Để phục vụ cho mục đích nghiên cứu, Egor Tsvetko - nhiếp ảnh gia 21 tuổi người Nga - đã chụp ảnh những người có mặt trên chuyến tàu điện ngầm St. Petersburg. Sau đó, chàng trai sử dụng ứng dụng FindFace để xác định danh tính của họ.

Trong bộ sưu tập có tựa đề “Khuôn mặt – nguồn dữ liệu khổng lồ”, những bức ảnh Tsvetko chụp được trùng khớp với thông tin có được từ mạng xã hội VK.

Chia sẻ với phóng viên, Tsvetko cho biết, dù rất xấu hổ khi đào xới thông tin cá nhân của mọi người, nhưng anh buộc lòng phải hoàn thành vai trò của một Internet Stalker – kẻ bám đuôi đích thực.

Đây không phải minh chứng duy nhất cho sự đáng sợ của ứng dụng này ở Nga. Một lập trình viên đã thành công khi sử dụng FindFace để tìm ra danh tính của hai người phụ nữ từng chụp ảnh cùng cách đây 6 năm. Quá trình trên được ông gọi là “Shazam con người” (Shazam - ứng dụng nổi tiếng về nhận diện bài hát).

Một thành viên của Dvach – trang chia sẻ ảnh nặc danh ở Nga, đã dùng phần mềm để công khai toàn bộ thông tin cá nhân của những nữ diễn viên khiêu dâm nổi tiếng.

Theo các nhà phát triển của FindFace, từ tháng hai lượng tải về ứng dụng lên tới 600.000 với hơn 3 triệu lượt tìm kiếm trên 100 triệu hồ sơ cá nhân. Tỉ lệ thành công xấp xỉ 70%.

Mặc dù mới chỉ khả dụng ở Nga, song rất có thể trong tương lai công nghệ nhận diện khuôn mặt mà FindFace sử dụng sẽ lan ra toàn cầu.

Năm 2015, tại cuộc thi MegaFace do trường Đại học Washington tổ chức, start-up đến từ Moscow – NTechLab với công nghệ sinh trắc học (sau này dùng để phát triển FindFace) đã giành giải nhất. Đội thi đã xuất sắc đánh bại hai đối thủ đến từ Đại học Bắc Kinh và thuật toán FaceNet của Google.

Trong một buổi phỏng vấn, hai nhà đồng sáng lập - Alexander Kabakov và Artem Kukharenko cho biết họ đã nhận được hơn 300 câu hỏi và lời đề nghị từ các doanh nghiệp và cơ quan chính phủ về việc sử dụng thuật toán của hãng tại nhiều quốc gia, bao gồm cả Hoa Kì và Trung Quốc. Tuy nhiên, hai người từ chối nêu tên hay thảo luận về các đối tác tiềm năng trong tương lai.

Giám đốc Marketing, Kabakov – chàng sinh viên chuyên ngành triết học, Đại học Moscow bảy tỏ mong muốn ứng dụng công nghệ này cho tất cả camera quan sát trên toàn thế giới.

Trong tương lai NtechLab sẽ phát hành nền tảng trực tuyến cho FindFace. Tham vọng của Kabakov là biến NtechLab trở thành hãng công nghệ mẫu mực trong lĩnh vực sinh trắc học tương tự Google hoạt động trong mảng tìm kiếm web.

Những lo ngại về sự riêng tư cá nhân

Dù thành công về mặt thương mại, song chiến lược kinh doanh của FindFace bị lên án vì quá thô lỗ. Hình ảnh nữ người mẫu trên trang đăng nhập khiến người dùng liên tưởng việc sử dụng phần mềm là cách để cánh đàn ông rình mò phụ nữ.

Chia sẻ về vấn đề này, Kabakov giải thích, mục đích của quảng cáo đơn thuần là giúp mọi người “tìm bạn đời chỉ bằng hình ảnh”.

Tuy nhiên những lo ngại về quyền riêng tư đã nhen nhóm xuất hiện. Ellery Roberts Biddle - chuyên gia của tổ chức phi lợi nhuận Global Voices, cho rằng thật khiếm nhã khi sử dụng FindFace:

“Vấn đề nằm ở bối cảnh. Hình ảnh mẫu nữ trong chiếc váy sẽ có vẻ đẹp hoàn hảo khi được đặt trong phạm vi các trang mạng xã hội. Tuy nhiên, khi xuất hiện trên FindFace, ý nghĩa của sự việc hoàn toàn thay đổi.”

Trước nhận định này, Kabakov chia sẻ, “FindFace dẫu sao cũng chỉ là một công cụ. Vì vậy, không tránh khỏi việc bị kẻ xấu lợi dụng. Tất cả những gì chúng tôi làm là cung cấp các thông tin vốn đã công khai trước đó trên mạng xã hội”.

Vị giám đốc chỉ ra mặt tích cực của công nghệ khi giúp phát hiện ra hai kẻ tình nghi của một vụ hỏa hoạn chỉ bằng FindFace. Từ nhận dạng khuôn mặt ở trạm kiểm soát biên giới tới việc phân tích giới tính và độ tuổi của người dân ở trung tâm mua sắm, sòng bạc. Công ty đang kí hợp đồng với chính quyền thành phố Moscow để giúp xác định tội phạm thông qua 150.000 camera giám sát.

Muốn đưa FindFace ra phạm vi thế giới, NTechLab cần sự hỗ trợ của các mạng xã hội khác, tiêu biểu là Facebook. Tuy nhiên, mới đây Facebook đã phải gỡ bỏ ứng dụng nhận dạng khuôn mặt ở châu Âu và Canada do vi phạm các điều khoản riêng tư của các nước này.

Việc phổ biến công nghệ nhận dạng là điều khó tránh khỏi. Nhóm phát triển muốn biến việc tìm kiếm thông tin cá nhân từ thế độc quyền của Chính phủ trở thành quyền lợi cho tất cả mọi người.

Kabakov kết luận, “Với công nghệ này, người dùng được nhiều hơn là mất. Chúng ta không thể ngăn cản quá trình phát triển tất yếu, song có thể phổ biến nó tới nhiều người hơn.”

Theo Zing.




Bình luận

  • TTCN (0)