Năm 2016 đã chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ của dịch vụ truyền hình OTT khi mà các đại gia truyền hình như: SCTV, VTVcab, K+, VTC, VNPT đã lần lượt ra mắt dịch vụ truyền hình OTT. Theo nhận định của nhiều chuyên gia truyền hình, sau một thời gian dài cạnh tranh về giá, giá dịch vụ truyền hình trả tiền ở Việt Nam đã rơi xuống ở mức khó có thể thấp hơn. Và năm 2017 sẽ chứng kiến một sự bùng nổ của dịch vụ truyền hình qua Internet (truyền hình OTT) khi và tất cả các đại gia truyền hình đã sẵn sàng nhập cuộc.

Ngay vào đầu năm mới 2017, SCTV đã tung ra một chương trình khuyến mãi vô cùng hấp dẫn cho dịch vụ VOD. Chỉ cần một đầu thu Hybrid box của SCTV, khách hàng sử dụng các gói trọn gói Internet có thể sử dụng cùng lúc 2 dịch vụ: Truyền hình kĩ thuật số chuẩn HD và dịch vụ video theo yêu cầu - VOD với giá cước siêu tiết kiệm và chỉ cần thanh toán trên 1 hóa đơn hàng tháng. Từ ngày 1/1/2017, SCTV áp dụng chương trình miễn phí gói VOD cơ bản – gói xem phim theo yêu cầu cơ bản - dành cho các khách hàng sử dụng Gói trọn gói (Truyền hình KTS HD + Internet) của SCTV. Đặc biệt, giảm đến 45% gói VOD thuê bao trong 12 tháng dành cho các khách hàng đăng kí từ ngày 1/1/2017 - 31/3/2017.

Trước đó, vào ngày 22/12/2016, VNPT Technology đã chính thức ra mắt sản phẩm Smartbox 2 và dịch vụ truyền hình trả tiền trên Internet TVoD. Đây là sản phẩm và dịch vụ có hàm lượng chất xám của người Việt do chính các kĩ sư VNPT Technology nghiên cứu, phát triển.

Theo ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNPT, dịch vụ truyền hình IPTV của VNPT sau một thời gian phát triển mạnh đạt gần 1 triệu thuê bao, thì 2 năm gần đây đã phát triển rất chậm do không cạnh tranh được với dịch vụ truyền hình cáp giá rẻ. Năm 2017, VNPT sẽ phải chuyển hướng sang kinh doanh dịch vụ truyền hình OTT để bù đắp lại phần thuê bao truyền hình MyTV rời mạng trong năm qua.

Ngày 17/10/2016, Bộ TT&TT đã cấp giấy phép cho phép Tổng công ty Truyền thông Đa phương tiện VTC cung cấp dịch vụ phát thanh và truyền hình trên Internet (truyền hình OTT). Thời hạn của giấy phép là 10 năm, đến hết ngày 16/10/2026.

Như vậy VTC là đơn vị truyền hình vệ tinh thứ 2 (sau K+) đã được nhận giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình giao thức OTT. VTC là đơn vị đầu tiên ở Việt Nam triển khai thử nghiệm dịch vụ truyền hình OTT (VTC Play) từ năm 2013 tới nay. Sau khi có giấy phép cung cấp dịch vụ, vào cuối năm 2016 VTC đã ra mắt loại đầu thu lai ghép, cho phép thu xem tín hiệu truyền hình: vệ tinh, mặt đất hoặc qua Internet trên cùng một đầu thu. Khán giả của VTC có thể xem truyền hình trên mọi thiết bị khác nhau như: tivi, máy tính, máy tính bảng, điện thoại có kết nối Internet.

Trước đó, K+ đã chính thức ra mắt dịch vụ truyền hình OTT từ ngày 22/9/2016, với gói cước MyK+ NOW cho các các thiết bị di động có kết nối Internet, phí thuê bao là 125.000 đồng/tháng.

Mới đây, ông Phan Minh Thế, Giám đốc VTC Digital đã đề nghị Bộ TT&TT xem xét có chính sách quản lí dịch vụ truyền hình OTT để đảm bảo bình đẳng, cạnh tranh giữa các các doanh nghiệp một cách lành mạnh. Theo ông Thế, OTT là dịch vụ phải đầu tư lâu dài, trong khi đó các doanh nghiệp nhỏ đang cung cấp dịch vụ nội dung không bản quyền, làm cho việc cung cấp dịch vụ truyền hình OTT của các doanh nghiệp lớn như VTC gặp nhiều khó khăn.

Việc các đại gia truyền hình nhảy vào lĩnh vực OTT được đánh giá là khá chậm chân so với rất nhiều nước khác. Từ năm 2013, đã có rất nhiều doanh nghiệp không làm nội dung truyền hình tham gia cung cấp nội dung qua thiết bị Android TV Box qua Internet cho khách hàng.

Tính đến nay đã có hàng trăm model thiết bị Android TV Box đang được các doanh nghiệp vừa và nhỏ cung cấp vào thị trường Việt Nam. Ngay cả các đơn vị lắp ráp đầu thu truyền hình số DVB-T2 cũng đã bắt đầu lấn sân sang cung cấp thiết bị Android TV Box. Ưu thế giá rẻ cũng được khá nhiều người dân quan tâm, tuy nhiên những thiết bị loại này lại không có thế mạnh về nội dung như các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền khác.

Theo ICTnews.




Bình luận

  • TTCN (0)