Nhận dạng sinh trắc học là giải pháp bảo mật tốt nhất

Theo Engadget, mật khẩu hiện nay đã có nhiều phương pháp bị tấn công và đánh cắp khá dễ dàng. Các mật khẩu dài, phức tạp đảm bảo độ an toàn cao lại khiến người dùng khó nhớ. Đặc biệt, các tin tặc có thể sử dụng tính năng khôi phục mật khẩu để tìm cách chiếm đoạt tài khoản của người dùng. Và cảm biến vân tay ra đời để giải quyết vấn đề này, tuy nhiên từng đó vẫn là chưa đủ.

Ảnh
Nhận dạng vân tay ngày càng phổ biến trên điện thoại thông minh

Ở khía cạnh điện thoại thông minh, cảm biến vân tay được Apple lần đầu tiên đưa vào iPhone 5S, sau đó được nhiều đại gia công nghệ khác hưởng ứng. Hiện nay, đó là một tính năng mặc định trên các sản phẩm cao cấp của Samsung, Google, LG, HTC, và thậm chí còn lan rộng sang các thiết bị có giá cả phải chăng hơn như Zmax Pro (99 USD), Huawei Honor 5X (200 USD),… Chắc chắn rằng, cảm biến vân tay sẽ xuất hiện đại trà trên cả các smartphone tầm thấp trong tương lai.

Dù đã có cảm biến vân tay nhưng các công ty vẫn tiếp tục theo đuổi sự tiện lợi và tối ưu bảo mật bằng cách giới thiệu các phương pháp sinh trắc học mới. Chúng ta bắt đầu nhìn thấy phương pháp nhận diện khuôn mặt khi Google lần đầu tiên tiết lộ Face Unlock trên Android 4.0 Ice Cream Sandwich. Nhiều năm sau, xác thực bằng mắt bắt đầu xuất hiện trên điện thoại như ZTE Grand S3, Alcatel Idol 3 và mới nhất là Galaxy Note 7. Các sản phẩm này sử dụng một máy quét võng mạc để xác nhận bằng cách nhìn vào mắt và tĩnh mạch trên đó.

Ưu điểm của phương pháp này là không đòi hỏi phần cứng bổ sung, bạn chỉ cần sử dụng camera trước. Tuy nhiên, thách thức trong việc quét võng mạc là các thuật toán rất nặng và gần như phải sử dụng song song cả CPU và GPU. Điều này đồng nghĩa phải mất nhiều thời gian hơn để phát hiện và nhận dạng người dùng.

Ảnh
Nhận diện khuôn mặt nâng cấp khả năng bảo mật lên đáng nể
 

Trước khi chính thức bị khai tử, Galaxy Note 7 để lại một ấn tượng khó quên với khả năng quét mống mắt siêu tốc. Samsung đã sử dụng thuật toán nhỏ gọn hơn, phát tín hiệu nhanh hơn và thời gian chờ đợi ngắn hơn. Dù rất mới mẻ trên điện thoại thông minh nhưng công nghệ này đã được sử dụng phổ biến khi bước vào các phòng thí nghiệm, các tòa nhà và thậm chí là an ninh sân bay. Công nghệ nhận dạng mống mắt xác định các đặc điểm nhận dạng tốt hơn từ 3-5 lần so với dấu vân tay, nhưng đòi hỏi một máy ảnh hồng ngoại (IR).

Một trong những động lực lớn nhất thúc đẩy xác thực bằng mắt chính là ngành công nghiệp thanh toán. Chúng đòi hỏi độ an toàn cực cao tránh được mọi sự gian lận tinh vi, vì vậy nhận diện mống mắt và võng mạc nên được tích hợp trong các thiết bị thanh toán. Điều này sẽ buộc các công ty cứng đầu nhức phải áp dụng công nghệ mới. Một ví dụ cụ thể là Apple sau bao năm cương quyết không sử dụng cũng đã phải đưa NFC vào iPhone 6 hỗ trợ hệ thống thanh toán.

Gã khổng lồ trong lĩnh vực thanh toán là Mastercard luôn ủng hộ hệ thống an ninh sinh học, trong đó bao gồm dấu vân tay, mắt và khuôn mặt. "Chúng tôi muốn xóa mật khẩu. Chúng là một vấn đề lớn đối với con người, họ hay quên hoặc họ sử dụng rất đơn giản” - Ajay Bhalla, chủ tịch rủi ro và an ninh toàn cầu của Mastercard chia sẻ.

Công ty đã nghiên cứu phương pháp sinh trắc học bằng nhận dạng khuôn mặt, mắt, vân tay, nhịp tim và giọng nói, vì đây là những đặc tính độc đáo của người sử dụng, không yêu cầu học thuộc lòng hoặc phỏng đoán và gần như không thể bắt chước. Trong số đó, xác thực dấu vân tay và nhận dạng khuôn mặt có khả năng mở rộng dễ dàng nhất.

Ảnh
Sinh trắc học sẽ bùng nổ trong 5 năm tới
 

Đặc biệt, Mastercard gần đây đã đưa hình thức thanh toán bằng cách selfie (chụp ảnh tự sướng) ở châu Âu qua ứng dụng Identity Check Mobile của hãng. Ứng dụng cho phép thực hiện giao dịch bằng cách lấy một bức ảnh chân dung của chính mình và nháy mắt để xác thực. Và theo các đánh giá, 90% người dùng cảm thấy cách này thuận tiện và bảo mật hơn phương pháp cũ.

Theo xu hướng phát triển công nghệ như vũ bão hiện nay, công nghệ sinh trắc học sẽ dần thay thế mật khẩu để mang đến sự tiện lợi và nhanh chóng trong quá trình xác thực. Và theo dự đoán, sinh trắc học sẽ bùng nổ trong 5 năm tới.

Theo Thanh Niên.




Bình luận

  • TTCN (0)