Những chiếc điện thoại dùng một lần tiếp tay cho khủng bố.

Vụ nổ xảy ra tối 17/9 tại Đường 23 - tuyến đường đi qua khu trung tâm thời trang ở Chelsea, Manhattan - khiến ít nhất 29 người bị thương, trong đó một người nguy kịch. Đội điều tra nhanh chóng vào cuộc và xác minh thủ phạm chính là Ahmad Khan Rahami sống tại New Jersey.

Trong hầu hết các vụ đánh bom khủng bố, điện thoại di động luôn được sử dụng làm bộ phận kích hoạt bom từ xa. Bằng các biện pháp nghiệp vụ cần thiết, cơ quan điều tra vẫn lần ra dấu vết cho dù kẻ khủng bố có cẩn thận che giấu tung tích đến đâu.

Ahmad Khan Rahami lộ diện chủ yếu từ chiếc điện thoại đi dộng gài trên một trong số quả bom tại hiện trường. Đây là chiếc điện thoại dùng một lần, khó truy dấu mà giới tội phạm thường hay sử dụng. Chúng được gọi là "burner phone".

Ảnh
Nồi áp suất bị biến thành bom rồi bị khủng bố kích hoạt từ xa qua sóng điện thoại.

"Burner phone" còn được gọi là điện thoại ẩn danh, vốn chỉ được các tay anh chị buôn bán ma túy, tống tiền hoặc khủng bố sử dụng.

Chiếc điện thoại "rác" này có khả năng liên lạc theo thời gian thực qua tin nhắn hay tin nhắn thoại mà không cần bất cứ phần mềm hay máy tính nào để kết nối. Như thế đã là quá đủ cho những kẻ khủng bố muốn reo rắc kinh hoàng cho các mục tiêu của chúng.

Chiếc "burner phone" gắn với một trong số các quả bom tự chế bằng nồi áp suất đặt trong thùng rác ở khu Chelsea, New York đã không nổ theo ý định của Rahami.

Cảnh sát New York và FBI đã tìm ra thông tin lưu trên điện thoại. Sơ hở lớn nhất của kẻ khủng bố này là đã dùng một trong những số điện thoại hay được gia đình hắn sử dụng để kích hoạt bom.

Ảnh
FBI lần ra thủ phạm vụ đánh bom New York mới nhất chỉ sau 48 tiếng.

Cơ quan điều tra chỉ việc gửi yêu cầu tới nhà mạng di động trích xuất dữ liệu tìm ra thủ phạm là xong. Đây là vụ khá đơn giản bởi kẻ khủng bố đã phạm sai lầm không xóa dấu vết.

Tuy nhiên, kể cả ở mức độ phức tạp hơn, chẳng hạn bom đã phát nổ và không để lại manh mối nào thì cảnh sát vẫn có cách tìm ra kẻ khủng bố.

Tất nhiên, cảnh sát vẫn cần phải có sự trợ giúp của các nhà mạng. Có một kĩ thuật tên là "tower dump" cho phép nhà mạng xác định thông tin của bất cứ chiếc điện thoại nào kết nối tới trạm phát sóng tại thời điểm nhất định.

Trạm di động nhất định ở Chelsea đêm xảy ra vụ đánh bom sẽ liệt kê tất cả số điện thoại kết nối tới trạm này, bao gồm cả những chiếc điện thoại chỉ nhận cuộc gọi rồi đột nhiên biến mất mà không báo cáo vị trí định kì về trạm phát sóng.

Ảnh
Kĩ thuật "Tower Dump" cho phép xác định vị trí người sử dụng điện thoại theo nhiều kiểu khác nhau.

Dữ liệu của nhà mạng sẽ giúp cảnh sát tìm ra chiếc điện thoại đã gọi vào số đó (số điện thoại kích hoạt bom) và cả những số khác từng liên lạc với nó. Về nguyên tắc, cảnh sát có thể lần ra cả mạng lưới hoặc đồng phạm khủng bố.

Ngay cả khi kẻ đánh bom cẩn thận tới mức mua "burner phone" hoàn toàn mới, không có bất cứ ghi chép nào của nhà mạng, cảnh sát vẫn có thể lần ra.

Năm ngoái, cảnh sát California đã yêu cầu nhà mạng AT&T trợ giúp lần ra chiếc điện thoại "burner phone" chỉ qua số điện thoại được kẻ bắt cóc sử dụng.

Ảnh
Kẻ đánh bom Ahmad Khan Rahami sống tại New Jersey.

AT&T cho biết đó là chiếc điện thoại TracFone trả trước được kích hoạt tại một cửa hàng của công ty Target. Cửa hàng sau đó trích xuất camera an ninh giúp cảnh sát xác định chân dung và tìm ra kẻ chủ mưu.

Ngay cả khi cửa hàng không có camera theo dõi ghi lại người mua điện thoại dùng một lần, cảnh sát vẫn có thể lần ra thông qua số thẻ tín dụng mua hàng.

Ngoài ra, mỗi khi bật điện thoại, thông tin vị trí của người dùng sẽ được nhà mạng lưu lại. Chỉ cần kết nối tới các trạm di động gần đó là cảnh sát có thể xác định được vị trí người gọi trong phạm vi vài chục mét.

Nếu chiếc điện thoại sử dụng hệ điều hành Android của Google, nó sẽ báo vị trí chính xác tới mức cảnh sát có thể biết đích xác tên cướp đang đứng ở đâu trong ngân hàng.

Thực tế đó cho thấy, kẻ khủng bố hoàn toàn có thể bị lộ diện khi vô tình xuất hiện trong bất cứ chiếc camera nào, hoặc chỉ cần bật điện thoại lên hoặc vô tình dùng thẻ tín dụng mua hàng.

Ảnh
Sơ đồ vụ đánh bom New York.

Kĩ thuật truy dấu thiết bị kích nổ bằng điện thoại hiệu quả tới mức nó từng được Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kì (NSA) sử dụng để định vị thiết bị nổ trong khu vực chiến sự nước ngoài trước khi chúng phát nổ.

Bằng cách truy dấu cuộc gọi trong một khu vực mà trước đây chúng chưa từng xuất hiện có thể giúp các nhà phân tích NSA xác định vị trí đặt bom trước khi chúng được kích hoạt từ xa.

Theo Zing.




Bình luận

  • TTCN (0)