Zo hiện có sẵn trên Kik Messenger và Zo.ai nhưng sẽ sớm mở rộng hơn nữa

Zo là nỗ lực thứ hai của Microsoft trong việc phát triển chatbot tương tác xã hội bằng tiếng Anh. Trước đó, công ty đã ra mắt chatbot Tay chạy trực tiếp trên Twitter vào tháng 3/2016, nhưng đó thực sự là một thảm họa buộc Microsoft phải đóng cửa sau khi người dùng Twitter đã dạy bot này về phân biệt chủng tộc và phân biệt giới tính.

Trong thực tế, Microsoft còn có hai chatbot tương tác xã hội khác. Đầu tiên là Xiaoice được ra mắt ở Trung Quốc vào tháng 5/2014, và thứ hai là Rinna được ra mắt ở Nhật Bản vào tháng 7/2015. Công ty nói rằng Xiaoice hiện có hơn 40 triệu người, trong khi Rinna đã thực hiện những cuộc trò chuyện thường xuyên với khoảng 25 triệu người.

Ở thời điểm hiện tại, Zo chỉ thực hiện trò chuyện với khoảng 100.000 người. Ứng dụng hiện chỉ chạy trên Kik Messenger, nhưng Microsoft cho biết họ có kế hoạch đưa Zo đến những kênh mạng xã hội và chat trực tuyến như khác Skype và Facebook Messenger trong tương lai. Đáng chú ý, chatbot này chưa có sẵn cho người dùng Twitter - nguồn gốc gây rắc rối với Tay.

Microsoft cũng khẳng định công ty đang có những kế hoạch rộng lớn hơn cho việc xây dựng các chương trình trí tuệ cảm xúc, còn gọi là IQ. Mục đích của Zo là học hỏi từ những cuộc trò chuyện với mọi người, điều đó có nghĩa người dùng trở thành một ‘'giảng viên miễn phí’' cho chatbot của Microsoft.

“Zo được phát triển bằng cách sử dụng những nội dung xã hội rộng lớn trên internet. Cô ấy biết được những từ ngữ tương tác của con người để đưa ra những phản ứng thông minh, cung cấp những quan điểm cũng như thể hiện cách cư xử và diễn đạt cảm xúc riêng. Bên cạnh đó, Zo đủ sức mạnh để bảo vệ mình trước những ý kiến xấu để không lặp lại sai lầm như Tay”, Microsoft cho biết.

Trên trang thông tin về Zo, Microsoft khẳng định Zo là bot được cung cấp cho mục đích giải trí, và tiếp tục nhấn mạnh mọi người không nên dựa vào các thông tin từ Zo bởi công ty không thể đảm bảo tính chính xác cũng như độ tin cậy trong nội dung của Zo.

Theo Thanh Niên.




Bình luận

  • TTCN (0)