Sẽ thu bản quyền đối với các máy quay phim kỹ thuật số? Ảnh: N.C.T.

Dư luận đang phản đối gay gắt về việc thu tiền bản quyền đối với đĩa quang khi Cục Bản quyền tác giả (Bộ VH-TT-DL) đưa ra dự thảo nghị định về sản xuất, xuất nhập khẩu và lưu hành đĩa quang. Nhưng nếu đọc kỹ dự thảo nghị định này, dư luận sẽ "sốc" hơn nữa khi biết cơ quan chức năng dự định thu tác quyền cả thiết bị định hình, thiết bị sao chép...

Điều 1 dự thảo nghị định, quy định: "Nghị định này điều chỉnh các hoạt động sản xuất xuất nhập khẩu và lưu hành đĩa quang; sử dụng đĩa quang trắng để định hình, sao chép tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình và chương trình phát sóng".

Đọc quy định nói trên, người ta hiểu nghị định chỉ nói về việc sản xuất, xuất nhập khẩu và lưu hình đĩa quang, nôm na là chỉ thu tiền bản quyền đĩa quang mà thôi, không đề cập gì về tiền bản quyền đối với thiết bị định hình, thiết bị sao chép.

Tuy nhiên, ở mục 5 (chương II) dự thảo nghị định lại quy định rất rõ tiền bản quyền đối với thiết bị sao chép, thiết bị định hình. Công thức tính tiền bản quyền thiết bị định hình: 2% x số lượng thiết bị x 65% giá bán thiết bị.

Và điều 3, chương I dự thảo nghị định đã giải thích từ ngữ: "Thiết bị định hình là bất kỳ phương tiện nào dùng để chuyển tải dữ liệu (tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng) dưới dạng số hóa có thể nhận biết, sao chép hoặc truyền đạt. Thiết bị sao chép là bất kỳ phương tiện nào dùng để tạo ra một hoặc nhiều bản sao của tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình chương trình phát sóng".

Như vậy, có thể hiểu thiết bị định hình, thiết bị sao chép là các loại: máy vi tính, photocopy, điện thoại di động có dùng thẻ SD, USB, đầu thu phát DVD, VCD, CD, máy quay phim kỹ thuật số, thiết bị thu phát sóng truyền hình, phát thanh...

Nghĩa là nếu dự thảo nghị định được thông qua thì người tiêu dùng sẽ phải đóng thêm 2% thuế trên 65% giá bán khi mua các loại đầu đọc, đầu ghi.

Và điều đó có nghĩa người dân sẽ phải đóng thuế hai lần trên một sản phẩm! Bởi thực tế hiện nay, VN không có công nghệ sản xuất linh kiện mà đều nhập khẩu từ bo mạch điện tử, đến con chip (IC) hay các ổ cứng máy vi tính, đầu đọc, đầu thu, đầu phát… từ các nhà sản xuất nước ngoài về lắp ráp, sau đó bán cho người tiêu dùng. Nhà sản xuất đã trả tiền bản quyền và đã tính vào giá bán. Thí dụ một đầu máy VCD giá bán cho người mua là 1.000.000đ (đã có tiền bản quyền), nếu quy định này được thực hiện thì người mua sẽ phải trả thêm 13.000đ nữa.

Đây chỉ là một thí dụ rất nhỏ vì, như đã đề cập ở trên, người tiêu dùng sẽ trả tiền bản quyền đến hai lần cho rất nhiều loại sản phẩm điện tử thiết yếu trong sinh hoạt, công việc hằng ngày như đầu máy, máy vi tính, máy quay phim kỹ thuật số có giá khá cao, nếu dự thảo nghị định được thông qua.

(Theo Tuổi Trẻ)



Bình luận

  • TTCN (2)
Thế Hồng

Đóng phí tác quyền rồi thì phí này chui vào túi ai? Làm người tốt sao khổ dữ vậy ta!!!

present  19

đọc cái thông tin này mà buồn cười. mình đã nghèo rồi, dek đủ tiền mua nổi cái máy ảnh mà còn bị lột. khkông khoé bị lột hoài thì mấy ổng thấy luôn cái con của mình quá