Ông Vũ Xuân Cường (giữa), đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai.

Tại khoản 4 Điều 34 dự thảo Luật An ninh mạng quy định các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam phải tuân thủ pháp luật của Việt Nam, tôn trọng chủ quyền và quyền lợi quốc gia, có giấy phép hoạt động, đặt cơ quan đại diện tại Việt Nam, và đặt máy chủ quản lí dữ liệu người sử dụng trên lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam.

Đặt máy chủ xong họ... tắt đi thì sao?

Đại biểu Vũ Xuân Cường (đoàn Lào Cai) cho rằng quy định các doanh nghiệp đặt máy chủ (server) ở Việt Nam mới được phép hoạt động tại Việt Nam là không khả thi, thậm chí có thể khiến các ông lớn công nghệ như Facebook, Google, Yahoo!,… rút khỏi thị trường có tới hơn 50 triệu thuê bao internet.

PGS-TS. Nguyễn Lân Hiếu không ngần ngại chỉ ra rằng quy định này sẽ gây khó khăn cho các nhà đầu tư về công nghệ internet và làm chùn bước họ khi có ý định đầu tư vào Việt Nam.

“Tôi được biết Google hiện chỉ có 4 trung tâm dữ liệu trên toàn cầu, vậy mà Việt Nam đòi đặt 1 trung tâm thì tôi nghĩ là không khả thi”,Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nói.

Theo quan điểm của ông Hiếu, cơ quan chức năng nên quản lí mạng xã hội bằng các Luật Dân sự, Luật Hình sự, hoặc Luật Tiếp cận thông tin để ngăn chặn các tin tức giả, quảng cáo.

Ông Hiếu lấy ví dụ các nước khác họ làm rất đơn giản, như nước Đức họ đưa ra mức phạt cao nhất lên đến 50 triệu Euro, chúng ta nên tăng mức phạt hành chính lên khi phát hiện tin giả, tin xấu, và sẽ làm cho các nhà đầu tư thấy tâm phục khẩu phục. Với cách quản lí như vậy sẽ hạn chế được những điều luật mang tính chung chung, đến khi cần xử lí thì lại không thể xử lí.

“Đơn giản như định nghĩa thế nào là server, nếu người ta đặt server và đặt data (dữ liệu) ở Việt Nam, nhưng sau đó người ta tắt server đi và dùng server ở bên ngoài thì chúng ta làm gì?”, Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu phân tích.

Ảnh
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (giữa), đoàn ĐBQH tỉnh An Giang.

Một ví dụ khác là quy định công khai thông tin những người mua quảng cáo các lĩnh vực liên quan đến chính trị trên mạng xã hội. Hiện nay một số nước thậm chí cấm người nước ngoài mua quảng cáo trên mạng xã hội.

Theo ông Hiếu, chúng ta có 80 triệu tài khoản facebook, 50 triệu thuê bao internet, là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển internet và mạng xã hội nhanh nhất thế giới, việc đảm bảo môi trường dân chủ và đảm bảo an ninh quốc gia là rất cần thiết.

Do đó chúng ta cũng nên cẩn trọng trong việc ban hành những điều luật, đặc biệt phải tính đến việc tránh trường hợp sau khi luật ra đời 2-3 năm Quốc hội lại phải sửa luật, ảnh hưởng đến sự ổn định để phát triển.

An ninh mạng chưa hẳn là quản lí mạng

Theo Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (đoàn An Giang), tình hình an ninh mạng đang diễn ra hết sức phức tạp, trong khi vấn đề tấn công mạng thời gian qua cũng đã ảnh hưởng rất lớn trong vấn đề an ninh, không chỉ với cơ quan nhà nước mà còn với các doanh nghiệp.

Số liệu báo cáo của Chính phủ cho thấy năm 2016 phát hiện 190 vụ tấn công mạng, tăng 3 lần so với năm 2015. Năm 2016 cũng phát sinh nhiều vụ tấn công mạng ảnh hưởng đến an ninh không những của nhà nước mà của nhiều đối tượng khác. Do đó việc ban hành Luật An ninh mạng là rất cần thiết.

Tuy nhiên, Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết cho rằng việc ban hành Luật An ninh mạng cần tránh sự chồng chéo với Luật An toàn thông tin mạng đã được Quốc hội ban hành.

Ảnh
Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết, đoàn ĐBQH tỉnh An Giang.

Đi sâu vào phân tích, Đại biểu Vũ Xuân Cường đặt câu hỏi tại sao không đặt vấn đề mang tính bao trùm hơn, chẳng như đặt tên dự án Luật là Luật Quản lí mạng, như vậy sẽ không chỉ nhìn nhận vấn đề ở góc độ về an ninh mạng. Thông tin mạng gồm các nội dung cần quản lí có hai phần: An ninh mạng để đảm bảo an toàn thông tin được thông suốt; và quản lí thông tin xấu, tin độc hại.

“Quản lí mạng bao gồm có an ninh mạng và thông tin mạng. Do vậy cần phải đặt vấn đề để xây dựng Luật gọi là Luật Quản lí mạng sẽ bao trùm toàn bộ các nội dung, kể cả về an ninh, kể cả thông tin mạng. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ là cơ quan chủ trì quản lí cả thông tin và cả an ninh mạng, khi đó Bộ Công an và Bộ Quốc phòng sẽ là cơ quan phối hợp”, Đại biểu Vũ Xuân Cường đề nghị.

Để thực hiện công tác bảo đảm an ninh mạng, nguồn nhân lực là rất quan trọng, tuy nhiên nội dung Luật quy định còn mang tính chung chung. Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết cho rằng, cần cụ thể hóa chính sách đào tạo và huy động nguồn lực đào tạo, yêu cầu nguồn nhân lực cũng cần làm rõ để có sự chuẩn hóa trong đào tạo nguồn nhân lực. “Không đặt yêu cầu về nguồn nhân lực thì không thể đáp ứng yêu cầu thực tế về nhân lực trong lĩnh vực này.” bà Mai Thị Ánh Tuyết nói.

Đại biểu Hồ Thanh Bình (đoàn An Giang) cho rằng hiện nay hầu như ai cũng có điện thoại thông minh và sử dụng mạng internet, nhưng không phải ai cũng hiểu biết, nhận thức sử dụng mạng như thế nào. Do đó, Luật An ninh mạng nên có nội dung về tuyên truyền, giáo dục đạo đức, hành vi, hướng dẫn sử dụng mạng sao cho an toàn.

Theo Infonet.




Bình luận

  • TTCN (0)