Xử lý tin tức giả mạo được xem là vấn đề cấp bách với Facebook hiện nay

Cây viết John Herrman cho biết trong một bài viết trên New York Times chia sẻ, một phần của sự khó khăn trong việc giải quyết tin tức giả mạo xuất phát từ thực tế là nhiều người dường như đã mất niềm tin vào các phương tiện truyền thông hiện nay. Đó là lí do lớn khiến họ chọn Facebook là nơi đầu tiên để đọc tin tức.

Tuy nhiên, khi mà nhiều người xem Facebook là nơi cung cấp thông tin đến họ hàng ngày thì vấn đề tin tức giả mạo ngày càng xuất hiện nhiều hơn, trong đó nhiều cáo buộc nói rằng những tin tức giả mạo được xem là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua.

Mặc dù không thừa nhận Facebook là một trang tin tức, nhưng CEO Mark Zuckerberg đã bắt đầu suy nghĩ đến những phương án nhằm giảm thiểu số lượng tin tức giả mạo đăng tải trên Facebook, trong đó ông đề cập đến việc phối hợp với các dịch vụ xác minh thông tin bên thứ ba.

Facebook cũng có thể nghĩ đến phương án dán nhãn hoặc ẩn những tin tức giả mạo dựa trên một số loại thuật toán hoặc đánh giá chất lượng, tuy nhiên sẽ có những cáo buộc không thể tránh khỏi cho rằng mạng xã hội này muốn quyết định mọi tin tức mà mọi người nên đọc.

Trang Fortune thì cho rằng Facebook có thể học theo cách tiếp cận của Wikipedia - một từ điển bách khoa toàn tư nguồn mở với thâm niên 15 năm. Tuy đã có một số thông tin sai sót trên nhưng đó được xem là mô hình tốt nhất khi nói đến dòng chảy thông tin dựa trên đóng góp của người dùng.

Dĩ nhiên, tin tức giả mạo không phải hoàn toàn do lỗi của Facebook, mà đó là lỗi của người dùng. Họ chia sẻ bất kì nội dung nào kể cả chưa xác định chính xác thông tin, miễn là đáp ứng được mong muốn bản thân. Bên cạnh đó, sự phân mảnh của các phương tiện truyền thông và kết nối internet cũng là thủ phạm. Đó là những thứ không thể sửa chữa, và thậm chí là chúng ta phải chấp nhận đối diện trong cuộc sống hiện nay.

Đơn cử như một câu chuyện giả mạo gần đây. Một người đàn ông ở bang Texas đăng tải bức ảnh một chiếc xe buýt trên Twitter và nói rằng ông nghĩ đó là xe chở người biểu tình chống ông Donald Trump. Mặc dù chỉ 40 người theo dõi, nhưng tweet của ông được đưa lên Reddit, sau đó các trang web đăng tải và cuối cùng nó có ở khắp mọi nơi.

Bất kể phương án Facebook chọn thế nào đi chăng nữa thì giải quyết triệt để các tin tức giả mạo không phải là điều diễn ra một sớm một chiều. Đó là lí do tại sao nhiều người cần phải hình thành thói quen xác minh thông tin trước khi tin vào một vấn đề nào đó.

Theo Thanh Niên.




Bình luận

  • TTCN (0)