Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ về Hợp tác và Điều phối trong bảo hộ tác quyền phần mềm. Ảnh: Hải Phương.

Bản ghi nhớ được ký kết ngày 26/8 đánh dấu bước tiến mới trong quan hệ hợp tác giữa các cơ quan Chính phủ với Hiệp hội nghề nghiệp tại Việt Nam và quốc tế. Đồng thời tạo cơ sở khởi xướng các chương trình hành động hiệu quả hơn trong cuộc chiến chống vi phạm BQPM ở Việt Nam.

Biên bản ghi nhớ về Tăng cường Hợp tác và Điều phối trong bảo hộ tác quyền phần mềm ở Việt Nam được Cục Bản quyền Tác giả VN, Thanh tra Bộ VH-DL-TT, Liên minh phần mềm doanh nghiệp (BSA) và Hiệp hội phần mềm VN (VINASA) cùng nhau ký kết tại Hà Nội. Theo đó, Cục Bản quyền Tác giả Việt Nam và Thanh tra Bộ VH-TT-DL nhất trí triển khai tăng cường nhận thức về bản quyền phần mềm thông qua các chiến dịch tuyên truyền, nhất là trong giới doanh nghiệp.

Bản ghi nhớ còn đề ra mục tiêu tăng cường kiểm tra các cá nhân, tổ chức vi phạm bản quyền phần mềm cùng với việc áp dụng các chế tài mới nghiêm khắc hơn do pháp luật quy định đối với việc vi phạm các quyền sở hữu trí tuệ.

Bản ghi nhớ cũng thể hiện mong muốn đẩy mạnh hợp tác với các cơ quan truyền thông trong việc nâng cao nhận thức công chúng về tôn trọng và bảo vệ bản quyền phần mềm.

Theo Tiến sỹ Vũ Mạnh Chu, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, mục tiêu của chương trình hợp tác là nâng cao nhận thức và tôn trọng BQPM, đặc biệt trong giới doanh nghiệp. Việt Nam đã đặt được những kết quả đáng kể trong giảm vi phạm bản quyền phần mềm trong vài năm gần đây.

Về phía BSA, ông Tarun Sawney, Giám đốc điều hành BSA khu vực Châu Á – TBD, khẳng định “sẽ giúp đỡ, hỗ trợ các cơ quan trên bằng cách hỗ trợ công tác đào tạo cán bộ thực thi, chia sẻ các kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách trong lĩnh vực bảo vệ bản quyền phần mềm”.

“Chúng tôi cũng đã đạt được khá nhiều thành công ở các nước trong khu vực trong việc thiết lập và duy trì đường dây nóng nhằm giúp công chúng có thể cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng về các trường hợp vi phạm bản quyền phần mềm. Tôi hy vọng sẽ có thể đạt được những thành công tương tự bằng cách tổ chức đường dây nóng ở Việt Nam trong tương lai không xa”, ông Sawney nói.

Tỷ lệ vi phạm BQPM máy tính đã giảm đáng kể ở Việt Nam trong vài năm gần đây, từ mức 92% trong năm 2004 xuống mức 85% trong năm 2007. Nghiên cứu mới đây của IDC dự tính: nếu tỉ lệ phần trăm vi phạm bản quyền phần mềm máy tính giảm được 10 điểm trong vòng 4 năm thì ngành công nghiệp phần mềm sẽ có thêm được 623 triệu USD doanh thu.

(Theo Vietnamnet)



Bình luận

  • TTCN (0)