Thị trường cung cấp dịch vụ chữ kí số đang có sự cạnh tranh quyết liệt.

Trên thị trường hiện nay đang có 6 nhà cung cấp dịch vụ chữ kí số là VINA, NEW-CA, NACENCOM, FPT, VIETTEL và VNPT. Theo thông tin mà ICTnews tìm hiểu trong tuần qua thì thị trường cung cấp dịch vụ chữ kí số đang có sự cạnh tranh quyết liệt, tình trạng các đại lí đã đua nhau giảm giá, chiếu khấu từ 30% đến 40% so với giá công bố để cạnh tranh diễn ra khá rầm rộ.

Ví dụ, theo báo giá của đại lí chữ kí số Khánh Linh, giá dịch vụ chữ kí số của các nhà cung cấp dịch vụ có mức chênh lệch khá lớn. Ví dụ, gói dịch vụ 3 năm được cộng thêm 1 năm, với tổng thời gian sử dụng sau khi chiết khấu của VINA là 4 năm có giá thấp nhất chỉ 1,7 triệu đồng, NEW-CA là 1,8 triệu đồng, NACENCOM là 1,9 triệu đồng, FPT là 1,9 triệu đồng, VIETTEL là 1,9 triệu đồng, VNPT là 2,4 triệu đồng. Đây là giá trọn gói bao gồm cả thiết bị USB Token. Mức giá dịch vụ này thấp hơn rất nhiều so với mức giá niêm yết và ghi trên hóa đơn, vì theo mức giá niêm yết của 6 nhà cung cấp thì gói dịch vụ này đều có mức 3 triệu đồng.

Một đại lí khác của VINA thì chào giá gói dịch vụ 4 năm giá 2 triệu đồng, gói dịch vụ của VIETTEL và VNPT đồng giá là 2,4 triệu đồng.

Bên cạnh việc giảm giá, chiết khấu “khủng” doanh nghiệp mua chữ kí số còn được khuyến mãi các dịch vụ như miễn phí tư vấn thuế, đăng kí thuế môn bài, miễn phí dịch vụ kế toán thuế, nộp thuế điện tử từ 6 tháng đến 1 năm.

Do dịch vụ cạnh tranh mạnh nên các đại lí theo dõi rất kĩ thông tin đăng kí doanh nghiệp trên Cổng thông tin doanh nghiệp Quốc gia, khi có một doanh nghiệp mới vừa được cấp Giấy đăng kí kinh doanh được đăng trên Cổng thì ngay lập tức có hàng chục email, cuộc điện thoại gọi đến doanh nghiệp để chào mời mua dịch vụ chữ kí số với rất nhiều ưu đãi đi kèm.

Theo đại diện của một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chữ kí số, do các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chữ kí số bán hàng qua các kênh đại lí bán hàng, nên hầu như các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chữ kí số không quản lí được đại lí và để cho đại lí tự do bán hàng.

Còn theo ý kiến của một số đại lí, sở dĩ giá dịch vụ của mỗi doanh nghiệp khác nhau là do chất lượng dịch vụ. Dịch vụ của VIETTEL và VNPT có chất lượng ổn định, ít bị lỗi nên có giá cao hơn và các đại lí cũng thường tư vấn cho khách hàng chọn dịch vụ của hai nhà mạng này.

Chữ kí số là dịch vụ được sử dụng trong các giao dịch điện tử nhằm xác định danh tính của người kí, đảm bảo tính toàn vẹn và giá trị pháp lí của các giao dịch điện tử. Ứng dụng này giúp việc thực hiện các giao dịch từ xa qua Internet trở nên dễ dàng, đơn giản và bảo mật.

Theo các quy định hiện hành, khi nộp thuế qua mạng, kê khai bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế hoặc sử dụng hải quan điện tử các doanh nghiệp, tổ chức phải sử dụng chữ kí số.

Với tình trạng chữ kí số ngày càng được áp dụng rộng rãi trong giao dịch giữa các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp, thì cần thiết phải có những quy định để quản lí giá dịch vụ chữ kí số, tránh để tình trạng loạn giá như hiện nay.

Liên quan đến quy định về sử dụng chữ kí số, Nghị định 156 của Chính phủ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/1/2017, đã ban hành sửa đổi, bổ sung Điều 14 quy định về sử dụng chữ kí số.

Theo Nghị định mới, các loại chứng thư số được sử dụng để kí số trong hoạt động tài chính giữa tổ chức, cá nhân với cơ quan tài chính được quy định cụ thể, bao gồm: Chứng thư số được cấp bởi tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ kí số công cộng; Chứng thư số được cấp bởi tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ kí số chuyên dùng phục vụ các cơ quan thuộc hệ thống chính trị; Chứng thư số nước ngoài được công nhận; Chứng thư số nước ngoài được chấp nhận tại Việt Nam; Chứng thư số nước ngoài được chấp nhận trong giao dịch quốc tế. Chính phủ giao Bộ Tài chính quy định cụ thể các giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính thuộc phạm vi quản lí nhà nước của Bộ Tài chính bắt buộc phải sử dụng chữ kí số.

Theo ICTnews.




Bình luận

  • TTCN (0)