để nâng cấp viên pin trên smartphone, nhưng đều đi vào ngõ cụt. Phương pháp được không ít nhà sản xuất hiện nay áp dụng, đó là nâng cao dung lượng viên pin, thay vì nghiên cứu ra công nghệ mới tốn kém hơn.

Ảnh
Liệu bạn có thể chịu được một ngày sạc pin tới vài lần - Ảnh: Reuters.

Công nghệ pin ảnh hưởng thế nào tới smartphone?

Nhiều người dùng cho rằng thời lượng pin hạn hẹp không phải là vấn đề cấp bách với smartphone. Bởi dù nhà sản xuất không nâng cấp thời lượng pin, họ vẫn có những giải pháp tức thì, như đem theo sạc dự phòng để dùng khi cần thiết, hoặc chấp nhận chôn chân cạnh ổ điện, một ngày sạc tới vài lần.

Nhưng ở tầm vĩ mô, công nghệ pin lại chính là yếu tố ngăn cản sự phát triển không ngừng của smartphone. Nói một cách đơn giản, bất kì hoạt động nào trên các thiết bị cầm tay đều cần tới yếu tố năng lượng, ở đây là pin. Công nghệ càng hiện đại, đột phá, càng dùng tới năng lượng nhiều hơn.

Do đó, khi công nghệ pin chưa được nâng cấp, thật khó lòng để các nhà sản xuất triển khai thêm nhiều tính năng mới trên smartphone. Về lâu về dài, điều này sẽ hạn chế sự phát triển của smartphone trong tương lai. Đau đầu hơn, tới nay pin Lithium-Ion vẫn chưa có công nghệ thay thế.

Theo Thanh Niên.




Bình luận

  • TTCN (0)