Công chúng sẽ phản ứng thế nào khi Galaxy Note 8, thiết bị kế nhiệm Note 7, ra mắt? Liệu thảm họa cháy nổ của Note 7 có làm hỏng nhận thức của người dùng đối với thiết bị này?

Đã một năm trôi qua kể từ khi cơn ác mộng của Samsung khép lại. Trong khoảng thời gian này, công ty Hàn Quốc tung ra flagship Galaxy S8. Hồi giữa tháng 7/2017, CEO Samsung DJ Koh khẳng định doanh số bộ đôi S8/S8 Plus cao hơn 15% so với S7 trong cùng kì.

Không may, chúng ta không có số liệu cụ thể và cũng không dám chắc đâu là động lực thúc đẩy doanh số thiết bị. Song, có thể nhận định một cách an toàn rằng sự cố trên Note 7 đã không “dìm hàng” các smartphone mới cùng hãng, ít nhất là về doanh số.

Không chỉ có vậy, Samsung còn báo cáo kết quả quý II/2017 tốt hơn dự báo, chủ yếu nhờ giá NAND và RAM tăng. Hãng điện tử đạt lợi nhuận 3,7 tỉ USD sau khi S8 lên kệ, giảm nhẹ so với cùng kì năm 2016 do giá linh kiện cao hơn.

Theo sau Galaxy S8, Samsung còn ra mắt lại Note 7 với tên gọi Fan Edition tại Hàn Quốc, dùng pin nhỏ hơn, an toàn hơn. Nếu theo dõi truyền thông Hàn Quốc, có vẻ công chúng khá hào hứng với phiên bản tân trang này.

Với việc phát hành suôn sẻ S8 và lợi nhuận kỉ lục, câu hỏi lớn hơn đặt ra cho gã khổng lồ Samsung là người dùng có khắt khe hơn đối với sản phẩm kế nhiệm Note 7 hay không. Khảo sát được hãng tiếp thị Fluent thực hiện đối với 1.500 người cho thấy đáp án là không. Người hâm mộ vẫn tỏ ra trung thành với thương hiệu và công chúng cho rằng sự cố không thiệt hại quá nhiều đến danh tiếng công ty.

Khi được hỏi sự cố pin có ảnh hưởng nào đến độ tiếp nhận thương hiệu hay không, chỉ có 13% người tin nó có tác động tiêu cực lớn, 21% tin có tác động tiêu cực và 30% cho biết không có gì khác biệt. Những người còn lại không để ý. Nói cách khác, khoảng 51% nghĩ rằng Note 7 làm “sứt mẻ” uy tín Samsung theo nhiều cấp độ, song có đồng nghĩa họ sẽ không mua Note 8?

Một điều khá thú vị là 63% người dùng Samsung hiện tại nhấn mạnh sự cố không tác động gì đến kế hoạch mua điện thoại Samsung của họ trong tương lai. Dù vậy, con số giảm xuống 46% nếu người được hỏi từng sở hữu Note 7. Đây là điều dễ hiểu vì họ có liên quan trực tiếp đến một sản phẩm bị lỗi và đã bị thu hồi.

Đối với người dùng smartphone nói chung, tỉ lệ là 50/50 khi hỏi họ có muốn mua điện thoại Samsung không. Dù người hâm mộ Samsung vẫn trung thành, người dùng nói chung lại cảnh giác cao hơn. Họ sẽ chờ đợi và nghe ngóng về hoạt động của Note 8.

Đây không phải khảo sát đầu tiên về nhận thức người dùng đối với Samsung và dòng Galaxy Note. Tháng 11/2016, không lâu sau cuộc triệu hồi, khảo sát của Reuters chỉ ra có rất ít khác biệt trong ý định mua sắm giữa những người biết và không biết về Note 7. Có lẽ, Samsung đã xử lí vấn đề đủ tốt để trấn an phần lớn người dùng.

Chúng ta có thể kiểm chứng bằng dữ liệu xu hướng tìm kiếm trên Google. Khi tìm xu hướng từ khóa “exploding phone” (điện thoại phát nổ), chỉ có khoảng 3 tháng được quan tâm lớn nhưng hiện tại rất thấp. Họ không còn hào hứng với sự kiện diễn ra đã lâu nữa. Quan trọng hơn, chúng ta không thấy chủ đề cũ xuất hiện trở lại ngay trước khi Galaxy Note 8 ra mắt.

Một điều chắc chắn là sẽ có những so sánh giữa Note 7 và Note 8 và chúng ta có thể nghe được nhiều lời cảnh báo, lời khuyên khi có ai đó định mua Note 8. Quan sát thành công của Galaxy S8, phản ứng của công chúng Hàn Quốc trước Note FE và danh tiếng không quá sứt mẻ, không có nhiều bằng chứng về việc doanh số Note 8 sẽ bị “át vía” vì Note 7.

Theo ICTnews.




Bình luận

  • TTCN (0)